(Xây dựng) - Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã ký kết thỏa thuận trong khuôn khổ Chương trình Tài trợ thương mại và Chuỗi cung ứng (TSCFP) nhằm hỗ trợ hoạt động thương mại tại Việt Nam thông qua việc cung cấp các khoản vay và các công cụ tài chính khác.
Theo đó, ADB đồng ý cấp hạn mức lên đến l8 triệu USD bảo lãnh và 5 triệu USD vay tuần hoàn, giúp SeABank tiếp cận và thiết lập quan hệ giao dịch với nhiều ngân hàng trên thế giới, đồng thời nâng vị thế của SeABank trên thị trường quốc tế về tài trợ thương mại. Sau khi hợp đồng mới với SeABank được ký kết, TSCFP hoàn thành hợp tác với 14 ngân hàng thương mại tại Việt Nam.
Ông Can Sutken - Chuyên gia đầu tư và Giám đốc Quan hệ của ADB tại Thái Bình Dương cho biết: “Điều này góp phần thể hiện rõ hơn cam kết của chúng tôi trong việc hỗ trợ hoạt động thương mại tại Việt Nam. Chúng tôi rất vui mừng được hợp tác với SeABank để hỗ trợ các khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của họ”.
Bà Lê Thu Thủy - Tổng Giám đốc SeABank cho biết: “Việc ADB đồng ý cấp hạn mức cho SeABank chỉ sau gần 1 năm khẳng định vị thế và uy tín của SeABank không chỉ với đối tác trong nước mà còn với các định chế tài chính nước ngoài. Chương trình TFP sẽ giúp SeABank phát triển các hoạt động tài trợ thương mại để phục vụ khách hàng, đặc biệt là các đối tượng khách hàng SMEs. Chúng tôi cam kết sẽ sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp SME và chuỗi cung ứng của họ, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển và tạo việc làm cho người lao động”.
Từ năm 2004, Chương trình Tài trợ thương mại (TFP) đã hỗ trợ 13,5 tỷ USD vào hoạt động thương mại thông qua 13.530 giao dịch bao gồm cả bảo lãnh và tài trợ trực tiếp tại Việt Nam, trong đó, 63% giao dịch liên quan tới các doanh nghiệp SME.
Chỉ tính từ 2009 đến nay, chương trình đã hỗ trợ cho khoảng 20.000 doanh nghiệp SME tại các quốc gia đang phát triển ở châu Á thông qua hơn 26.000 giao dịch với trị giá hơn 41 triệu USD trong các lĩnh vực từ hàng hóa và nguyên liệu sản xuất tới vật tư y tế và hàng tiêu dùng. TFP còn kết hợp các kiến thức về sản phẩm với các hỗ trợ tài chính của mình, bao gồm nghiên cứu định lượng về lỗ hổng thị trường trong tài trợ thương mại, các sáng kiến để nâng cao vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực ngân hàng, các nỗ lực để tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường và các sáng kiến chống tội phạm thông qua minh bạch hóa hệ thống tài chính toàn cầu. TFP cũng tổ chức các hội thảo và tọa đàm nhằm nâng cao nhận thức và chuyên môn trong các lĩnh vực liên quan tới tài chính, thương mại, quản lý rủi ro và phòng chống gian lận.
Để được cấp hạn mức tham gia chương trình TFP, các ngân hàng phải đáp ứng được các tiêu chí do ADB đặt ra như: Hoạt động hiệu quả và lành mạnh, quản trị rủi ro tốt, thông tin minh bạch, định hướng phát triển rõ ràng, đội ngũ lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược.
Dựa trên xếp hạng tín dụng AAA của ADB, TSCFP cung cấp các khoản vay và bảo lãnh cho hơn 200 ngân hàng đối tác để hỗ trợ thương mại, tạo cơ hội cho thêm nhiều doanh nghiệp trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu.
Ninh Nhi
Theo