Thứ bảy 27/04/2024 04:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tạp chí Xây dựng và Đô thị: Năng động, chớp cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại

14:09 | 21/10/2019

(Xây dựng) - Trong thời buổi kỷ nguyên kỹ thuật số hiện nay, bất cứ ai cũng có thể đưa thông tin đến với cộng đồng, trong đó có rất nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, không chính xác, thiếu các yếu tố nhân văn… cho nên việc nâng cao chất lượng, thương hiệu trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0 của Tạp chí Xây dựng và Đô thị ngày càng trở nên quan trọng.


Ths. Tào Khánh Hưng - Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng

Khái niệm “Cách mạng công nghiệp 4.0” đã và đang được nhắc tới nhiều trên truyền thông và mạng xã hội. Cùng với đó là những hứa hẹn về cuộc đổi đời của doanh nghiệp tại Việt Nam nếu đón được làn sóng này. Vậy cuộc cách mạng này được hiểu như thế nào?

Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần thứ 3, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học.

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm: Công nghệ sinh học, kỹ thuật số và vật lý. Những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối – internet và dữ liệu lớn.

Lĩnh vực công nghệ sinh học nghiên cứu để tạo những bước nhảy vọt trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu xây dựng.

Cuối cùng là lĩnh vực vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới và công nghệ nano.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức, cá nhân đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế đất nước.

Ở Việt Nam, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, theo đó Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành, các cấp cấp đẩy mạnh ứng dụng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Với mục tiêu tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước, phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng cuộc sống phúc lợi của người dân, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.

Trước hết, những nhà báo của Tạp chí Xây dựng và Đô thị phải hiểu rõ chức năng nhiệm vụ của Học viện là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng, thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngành Xây dựng, cán bộ quản lý xây dựng và đô thị các cấp, cán bộ, công chức viên chức tham gia quản lý và hoạt động xây dựng và các chức danh khác theo quy định của pháp luật, tập huấn phổ biến, kiến thức pháp luật ngành Xây dựng, tổ chức nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, khoa học quản lý, tham gia xây dựng cơ chế chính sách thực hiện nhiệm vụ công trong các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng.


TS. Trần Hữu Hà –Bí thư Đảng ủy, Giám đốc học viện AMC, Tổng biên tập Tạp chí Xây dựng và Đô thị chỉ đạo công tác xuất bản đón nhận cơ hội trước cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0

Trong quyền hạn và nhiệm vụ của Học viện thì việc nghiên cứu, đề xuất tham gia xây dựng chiến lược đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, các đề án dự án, chương trình, kế hoạch 5 năm, hàng năm về đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức viên chức ngành Xây dựng… là một trong 20 nhiệm vụ trọng tâm của Học viện.

Đặc biệt trong 10 năm qua, Học viện AMC đã mở hàng trăm lớp đào tạo bồi dưỡng để thực hiện  nhiệm vụ các đề án Chính phủ giao như: Đề án 1961 “Về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp” và chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Đề án 1956.

Trước yêu cầu đổi mới của ngành Xây dựng, đất nước và hiểu rõ về tầm quan trọng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc nâng cao chất lượng và thương hiệu của Tạp chí Xây dựng và Đô thị cần được triển khai và thực hiện một cách nghiêm túc, cụ thể xin được gợi ý 6 giải pháp như sau:

1. Trên cơ sở nội dung nhiệm vụ và chức năng của Học viện; Tạp chí Xây dựng và Đô thị phải nắm chắc và coi đây chính là tôn chỉ mục đích để đăng tải nội dung bài viết trên Tạp chí in và trang điện tử. Tạp chí tuân thủ sự chỉ đạo về định hướng tuyên truyền của Ban cán sự Đảng Bộ Xây dựng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & Truyền thông và chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Học viện cán bộ quản lý Xây dựng và đô thị.

 2. Đổi mới và nâng cao chất lượng nội dung, tạo thương hiệu của Tạp chí là việc làm thường xuyên của Ban biên tập. Bởi lẽ, chất lượng và thương hiệu của Tạp chí giúp cho thương hiệu của phóng viên được xác lập, phóng viên có những bài viết có tính phát hiện, bài phân tích khoa học về một vấn đề liên quan đến ngành… tạo được sự quan tâm của xã hội. Làm được điều đó, chính nhà báo đã xây dựng được thương hiệu uy tín cho cá nhân và nâng tầm ảnh hưởng của Tạp chí.

