Thứ bảy 27/04/2024 04:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nhà vệ sinh công cộng ở TP HCM: Kế hoạch xây dựng 1.000 cái chưa thành

16:35 | 23/06/2019

UBND TPHCM có chủ trương xây 1.000 nhà vệ sinh công cộng để phục vụ thành phố hơn 10 triệu dân và hàng triệu du khách đến thành phố mỗi năm. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, dự án nhà vệ sinh công cộng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.


Kế hoạch xây hàng nghìn nhà vệ sinh công cộng ở TP HCM đến thời điểm này chưa thành. Ảnh Huân Cao

Kế hoạch xây 1.000 nhà vệ sinh nhưng bất thành

Cuối năm 2016, UBND TPHCM triển khai đề án xây dựn 1.000 nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) trên địa bàn thành phố. Mục đích của việc xây NVSCC này là để phục vụ cư dân thành phố và du khách khi "lỡ đường", đồng thời xây dựng một thành phố văn minh, không có phóng uế bừa bãi.

Từ đó cho đến này, đã có một số đơn vị như Công ty CP Thương mại và Truyền thông Vinasing, Công ty Mister Loo, Công ty cổ phần Công nghệ Môi trường Tiên Phong... từng xung phong trong việc thực hiện đề án xây dựng NVSCC.

Kinh phí để xây dựng NVSCC được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, các doanh nghiệp thực hiện tự huy động tiền để xây dựng. Đổi lại UBND TP HCM cho phép các nhà đầu tư khai thác quảng cáo, dịch vụ như đặt máy rút tiền và bán hàng hóa để thu hồi vốn.

Công ty Vinasing từng dự kiến đầu tư khoảng 110 tỉ đồng, để xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng 10 xe bồn tiếp nước, 500 thùng rác công cộng, thời gian thực hiện khoảng 12 tháng. Công ty cổ phần Công nghệ Môi trường Tiên Phong cũng dự kiến đầu tư gần 500 NVSCC hiện đại, tự động theo tiêu chuẩn quốc tế với kinh phí gần 300 tỉ đồng.

Tuy nhiên, sau hơn ba năm phát động, với sự tham gia của nhiều đơn vị như Công ty CP Thương mại và Truyền thông Vinasing, Công ty Mister Loo,  Công ty cổ phần công nghệ môi trường Tiên Phong, Lực lượng Thanh Niên Xung Phong TPHCM, Sacombank,... nhưng đa phần các dự án mới dừng lại ở mức thí điểm.

 
Từ khi triển khai đề án đến nay, chỉ có gần 20 nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn thế này. Ảnh: Huân Cao

Nhiều nhà vệ sinh đã xuống cấp và phải tháo bỏ

Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, từ trước khi triển khai đề án đến nay, toàn thành phố chỉ xây được hơn 200 NVSCC, chủ yếu tập trung nhiều ở các quận nội thành. Tuy nhiên, nhiều cái đã xuống cấp trầm trọng, gây mất vệ sinh và mỹ quan đô thị buộc phải tháo bỏ.

Trong số 200 NVSCC đã xây, có hơn 80 cái đã tháo bỏ do xuống cấp trầm trọng, số còn lại đang sử dụng nhưng cũ, lạc hậu và bắt đầu xuống cấp.

Chỉ có 11 NVSCC do Sở GTVT phối hợp với Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Thương Tín và 4 cái của Công ty cổ phần công nghệ môi trường Tiên Phong xây dựng mới ở khu vực trung tâm, được xem là hiện đại và đạt chuẩn quốc tế.

Trao đổi với PV báo Lao Động, ông Nguyễn Xuân Sáng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công nghệ Môi trường Tiên Phong xác nhận, dự án xây NVSCC của công ty vẫn đang... nằm trên giấy.

Theo ông Sáng, sau khi các đơn vị khác chỉ dừng ở mức thí điểm hoặc rút lui,  UBND TP HCM giao Công ty cổ phần công nghệ Môi trường Tiên Phong phối hợp cùng các Sở ngành liên quan thực hiện đề án xây NVSCC và kiosk thông minh bằng phương thức xã hội hóa.

"Tuy nhiên, sau ba năm triển khai, Công ty cổ phần công nghệ môi trường Tiên Phong chỉ lắp đặt thí điểm 4 cabin NVSCC, theo công nghệ hiện đại trên tuyến đường Hàm Nghi, quận 1. Hiện tại dự án vẫn còn nằm trên giấy, mãi chưa triển khai đại trà được, do vướng mắc từ vấn đề giao đất, trong khi kinh phí thì đã có đủ" - ông Sáng nói.

Theo ông Sáng, nhìn chung hệ thống NVSCC trên địa bàn TPHCM có hệ thống trang thiết bị không đồng bộ và hiện đại, dẫn đến việc thất thoát nước và mất vệ sinh công cộng. Bên cạnh đó, đội ngũ quản lý và nhân viên thực hiện vệ sinh chưa chuyên nghiệp, ý thức người sử dụng còn hạn chế nên ảnh hưởng đến chất lượng nhà vệ sinh. Vì vậy, cần phải cải tạo, nâng cấp, xây mới và thay đổi cách thức quản lý điều hành.

Theo Huân Cao/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load