(Xây dựng) – Trung tâm phát triển sáng tạo Xanh (Green ID) đã phân tích chi phí và lợi ích của 3 kịch bản nguồn điện ở Đồng bằng sông Cửu Long từ nhiều góc độ khác nhau như kinh tế, tài chính, xã hội hay môi trường.
Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo. |
Green ID đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Phân tích chi phí và lợi ích của các kịch bản nguồn điện từ góc nhìn của Đồng bằng sông Cửu Long” nhằm tìm ra kịch bản tốt nhất cho vấn đề chuyển dịch năng lượng bền vững tại khu vực này. Nghiên cứu được phân tích từ nhiều góc độ khác nhau như kinh tế, tài chính, xã hội và môi trường.
Từ đó, đề tài đã đưa ra 3 kịch bản phát triển nguồn điện cho Đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi kịch bản sẽ có những điểm mạnh và hạn chế để tận dụng các thời cơ, đồng thời cũng phải đối diện với những thách thức.
Vấn đề quan trọng là địa phương phải có kế hoạch phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở tiếp cận hệ thống. Kế hoạch này không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn, truyền tải và sử dụng điện mà còn kết hợp phát triển các ngành, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội môi trường nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển dịch năng lượng công bằng và bền vững.
Đồng bằng sông Cửu Long đứng trước “ngã ba đường”
Green ID phân tích, kịch bản đầu tiên cho việc phát triển nguồn điện ở Đồng bằng sông Cửu Long là không có chính sách ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo. Địa phương sẽ tiếp tục phát triển nhiệt điện than và các nguồn điện cạnh tranh tự do trên cơ sở chi phí và các ràng buộc chung.
Cánh đồng quạt gió ở tỉnh Bạc Liêu. |
Theo kịch bản này, công suất phát điện dự kiến ở Đồng bằng sông cửu Long sẽ tăng từ 4.978MW năm 2018 lên 55.660MW vào năm 2050, tăng bình quân hàng năm khoảng 1.584MW. Trong đó, nhiệt điện than dự kiến sẽ tăng từ 2.490MW năm 2018 lên 20.270MW vào năm 2050.
Tuy nhiên, tỷ trọng của điện than trong tổng cơ cấu nguồn điện vẫn sẽ giảm dần từ 49% vào năm 2018 xuống còn 36% vào năm 2050. Trong khi đó, tỷ trọng năng lượng tái tạo sẽ tăng lên từ 3,8% năm 2018 lên 37,9% vào năm 2050. Sự gia tăng này chủ yếu do tăng công suất từ nguồn điện gió và mặt trời.
Ở kịch bản thứ 2, địa phương sẽ có chính sách đáp ứng mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo. Khi đó, công suất phát điện dự kiến tăng lên 69.029MW vào năm 2050. Kịch bản 2 sẽ có nhiều hơn kịch bản 1 khoảng 14.000MW vì nhiều điện gió và điện mặt trời được lựa chọn hơn.
Tỷ trọng than giảm xuống còn 24% vào năm 2050, thấp hơn nhiều so với mức 36% của kịch bản 1. Trong khi đó, tỷ trọng năng lượng tái tạo sẽ tăng lên 47% vào năm 2050, cao hơn gần 10% so với kịch bản 1.
Với kịch bản thứ 3, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có chính sách đáp ứng mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo và không phát triển thêm nhiệt điện than mới. Công suất phát điện dự kiến trong kịch bản này tăng lên mức cao nhất là 75.177MW vào năm 2050. Nguyên nhân là công suất điện từ nguồn năng lượng tái tạo cao hơn hẳn, chiếm đếm 56% tổng nguồn cung.
Đồng bằng sông Cửu Long nên chọn kịch bản nào?
Rõ ràng, mỗi kịch bản đều sẽ có ưu điểm và nhược điểm riêng. Hiệu quả của mỗi kịch bản còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố đầu vào như xu thế tác động, yếu tố công nghệ và đặc biệt là cơ chế, chính sách, chất lượng quản lý, điều hành.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu GreenID khuyến nghị địa phương nên xem xét thực hiện kịch bản 3 vì ưu thế sử dụng nhiều nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời hay điện khí. Đây cũng là kịch bản có ít nhiệt điện than nên sẽ hạn chế lượng phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường và ít nguy hại tới sức khỏe con người hơn so với kịch bản 1 và 2.
Mặt khác, kịch bản 3 cũng chiếm ưu thế hơn 2 kịch bản còn lại nhờ công nghệ. Theo đó, các công nghệ ít tác động tiêu cực nhất đến môi trường sẽ được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên là điện gió, điện mặt trời, điện khí, điện sinh khối, điện rác, dầu FO và cuối cùng là nhiệt điện than.
Về mặt xã hội, kịch bản 2 tạo ra nhiều việc làm nhất, kế tiếp là kịch bản 1. Nhưng kịch bản 3 lại tạo ra nhiều “việc làm xanh” nhất, năng suất lao động cao hơn và người lao động cũng được làm việc trong các môi trường có điều kiện tốt hơn.
Đồng bằng sông Cửu Long cần hạn chế phát triển nhiệt điện than để bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dân. |
Đánh giá tổng quan cả 3 kịch bản, Green ID thấy rằng, kịch bản 3 cần chi phí cho hệ thống điện cao nhất, nhưng tổng chi phí xã hội thấp nhất. Trong khi đó, các kịch bản 1 và 2 sẽ có tác động không lớn hơn tới môi trường, gây ra chi phí khắc phục lâu dài, ngay cả khi các nhà máy nhiệt điện than ngừng hoạt động. Do đó, 2 kịch bản này sẽ tăng nhiều chi phí hơn so với kịch bản 3. Nói chung, kịch bản 3 ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo và hạn chế phát triển nhiệt điện than là ưu việt nhất.
Dịch Phong (Ảnh: Internet)
Theo