3. Các nhà báo, phóng viên phải thông tin chính xác, trung thực không bị cám dỗ, có trách nhiệm với cộng đồng, đảm bảo tính nhân văn, chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin phát ngôn của mình, thường xuyên nêu cao tinh thần trách nhiệm đạo đức, tác phong của người làm báo, cho dù cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động vào lĩnh vực báo chí truyền thông mạnh mẽ đến đâu thì đạo đức và lương tâm nhà báo không thay đổi.

4. Trong khi mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ thông tin đa chiều, thật giả lẫn lộn thì nhà báo phải định hướng xã hội như ngọn đèn dẫn đường cung cấp cho độc giả nhanh nhất những thông tin chính thống chính xác, trung thực. 

5. Tạp chí cần có kế hoạch xây dựng lộ trình cụ thể về cơ sở vật chất và con người:

Học viện cần quan tâm đến tạp chí như: Trang bị cơ sở vật chất, phòng làm việc, hạ tầng kỹ thuật máy móc đáp ứng công việc sản xuất tin bài trên trang điện tử và phát hành tạp chí in.

Cần tuyển chọn lực lượng phóng viên có trình độ chuyên môn am hiểu về ngành Xây dựng và giỏi về nghiệp vụ kỹ năng làm báo.

Ban biên tập gồm: Tổng Biên tập, các Phó Tổng Biên tập, Trưởng Phòng, Ban  thường xuyên nắm bắt thông tin liên quan đến ngành để có sự chỉ đạo kịp thời định hướng dư luận.

Nghề báo là nghề phải cập nhật kiến thức hàng ngày, nhà báo phải có năng lực tư duy để có cách nhìn nhận phản biện xã hội, có ngoại ngữ tốt cùng với thành thạo công nghệ tin học… mới đáp ứng được công việc làm báo trong thời buổi công nghệ 4.0. Nghề báo có 3 việc là: Tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin và quyết định loại tin. Do vậy, nhà báo phải đọc nhiều, đi nhiều, ngẫm nhiều. Tích lũy kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và kiến giải là những yếu tố bắt buộc mà mỗi nhà báo phải có để hành nghề.

6. Hợp tác liên kết truyền thông giữa các báo Trung ương với tạp chí, tạp chí với các tạp chí, tạp chí với báo chí địa phương để lan tỏa thông tin hoạt động của Học viện đến đông đảo bạn đọc và nhân dân. Việc kết nối này, không những quảng bá hình ảnh của Học viện rộng khắp trong và ngoài nước mà còn giúp Học viện trong việc giới thiệu chiêu sinh mở các lớp liên quan đến kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Xây dựng; đặc biệt các Đề án 1961, 1956 của Chính phủ trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.


Ban biên tập Tạp chí Xây dựng và Đô thị triển khai công tác chuyên môn trước khi xuất bản Tạp chí in và trang tin điện tử.

Có thể khẳng định rằng, báo chí, tạp chí ngành Xây dựng có một vị trí vô cùng quan trọng là cầu nối thông tin truyền đạt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, ngành Xây dựng đến nhân dân cả nước, phản ánh đời sống kinh tế - xã hội; chính sách Pháp luật của Bộ Xây dựng đuợc thực hiện như thế nào tại địa phương? Báo chí, tạp chí đã và đang góp phần thúc đẩy tăng trưởng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế ngành Xây dựng và còn mở ra một chân trời mới kết nối giữa con người với con người.

Khi bàn về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng: “Quan trọng là nắm bắt cơ hội, không chỉ ngành nghề mới, việc làm mới mà còn là phương thức cung cấp, tổ chức lao động mới”.

Do đó, Tạp chí Xây dựng và Đô thị phải năng động chớp thời cơ nắm bắt cơ hội khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại để làm tốt chức năng và nhiệm vụ thực sự là diễn đàn nghiên cứu khoa học, tiếng nói của Học viện AMC trước Bộ Xây dựng và đông đảo bạn đọc cả nước.

Ths. Tào Khánh Hưng
Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load