Thứ sáu 26/04/2024 17:35 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Những di sản kiến trúc "còn mãi với thời gian" của Hà Nội

08:54 | 11/09/2019

Kiến trúc Hà Nội cận - hiện đại có sự pha trộn giữa các yếu tố kiến trúc Pháp và kiến trúc Việt trong các công trình. Phong cách kiến trúc Pháp được điều chỉnh phù hợp với điều kiện khí hậu, cảnh quan bản địa. Các công trình xây dựng ở nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, nhiều công trình được thiết kế bởi các kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp và Việt Nam, hầu hết đều có giá trị thẩm mỹ cao và đến nay đã trở thành những di sản vô giá.

Cột cờ Hà Nội nằm trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trên đường Điện Biên Phủ, thuộc quận Ba Đình. Được xây dựng vào năm 1812 thời Vua Gia Long triều Nguyễn trên phần đất phía nam của Hoàng thành Thăng Long, nơi xây tòa thành Tam Môn của Hoàng thành Thăng Long thời Lê.

 Được gọi là Kỳ đài Hà Nội, tọa lạc ở vị trí đắc địa, đánh dấu sự khởi nguyên ở đầu phía Nam trục chính tâm của tòa thành, từ đây theo đường “ngư đạo”, qua Đoan Môn rồi tới điểm quan trọng nhất, điểm trung tâm của Hoàng thành là điện Kính Thiên. Cột Cờ được xây dựng ba tầng đế và một thân cột. Các tầng đế hình chóp vuông cụt, nhỏ dần, chồng lên nhau, xung quanh xây ốp gạch. Toàn bộ Cột Cờ cao 33,4m, nếu kể cả cán cờ thì lên đến 41,4m.

Cột cờ Hà Nội là một trong số ít những công trình kiến trúc thuộc khu vực thành Hà Nội có may mắn thoát khỏi sự phá hủy do chính quyền đô hộ Pháp tiến hành trong ba năm 1894-1897. Đây là công trình còn nguyên vẹn và hoành tráng nhất trong quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long.

Ngày 10/10/1954, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng – cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh Cột cờ Hà Nội, cả Hà Nội tưng bừng rạo rực chào đón ngày hội chiến thắng, Thủ đô Hà Nội hoàn tòan giải phóng. Cả Hà Nội dồn về “Cột cờ Hà Nội” chờ đón giây phút lịch sử: Lễ thượng cờ Tổ quốc trên đỉnh “Cột cờ Hà Nội”.

Tòa nhà Trụ sở Bộ Ngoại giao Việt Nam còn được gọi là tòa nhà trăm mái, tọa lạc ở số 1 Tôn Thất Đàm, Ba Đình, Hà Nội. Bắt đầu thi công vào năm 1925 và nghiệm thu chính thức vào năm 1928, được đặt tên là Nha Tài chính Đông Dương.

Tòa nhà tuyệt đẹp này được thiết kế bởi kiến trúc sư người Pháp Ernest Hébard với phong cách kiến trúc gần với văn hóa Á Đông, phù hợp với đặc điểm khí hậu Việt Nam. Hãng Verneuil & Gravereaud đã trúng thầu và thi công công trình. Đây là một trong những công trình đầu tiên thể nghiệm phong cách kiến trúc Đông Dương. Ernest Hébard cũng là kiến trúc sư tiên phong mở đầu trào lưu kiến trúc kết hợp Đông Tây với hàng loạt các công trình xây dựng tại Hà Nội giai đoạn 1923 – 1936.

Là một trong số những công trình tiêu biểu do người Pháp xây dựng ở Hà Nội, vẫn đang được sử dụng và là những điểm nhấn kiến trúc tiêu biểu của Thủ đô. Đây được coi là những di sản kiến trúc, không chỉ có giá trị trong sử dụng mà còn có giá trị về lưu trữ với tính lịch sử và thẩm mỹ cao, tạo nên một diện mạo đô thị vừa cổ kính vừa hiện đại.

Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội. Cầu do Pháp xây dựng (1898-1902), ban đầu đặt tên là cầu Doumer, theo tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Hiện trên đầu cầu vẫn còn tấm biển kim loại có khắc chữ ghi thời gian thi công và nhà thầu xây dựng: 1899 -1902 - Daydé & Pillé - Paris.

Vào thời điểm xuất hiện, cầu là niềm tự hào của cả xứ Đông Dương thuộc địa. Người Pháp ca ngợi đó là “chiếc cầu nối liền hai thế kỷ”. Hình dáng nhấp nhô của cây cầu phản ánh sơ đồ chịu lực của một dầm liên tục đặt trên nhiều gối tựa trung gian.

Đến nay cầu Long Biên đã tồn tại được 117 năm và xuyên qua 3 thế kỷ. Khi đi vào hoạt động, cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên của Việt Nam bắc qua sông Hồng. Cầu dài 2290 m qua sông và 896 m cầu dẫn, gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40 m (kể cả móng) và đường dẫn xây bằng đá. Cầu dành cho đường sắt đơn chạy ở giữa. Hai bên là đường dành cho xe cơ giới và đường đi bộ. Đường cho các loại xe là 2,6m và luồng đi bộ là 0,4m. Luồng giao thông của cầu theo hướng đi xuôi ở phía trái cầu chứ không phải ở bên phải như các cầu thông thường khác.

Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của Mỹ (1965 - 1972), cầu Long Biên bị ném bom 14 lần, bị hư hỏng và phải sửa chữa nhiều lần. Dù mang trên mình không ít ký ức đau thương nhưng suốt những năm tháng khốc liệt ấy, cây cầu đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh phi thường của những người ngày đêm bảo vệ Hà Nội.

