Thứ bảy 27/04/2024 04:57 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đổi mới phương pháp luận quy hoạch và quản lý phát triển đô thị: Từ thực tiễn đến yêu cầu đổi mới

Kỳ 4: Quy hoạch và quản lý phát triển đô thị tại khu vực ven đô

11:56 | 20/08/2019

(Xây dựng) - Vùng ven đô thị là không gian giao diện nằm giữa đô thị và nông thôn, nên vừa mang tính chất đô thị vừa mang tính chất nông thôn. Các vùng ven đô thị lớn đều có ba đặc tính đó là tính biến động, tính đa dạng, tính lan tỏa. Các đặc tính này đã tạo cho vùng ven đô thị là vùng đô thị - vùng nông thôn đặc thù. Bởi vậy cần xem xét các đặc tính của các vùng ven đô thị để tránh nảy sinh các vấn đề bất cập trong quá trình quy hoạch và quản lý phát triển đô thị tại khu vực ven đô.


Ảnh minh họa (Nguồn: Tapchikientruc.com.vn).

Xung đột quản lý tại khu vực ven đô

Vùng ven đô là không gian giao diện nằm giữa đô thị và nông thôn, nên vừa mang  tính chất đô thị vừa mang tính chất nông thôn. Vùng ven đô theo quan niệm truyền thống là khu vực hẹp nằm xung quanh đô thị lõi trung tâm, nhưng theo quan niệm mới là vùng rộng lớn bao trùm nhiều địa bàn nằm xung quanh đô thị lõi trung tâm đô thị lớn. Đô thị hóa vùng ven đô là quá trình tất yếu mở rộng đô thị lõi trung tâm đến khu vực nông thôn.

Đặc tính: Vùng ven các TP lớn có ba đặc tính lớn là tính biến động, tính đa dạng, tính lan toả. Vùng ven đô luôn biến động, do (1) có nhiều ranh giới quản lý chồng lấn như: ranh giới nội thành - ngoại thành, ranh giới tăng trưởng đô thị, ranh giới phát triển dự án; (2) không ngừng phát triển và thay đổi cùng với sự tăng trưởng của TP, nên biến động về đất đai, nhân khẩu, cơ cấu kinh tế ngành, hạ tầng và cảnh quan; (3) thu hút mạnh mẽ làn sóng đầu tư về vốn, tri thức, thông tin và lao động dịch cư nên có mối quan hệ phức tạp về chủ thể lợi ích và bị chi phối bởi toàn cầu hóa. Tính đa dạng của vùng ven đô biểu hiện, bởi chức năng sử dụng đất đai và mô hình hoạt động kinh tế đa dạng phục vụ cả đô thị và nông thôn, bao gồm nhiều chức năng của đô thị, khu đô thị mới, khu làng xã đô thị hóa, khu vực xây dựng tự phát của dân nhập cư. Vùng ven đô TP lớn có tính lan tỏa mạnh mẽ do vai trò và vị thế của các trung tâm động lực mới và hệ thống hạ tầng quy mô lớn luôn được lựa chọn xây dựng ở vùng ven nơi không bị ách tắc giao thông và quỹ đất rộng lớn.

Ba đặc tính này đã tạo cho vùng ven đô là vùng đô thị - nông thôn đặc thù. Tất cả các đô thị lớn trên thế giới trong thời kỳ tăng trưởng đô thị hóa, quy hoạch vùng ven đô nhiều trường hợp bị lỗi thời từ ý tưởng đến thực tế triển khai. Công tác quản lý vùng ven đô thực hiện theo quy hoạch luôn nảy sinh vấn đề bất cập không thể giải quyết ở cấp địa phương, buộc phải giải quyết ở cấp quốc gia.

Nhận dạng khu vực ven đô: Vùng ven đô không phụ thuộc vào ranh giới nội ngoại thành. Mật độ dân số đô thị là tiêu chí quan trọng nhận dạng vùng ven đô. Đối với khu vực có mật độ dưới 10 nghìn người/km2 và trên 1 nghìn người/km2 được coi là vùng ven đô. Vùng ven TP lớn Việt Nam có hình thái khác nhau: Khu vực nội thành là quận và phường mới thành lập, nơi còn nhiều làng xã và không gian nông nghiệp xen kẹp. Khu vực ngoại thành là huyện, xã theo quy hoạch sẽ trở thành quận, phường. Hoặc huyện, xã theo QH không trở thành quận, phường nhưng là vùng hậu phương cung cấp những dịch vụ hậu cần nhất định cho cuộc sống đô thị.

