(Xây dựng) - Nhắc tới Đa Sỹ - Hà Đông, người ta nghĩ tới làng nghề truyền thống sản xuất dao kéo có tiếng trong vùng. Diện mạo Đa Sỹ giờ đây đã có nhiều sự thay đổi, đường xá được mở mang nhiều hơn, những khu đô thị và chung cư mới mọc lên như nấm… Thế nhưng bên cạnh đó, hàng ngày người dân Đa Sỹ vẫn phải hứng chịu những hệ lụy mà đáng ra họ đã được giải quyết từ rất lâu rồi.
Làng Đa Sỹ với diện mạo mới.
Sinh nghề tử nghiệp
Bước chân tới đầu làng, cảm giác đầu tiên tôi cảm nhận là những tiếng chan chát của búa đập, những tiếng cắt hàn của người thợ luyện kim… Khiến tôi có cảm giác đinh tai, buốt óc.
Ghé thăm một hộ gia đình đang sản xuất dao kéo. Họ tâm sự: “Nói thật với các anh, chúng tôi làm cái nghề này cũng chẳng sung sướng gì? Ngày nào cũng phải nghe những âm thanh như búa bổ vào đầu, mạn sắt, khói hàn cay mắt, điếc mũi. Sống như vậy chẳng biết được bao lâu. Nhưng cái nghề mình theo rồi thì phải chấp nhận”.
Một cơ sở sản xuất dao kéo nhỏ lẻ.
Đến bên một gia đình mới chuyển tới làng, họ chia sẻ: “Gia đình em không phải người gốc làng này! Biết ăn ở thế này, e thà ra đồng ở một mình còn sướng hơn. Sáng chưa mở mắt đã bụp bụp, chát chát. Trưa chuẩn bị ngủ thì lại âm thanh cũ vang vọng bên tai. Tường nhà em anh thấy đấy, nứt hết cả. Biết kêu ai bây giờ. À! Em thấy bảo Quận Hà Đông mới cho quây lại khu đất để làm khu công nghiệp làng nghề mà triển khai lâu thế! Tình hình cứ như thế này thì chết mất”.
Với các hộ dân muốn tăng gia sản xuất loại mặt hàng truyền thống thì không cơ hội, vì họ đầu tư những chiếc máy khủng để sản xuất với số lượng lớn lại không có nơi tập hợp máy móc.
Một góc nhỏ bày bán dao kéo tại làng Đa Sỹ.
Họ mong mỏi từng ngày, từng giờ để có nơi sản xuất mới, xa khu dân cư tránh ảnh hưởng tới những người xung quanh thì không được đáp ứng.
Lý do to hơn mục đích?
Thực tế cho thấy đã hơn 10 năm trôi qua, những mảnh đất mà quận Hà Đông thu hồi để sử dụng xây dựng các khu chung cư, các khu đô thị… thì được triển khai rất nhanh. Còn việc quy hoạch và xây dựng khu công nghiệp làng nghề Đa Sỹ thì hầu như không thấy động tĩnh gì?
Lối vào nhà bà Thuận.
Ngày 9/7, phóng viên Báo Điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với bà Thuận – Tổ trưởng tổ dân phố số 7, thôn Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông.
Xa xa những khu đô thị mọc lên như nấm, bên cạnh một khu đất quy hoạch cỏ cây um tùm.
Bà chia sẻ, thực ra trong năm 2013, quận Hà Đông đã quy hoạch cánh đồng rộng hơn 13ha giáp với đường Lê Trọng Tấn để triển khai xây dựng khu công nghiệp làng nghề Đa Sỹ.
Tuy nhiên, động thái gần đây nhất chỉ thấy quận quây tôn xung quanh khu đất. Đến nay, mặt bằng san xong chỉ để đấy, cỏ mọc um tùm đúng như khu đất bị bỏ hoang.
Khu vực quây tôn đất công nghiệp làng nghềs giáp với đường Lê Trọng Tấn – Hà Đông.
Cũng theo bà Thuận, quận đưa ra tiêu chí để xét duyệt các hộ được phép sản xuất trong khu công nghiệp. Phường đã tổ chức những buổi tiếp xúc cử chi, người dân đề nghị sớm giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng khu công nghiệp.
Để họ đầu tư máy móc, phát triển sản xuất. Đồng thời, tách biệt khỏi khu dân cư. Tránh được hệ quả là ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân…
Thế nhưng phường lại trả lời một câu rất đơn giản, ngắn gọn. Khu đất đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch, vì trong 13ha đất sử dụng cho làng nghề có 3,1ha là đất dịch vụ nên chưa thể triển khai được.
Lý do đơn giản là điều chỉnh quy hoạch, trong khi mục đích như thế nào thì có ông trời mời biết được! Bên cạnh đó đã hơn 10 năm nay người dân làng Đa Sỹ ngày vẫn phải chịu những tiếng ồn của các cơ sở sản xuất dao kéo nhỏ lẻ, ô nhiễm môi trường, nhà cửa rạn nứt, không có mặt bằng tập chung sản xuất…
Báo Điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Việt Khoa
Theo