Tòa nhà Đại học Đông Dương (nay là Đại học Dược Hà Nội) số 13 - 15 Lê Thánh Tông (Hoàn Kiếm) mang phong cách kiến trúc Đông Dương kết hợp giữa kiến trúc kinh viện Châu Âu với các thành phần và giải pháp kiến trúc bản địa được xây dựng ở Hà Nội do kiến trúc sư E.Hesbrard thiết kế năm 1924.

Mặt bằng các tòa nhà được tổ chức rất khúc triết và đơn giản. Tòa nhà chính ba tầng quay ra đường Lê Thánh Tông với những chức năng quan trọng chung của toàn trường sử dụng những cú pháp niêm luật chặt chẽ của kiến trúc Trường Đại học đầu thế kỷ 20 theo trường phái Tân Cổ Điển.

Các không gian mở sảnh thông tầng, cầu thang rộng, 1 vế hướng tới các không gian chức năng đặc thù như giảng đường lớn 200 chỗ, thư viện, bảo tàng tự nhiên… hai tòa nhà chữ T ở hai bên.

Những cầu thang gỗ được chế tác đẹp và cầu kỳ, đặc biệt cầu thang dẫn lên phòng bào chế là một tổng hòa kiến trúc gỗ cực đẹp và tinh xảo, có nhiều nét tương đồng với Nhà hát Lớn Hà Nội.

Nhà hát lớn Hà Nội được xây cất phỏng theo mẫu của nhà hát Opera Paris, nhưng tầm vóc nhỏ hơn, các vật liệu sử dụng được thay đổi theo những điều kiện kinh tế và khí hậu địa phương, đồng thời mang nhiều màu sắc , đường nét kiến trúc của các nhà hát ở miền Nam nước Pháp. Nhà hát tọa lạc trên quảng trường Cách mạng tháng Tám, vị trí đầu phố Tràng Tiền, không xa hồ Hoàn Kiếm và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Công trình được người Pháp khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911.

Mặt bằng Nhà hát Lớn Hà Nội được chia thành ba phần tương đối rõ rệt. Cách tổ chức mặt bằng, loại hình móng ngựa cho phòng lớn, lối vào sảnh, cầu thang chính và việc tổ chức các không gian phục vụ sân khấu của Nhà hát lớn Hà Nội đều giống như các nhà hát ở châu Âu đầu thế kỷ XX.

Có thể tìm thấy ở bề ngoài của công trình nhiều phong cách kiến trúc khác nhau. Mặt chính nhà hát nổi bật nhờ hàng cột theo thức Ionic La Mã, phía trên nhấn bởi các mái chóp cong lợp ngói đá. Dường như những nguyên tắc kiến trúc Phục Hưng được nhấn mạnh phía mặt ngoài này. Ở phía trên nhà hát, hệ mái lợp ngói đá đen được tổ chức rất kỳ công với sự kết hợp của nhiều hình thức, đem lại cảm giác về tinh thần Tân cổ điển Pháp. Tất cả những hòa trộn này đưa đến ấn tượng về một công trình kiến trúc Tân cổ điển kiểu chiết trung với những giá trị không chỉ về mặt kiến trúc mà còn về nghệ thuật trang trí.

Sau một thời gian dài bị xuống cấp, công trình lấy lại được vẻ đẹp xưa cũ sau đợt trùng tu từ năm 1995 đến năm 1997, chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh của Cộng đồng Pháp ngữ. Ngày nay, Nhà hát Lớn là một trong những địa điểm biểu diễn quan trọng bậc nhất ở Hà Nội, được những người làm nghệ thuật coi như một "ngôi đền" dành cho nghệ thuật cổ điển.

Theo Hữu Nghị/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
  • Di tích lịch sử Cầu Gãy

    (Xây dựng) - Cầu Gãy là minh chứng lịch sử hào hùng, cho sức mạnh và tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam. Cầu Gãy đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, nối liền Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên trong nhiều năm sau giải phóng miền Nam. Năm 2012, Cầu Gãy được công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.

  • Lễ hội sen Đồng Tháp sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 5

    (Xây dựng) – Sáng 25/4, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Thông cáo báo chí Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024. Theo Thông cáo, Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 với chủ đề “Rạng ngời sắc Sen” sẽ diễn ra tại Công viên Văn Miếu (đường Lý Thường Kiệt, phường 1, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), từ ngày 16-19/5/2024.

  • Hội thảo “Di sản Kiến trúc trong dòng chảy phát triển”: Điểm nhấn trọng tâm về học thuật

    (Xây dựng) - Ngày 23/4, Hội thảo khoa học “Di sản Kiến trúc trong dòng chảy phát triển” đã diễn ra tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, trở thành điểm nhấn trọng tâm về học thuật trong khuôn khổ Festival Sinh viên kiến trúc toàn quốc lần thứ XIV tại Huế.

  • Quảng Ninh: Kỷ niệm 513 năm ngày cụ Vũ Phi Hổ đỗ tiến sỹ

    (Xây dựng) - Ngày 23/4, xã Lê Lợi, thành phố Hạ Long nòng cốt là Hội đồng dòng họ Vũ Võ tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 513 năm ngày cụ Vũ Phi Hổ, người dân của địa phương đỗ tiến sĩ.

  • Hoàn thành giai đoạn 1 tu bổ nơi Tổng Bí thư Trần Phú bị giam giữ và hy sinh

    Bệnh viện Chợ Quán xây dựng xong vào năm 1864, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận là "Bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam."

  • Khai hội đền Đô: Tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc

    (Xây dựng) - Sáng 23/4, tại thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã long trọng diễn ra Lễ khai hội đền Đô 2024 và hướng tới kỷ niệm 1014 năm Vua Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load