Vấn đề quản lý ở khu vực ven đô: Hiện không có công cụ quản lý riêng cho vùng ven đô. Công tác QH hiện nay theo không gian hành chính. Quận/phường theo QHĐT và huyện/xã theo QH nông thôn. Nên vùng ven đô nhiều trường hợp bị xung đột bởi 2 công cụ quản lý này.

Đối với các huyện dự kiến lên quận nhưng được quản lý kiểu nông thôn. Vấn đề của khu vực này là: hạ tầng kỹ thuật chính không đấu nối; thiếu những tiện ích đô thị mang tính liên vùng; quỹ đất sản xuất bị xé nhỏ; không xác định quỹ đất dự trữ cho phát triển; phát triển ngành nghề, nhân lực không có chiến lược, khiến cho dẫn tới tình trạng di dân, đặc biệt là giới trẻ; những vấn đề môi trường thiếu kiểm soát; không gian xây dựng đô thị thiếu sự chuẩn bị; không có khả năng kêu gọi đầu tư vào cả lĩnh vực phát triển đô thị và sản xuất; công trình xây dựng thiếu kiểm soát; những tài sản như thiên nhiên, sinh thái, văn hóa xã hội có quy mô lớn hơn quy mô nông thôn cục bộ, nhưng không được phát huy đúng mức.

Đối với các quận mới nơi còn nhiều làng xã nông thôn được quản lý kiểu đô thị. Vấn đề của khu vực này là: Xu hướng đẩy giá đất lên cao và mở rộng xây dựng đô thị, mặc dù nhu cầu chưa chắc có, dẫn tới các QH treo, đầu tư hạ tầng lãng phí; Những dự án phát triển làm phá vỡ cấu trúc hạ tầng nông nghiệp, đặc biệt là hệ thống tưới tiêu, trong khi việc phát triển đô thị lại không như dự kiến; Vấn đề san lấp, nâng nền gây ảnh hưởng rộng trong vùng và liên vùng; Chuyển đổi sinh kế không bền vững; Phá hủy cảnh quan, sinh thái; Phá hủy bản sắc không gian nông thôn.

Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

Quá trình thực hiện Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) cho đồ án QHĐT còn nhiều tồn tại: Chất lượng, hiệu quả của công cụ đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) trong QHĐT còn hạn chế. Thiếu khả năng thực hiện theo yêu cầu của Hướng dẫn ĐMC. Hướng dẫn về ĐMC chưa bao quát hết các vấn đề môi trường đô thị hiện nay, đặc biệt là vấn đề ứng phó với BĐKH, phòng chống thiên tai. Nguyên nhân do: Nguồn nhân lực cho thực hiện ĐMC còn hạn chế về năng lực; Chủ đầu tư chưa nhận thức đúng vai trò ĐMC đối với mục tiêu phát triển đô thị bền vững; Nguồn lực (cả thời gian và tài chính) dành cho thực hiện ĐMC còn hạn chế; Năng lực đánh giá thẩm định ĐMC còn hạn chế; Thiếu năng lực áp dụng các công cụ, phương pháp ĐMC như sử dụng các công cụ định lượng, GIS, mô hình hóa...

Nội dung quy hoạch đô thị hiện nay chưa xem xét thấu đáo và lồng ghép ứng phó BĐKH trong quy hoạch và quản lý đô thị. Nguyên nhân do: Ứng phó BĐKH là vấn đề mới, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, lý luận chưa được kiểm chứng đầy đủ; Thiếu quy định pháp lý yêu cầu lồng ghép ứng phó với BĐKH trong QHĐT; Phương pháp lồng ghép ứng phó với BĐKH cũng như rủi ro thiên tai trong quy hoạch và quản lý đô thị thiếu hợp lý và chưa đầy đủ.

Huy động nguồn lực tài chính cho phát triển đô thị

Thực tế ở Việt Nam hiện nay cho thấy quá trình phát triển đô thị đang chưa đáp ứng được các nhu cầu để đảm bảo chất lượng cuộc sống của dân cư đô thị. Một mặt, quá trình đô thị hóa diễn ra rất nhanh chóng ở Việt Nam đã đặt ra nhu cầu về nguồn lực nhằm phát triển các hạ tầng cơ sở “khung”. Mặt khác, phát triển đô thị lại bị hạn chế bởi khuôn khổ pháp lý liên quan tới công cụ và cách thức thu hút nguồn lực, thẩm quyền và khả năng vay để tài trợ phát triển đô thị cũng như cơ chế, chế tài để đảm bảo việc vay nợ để tài trợ này vừa hiệu quả vừa nằm trong giới hạn an toàn. Kết quả là, việc phát triển đô thị hiện nay mang tính chất manh mún, “mạnh ai nấy làm”, chưa có tính hệ thống và liên kết vùng cao, nguồn lực tài trợ cho phát triển đô thị còn chưa đáp ứng được nhu cầu và tính hiệu quả của việc sử dụng các nguồn tài trợ này còn thấp.

