(Xây dựng) - Tháng 11/2018, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) tiếp tục triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đợt 2 giai đoạn I, trang bị thêm 38 xe ô tô phục vụ khách hàng địa bàn nông thôn các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Từ đầu năm 2018, Agribank chính thức triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đợt 1 với 30 xe tại 30 chi nhánh. Ô tô chuyên dùng có két sắt gắn liền với các thiết bị kỹ thuật an toàn. Mọi hoạt động giao dịch được thực hiện ngay trên xe, có công cụ bảo vệ, hệ thống mạng, hệ thống cung cấp điện, thiết bị định vị và giám sát đa năng...
Bằng việc trang bị những thiết bị tối cần thiết để thuận tiện cho các hoạt động giao dịch tại chỗ, điểm giao dịch lưu động cung cấp đầy đủ dịch vụ tiện ích như: Tín dụng, tiếp nhận và hướng dẫn hồ sơ vay vốn, cho vay cầm cố sổ tiết kiệm do Agribank phát hành, giải ngân, thu nợ, thu lãi các món vay của cá nhân thuộc địa bàn hoạt động; mở và sử dụng tài khoản tiền gửi thanh toán bằng VNĐ; gửi tiền, rút tiền gửi tiết kiệm bằng VNĐ; chuyển tiền, nhận tiền trong nước; chi trả kiều hối bằng VNĐ; các dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động (Mobile Banking), dịch vụ ngân hàng trên Internet (Internet Banking); thanh toán hóa đơn, thu hộ, chi hộ, nộp thuế, nộp Ngân sách Nhà nước; phát hành thẻ ghi nợ nội địa, thẻ ghi nợ quốc tế, thẻ trả trước; các dịch vụ bảo hiểm liên kết ngân hàng (Bảo an tín dụng, bảo hiểm ô tô, xe máy; bảo hiểm cây trồng, vật nuôi; bảo hiểm nhà, bảo hiểm chủ thẻ).
Tính đến 30/9/2018, điểm giao dịch lưu động Agribank đã tổ chức 1.803 phiên giao dịch, phục vụ hơn 196.000 lượt khách hàng tại địa bàn 229 xã trên cả nước, trung bình 01 phiên, điểm giao dịch phục vụ cho 109 khách hàng; thực hiện giải ngân hơn 884 tỷ đồng, thu nợ gốc - lãi hơn 760 tỷ đồng, huy động tiết kiệm hơn 209 tỷ đồng; dịch vụ chuyển tiền hơn 545 tỷ đồng với trên 12.576 khách hàng; dịch vụ khác 20.454 khách hàng…
Tại nhiều khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại không thuận lợi, việc xây dựng một phòng giao dịch ngân hàng là hết sức khó khăn, chi phí tốn kém.
Theo thống kê của Agribank, khu vực Tây Nguyên bình quân 18 xã/1 phòng giao dịch; khu vực Trung du miền núi phía Bắc bình quân 15 xã/1 phòng giao dịch. Có những địa bàn khoảng cách từ xã xa nhất đến phòng giao dịch là trên 60 km. Bên cạnh đó, bình quân một cán bộ tín dụng quản lý từ 800 - 1.000 hộ vay vốn trong điều kiện địa bàn đi lại vô cùng khó khăn. Trong bối cảnh đó, để duy trì và tăng trưởng dư nợ nông nghiệp, nông thôn là vấn đề không đơn giản.
Mặt khác, với cơ sở khách hàng hiện nay là hơn 10 triệu hộ sản xuất kinh doanh nông nghiệp, trong khi nhu cầu vay vốn, tiết kiệm và sử dụng các sản phẩm dịch vụ của người dân ở khu vực nông thôn ngày càng tăng, do vậy, mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch của Agribank tại các địa bàn này sẽ khó đáp ứng được hết nhu cầu giao dịch cũng như thuận tiện cho người dân, nhất là những vùng điều kiện đi lại khó khăn.
Được sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước, Agribank triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng với mục tiêu mở rộng tín dụng và cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các hộ sản xuất, cá nhân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm phát triển sản xuất hàng hóa, đẩy lùi nạn tín dụng đen, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư.
PV
Theo