(Xây dựng) – Để khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ, Quyết định 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 của Ngân hàng Nhà nước về việc triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, Agribank đã dành mức tối thiểu đầu tư cho vay chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 50.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,2 tỷ USD.
Hoạt động Agribank chi nhánh thị xã Gò Công, Tiền Giang. |
Theo thông tin Agribank, hiện nay, Agribank có tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng, tương đương gần 60 tỷ USD, với 20 triệu khách hàng tiền gửi và 3,6 triệu khách hàng tiền vay. Agribank luôn chiếm thị phần lớn nhất hệ thống về dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế (khoảng 14%), đóng vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển “Tam nông”, với tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong các năm qua luôn ở mức khoảng 70% dư nợ cho vay của Agribank, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh như: lúa, cao su, cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản, tạo việc làm và nâng cao đời sống, thu nhập, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân có thêm nguồn lực đầu tư mở rộng sản xuất, áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp với lãi suất ưu đãi, thông qua đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, Agribank đã ký kết hợp tác với các tập đoàn máy nông cụ trên thế giới như: Tata (Ấn Độ), Yanmar, Kubota (Nhật Bản)… Thông qua ký kết thỏa thuận hợp tác với các đối tác quốc tế, Agribank đang tích cực góp phần hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ về hiện đại hóa nông nghiệp, chú trọng phát triển cơ giới hóa nông nghiệp, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực của Agribank trên thị trường tín dụng nông nghiệp, nông thôn.
Theo thỏa thuận ký kết giữa Agribank và các Tập đoàn, khách hàng vay vốn của Agribank để mua máy móc, thiết bị do các Tập đoàn phân phối được hưởng quyền lợi theo chương trình khuyến mại mà các Tập đoàn đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Ngoài quyền lợi được hưởng theo chương trình khuyến mãi của các Tập đoàn, khách hàng vay vốn của Agribank để mua máy móc, thiết bị do các Tập đoàn vẫn được hưởng các quyền lợi theo chương trình hỗ trợ cho vay của Chính phủ mà Agribank đang triển khai. Chẳng hạn như: Chương trình cho vay của Agribank về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình cấp tín dụng phục vụ chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ.
Agribank đầu tư ngày càng nhiều cho cơ giới hóa nông nghiệp. |
Hiện nay, tại khu vực Tây Nam bộ là vùng nông nghiệp lớn nhất nước, Agribank đã có 17 chi nhánh, đến 31/7/2022, có tổng nguồn vốn 178.176 tỷ và tổng dư nợ 212.104 tỷ đồng. Agribank tích cực trong việc triển khai chương trình cho vay liên kết, cho vay phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, như: Thực hiện cho vay không có đảm bảo bằng tài sản đối với các đối tượng khách hàng đáp ứng điều kiện với mức cho vay không bảo đảm tối đa 80% giá trị của dự án; Chương trình cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao dành quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng, tương đương 2,2 tỷ USD đầu tư cho vay đối với lĩnh vực này.
Huỳnh Biển
Theo