Công tác đào tạo ngành QHĐT

Trong các nguyên nhân hạn chế chất lượng công tác QHĐT nước ta, thì yếu tố con người, trong đó có công tác đào tạo nhân lực phải kể đến đầu tiên. Nội dung và phương pháp đào tạo truyền thống đã không cung cấp đủ và kịp thời các kỹ năng và kiến thức cần thiết cho các KTS, KTS QH để bắt kịp với tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng và các thay đổi căn bản của công tác QH trong bối cảnh kinh tế thị trường, trong đó vai trò của đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài ngày càng trở nên quan trọng trong phát triển đô thị và là những nhà tuyển dụng nhân sự chính thay thế khối các cơ quan nhà nước như trước đây.

Trong bối cảnh công tác QHĐT tại nước ta đã có nhiều chuyển biến theo hướng tăng cường hội nhập, công tác đào tạo KTS, KTS QH tại các trường đại học dường như vẫn được tiến hành theo các phương pháp và giáo trình truyển thống chưa tiếp cận với nhu cầu của thị trưởng tuyển dụng nhân sự. Hệ quả của vấn đề này là các KTS, KTS quy hoạch, KS quản lý đô thị sau khi tốt nghiệp đại học chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức thực tiễn, đặc biệt là các kỹ năng làm việc và quy trình, các bước triển khai các đồ án QH trên thực tế. Các đơn vị tuyển dụng phải mất thêm nhiều thời gian để tiến hành đào tạo lại mới có thể sử dụng hiệu quả. Mặt khác, hiện tại, các số liệu thống kê về hiệu quả đào tạo kiến KTS QH cũng không được nghiên cứu bài bản, chủ yếu là do các nhà sử dụng nhân sự việc làm tự đánh giá. Bên cạnh đó cũng không có hướng dẫn nào cho các nhà tuyển dụng về cách xác định các chỉ số phù hợp để sử dụng trong yêu cầu công việc.

Những thách thức cơ bản được nêu trên chính là những vấn đề cần phải có các giải pháp khắc phục, nhằm đáp ứng quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, đảm bảo phát triển bền vững trong công tác xây dựng đô thị và nông thôn. Việc lồng ghép mang tính thực tiễn trong công tác lập quy hoạch đô thị sẽ mang lại tính hiệu quả của hệ thống từ trường học đến trường nghề, điều chỉnh bổ sung kiến thức cho từng KTS, KS tương lai và tiếp cận đào tạo trên nhiều phương diện.

Kết luận

Quy trình và phương pháp luận QHĐT và quản lý phát triển đô thị ở nước ta hiện nay đã bộc lộ nhiều hạn chế cơ bản và tỏ ra khó thích nghi với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Yêu cầu phải đổi mới ngày càng đặt ra cấp thiết không những nhằm tháo gỡ các cản trở hiện tại của công tác QH và quản lý phát triển mà còn để tạo dựng một cấu trúc QH và quản lý phát triển đô thị mới phù hợp với cấu trúc nền kinh tế - xã hội của toàn đất nước với các yếu tố linh hoạt và thích ứng phải được đặt ra hàng đầu nhằm tiếp cận nhanh nhạy nhất với thị trường, thu hút tối đa các nguồn lực đầu tư cho đô thị, trong đó các nguồn lực đến từ khối DN và đầu tư nước ngoài đang đóng vai trò động lực mới ngày một quan trọng.

Việc đổi mới cần theo quy trình và các bước tiến hành bài bản từ đổi mới về nội dung, phương pháp cho đến cơ chế chính sách. Tuy nhiên, trong khi chờ tiến hành các bước đi đồng bộ, thì cần ưu tiên giải quyết một số vấn đề bức thiết, thực tế nhất hiện nay của công tác QH và quản lý phát triển đô thị như đã nêu trên là việc làm cần thiết nhằm tạo ra các chuyển biến tích cực.

PGS.TS.KTS Lưu Đức Cường
Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load