Hàng loạt vấn đề khác cũng được chỉ ra trong báo cáo về các dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật đất đai xảy ra trên địa bàn Hà Nội.
Đất đai là nguồn lực lớn, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội, tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực còn nhiều bất cập, nảy sinh nhiều tranh chấp, vi phạm quy định pháp luật. Thực trạng nhức nhối và thường gặp chính là việc doanh nghiệp triển khai dự án dở dang, ôm đất rồi bỏ không cho cỏ mọc.
29 dự án với diện tích đất lên tới 1.800 ha - đó là mới tính riêng Hà Nội và kết quả sau một đợt thanh tra, rà soát. Con số tính trên phạm vi cả nước chắc chắn lớn gấp nhiều lần như thế!
Nếu nhập từ khóa "đất vàng bỏ hoang" lên công cụ tìm kiếm Google, chỉ chưa đầy một giây đã cho ra gần 72.000 kết quả. Gần như tỉnh, thành nào cũng có dự án treo, đất bỏ hoang. Một sự lãng phí tài nguyên ai cũng thấy rõ, mà cứ tiếp diễn năm này qua năm khác.
Không chỉ có dự án của nhà đầu tư tư nhân mà dự án của doanh nghiệp trong khu vực nhà nước cũng tràn lan tình trạng này. Tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 24/3, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga còn chỉ ra, ngay ở Mê Linh (Hà Nội) "cả khu đô thị chỉ có 1 ngôi nhà mà 10 năm nay vẫn như thế, cỏ mọc đầy, dự án không nhúc nhích". Trong phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt câu hỏi: "Báo chí nêu hàng loạt dự án làm nghèo đất nước. Đất đai chưa kiểm đếm, đo vẽ còn nhiều vô kể. Hàng nghìn dự án treo, ruộng để hoang hóa sao không thu hồi được?". Ông Huệ đánh giá, lãng phí dẫn đến mất mát, thất thoát nhiều khi còn lớn hơn các vụ tham nhũng.
Không lãng phí sao được khi những mảnh đất bị "bỏ quên" không chỉ ở nông thôn, ngoại thành mà còn có cả những vị trí đắc địa trong nội thành, hay còn gọi là "đất vàng", "đất kim cương". Dự án vẽ ra, chầy bửa kéo dài năm này sang tháng khác cùng các hạng mục dở dang "trơ gan cùng tuế nguyệt". Giá trị sử dụng duy nhất của nhiều dự án kiểu này có chăng là một bãi chăn thả trâu, bò và… chấm hết!
Trên thực tế, với những dự án đã được cấp phép, nếu không triển khai trong vòng 12 tháng thì địa phương hoàn toàn có cơ sở để thu hồi. Tuy nhiên, việc thu hồi lại không đơn giản vì nhiều lý do khác nhau, đôi khi là chuyện tế nhị. Do vậy, bên cạnh thu hồi đúng luật thì cơ quan quản lý còn cần tiến hành việc này một cách quyết liệt.
Dự án treo khiến địa phương bị kìm hãm về tăng trưởng, nhưng dự án đó lại trở thành "con tin", doanh nghiệp "ôm" không làm gì mà vẫn có đất là tài sản đảm bảo vay vốn ngân hàng. Cũng không thiếu trường hợp các ngân hàng phải khốn đốn vì nhận dự án thế chấp, nhưng không thể phát mại hay chuyển nhượng do không có thanh khoản. Đành rằng, việc ôm dự án rồi bỏ không khiến đất đai hoang hóa có lỗi của doanh nghiệp, nhưng cũng cần nhìn nhận trách nhiệm của cơ quan quản lý, khi đã dễ dãi trong thu hút đầu tư và cấp phép cho doanh nghiệp một cách nóng vội. Đất lành chim đậu, nhưng càng là đất lành càng phải "chọn mặt gửi vàng".
Về phía doanh nghiệp, đôi khi dự án vẽ ra rất đẹp nhưng nếu quá sức, không có khả năng thực hiện được thì rốt cuộc chỉ ôm lấy thiệt hại mà thôi.
Theo Bích Diệp/Dantri.com.vn
Link gốc: https://dantri.com.vn/blog/29-du-an-1800-ha-dat-20220409085731526.htm