Thứ bảy 27/04/2024 04:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Kinh Môn (Hải Dương): Đạt tiêu chí đô thị loại IV

09:38 | 15/03/2019

(Xây dựng) – Ngày 14/3 tại Bộ Xây dựng, Cục trưởng Cục phát triển đô thị Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị thẩm định Đề án công nhận đô thị Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đạt tiêu chí đô thị loại IV. Kết thúc Hội nghị, Hội đồng thẩm định nhất trí công nhận Kinh Môn đạt tiêu chí đô thị loại IV với điểm số 85,38.


Toàn cảnh Hội nghị thẩm định Đề án công nhận đô thị Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đạt đô thị loại IV.

Đô thị Kinh Môn – Động lực phát triển cho tỉnh Hải Dương

Đô thị Kinh Môn có diện tích 16.533,5ha; bao gồm 22 xã và 3 thị trấn. Dân số thường trú năm 2017 đạt con số 167.006 người.

Là một trong những cửa ngõ quan trọng phía Đông Bắc của tỉnh Hải Dương, đô thị Kinh Môn sở hữu rất nhiều thuận lợi để mở rộng giao lưu kinh tế với các tỉnh trong vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng và nước ngoài, trở thành một trong những cực phát triển của tỉnh Hải Dương.

Kinh Môn nằm ở phía Đông tỉnh Hải Dương, cách Thủ đô Hà Nội 80km, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ninh, phía Đông giáp TP Hải Phòng, phía Tây Nam giáp huyện Kim Thành, phía Tây Bắc giáp huyện Nam Sách và Chí Linh của tỉnh Hải Dương.

Không chỉ nằm kề 2 tuyến đường quan trọng của tỉnh Hải Dương và vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc là QL5 và QL18, đô thị Kinh Môn còn nằm trong vùng tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh nên có điều kiện giao lưu kinh tế với bên ngoài và đón nhận các cơ hội đầu tư.

Đặc biệt, đô thị Kinh Môn nằm trong 3 cụm đô thị giữ vai trò động lực phát triển kinh tế của tỉnh Hải Dương đến năm 2020 theo quy hoạch vùng tỉnh Hải Dương đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết Định số 3155/QĐ-UBND ngày 15/11/2011.

Theo điều chỉnh quy hoạch chung, đô thị Kinh Môn sẽ bao gồm toàn bộ diện tích huyện Kinh Môn, chia ra thành 15 xã nội thị và 10 xã ngoại thị. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trong khu vực nội thị dự kiến sẽ đạt 76,67%.

Trong thời gian qua, đô thị Kinh Môn đã tập trung phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và nhiều dự án, công trình nhằm nâng cao chất lượng sống người dân đô thị, thu hút nhiều dự án đầu tư...

Dù là huyện miền núi, nhưng Kinh Môn vẫn có ngành nông nghiệp phát triển với nhiều loại đặc sản như gạo nếp cái hoa vàng, sắn dây, hành, tỏi... Cả vùng có khoảng 1.500 doanh nghiệp hoạt động, đóng góp rất lớn cho ngân sách Nhà nước. Riêng năm 2018, Kinh Môn nộp ngân sách khoảng 3.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 25% tổng ngân sách của tỉnh Hải Dương (12.000 tỷ đồng).

Theo đánh giá của UBND tỉnh Hải Dương và UBND huyện Kinh Môn, việc công nhận Kinh Môn đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV là một việc làm rất cần thiết để Kinh Môn định hướng phát triển và đầu tư nâng cấp theo các tiêu chí cao hơn; tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò chức năng là trung tâm tổng hợp về hành chính, chính trị, kinh tế... thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Bắc tỉnh Hải Dương và khu vực lân cận.

Căn cứ vào thực trạng phát triển của đô thị Kinh Môn và các hướng dẫn của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, UBND tỉnh Hải Dương đã chấm 86,87 điểm cho Đề án đề nghị công nhận đô thị Kinh Môn đạt đô thị loại IV.

Trong đó, 38 tiêu chí được chấm điểm tối đa, 13 tiêu chí đạt điểm trung bình, 2 tiêu chí được chấm điểm tối thiểu và 6 tiêu chí chưa đạt.

Đô thị Kinh Môn cần cải thiện những điểm gì?

Trong Đề án, UBND tỉnh Hải Dương và UBND huyện Kinh Môn đã vạch ra một lộ trình phát triển rõ ràng cho đô thị Kinh Môn. Sau khi đạt tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2018, thị xã Kinh Môn sẽ được thành lập trong giai đoạn 2019 – 2020.

Trong 10 năm tiếp theo, Kinh Môn sẽ tập trung mọi nguồn lực để hoàn thiện những mục tiêu đầu tư hoàn thiện các tiêu chí còn yếu, chưa đạt và hướng tới tiêu chí đô thị loại III; Nâng cấp 2 - 5 xã trở thành phường; Nâng loại đô thị Kinh Môn lên đô thị loại III và xây dựng kế hoạch phát triển thị xã Kinh Môn trở thành thành phố trực thuộc tỉnh; Rà soát tình hình triển khai thực hiện theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Kinh Môn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hải Dương cũng đã xây dựng các giải pháp khắc phục các chỉ tiêu chưa đạt là công trình công cộng, nhà tang lễ, cây xanh công cộng trong nội thị, mật độ cống thoát nước, giao thông và tuyến phố văn minh.

Sau khi xem xét Đề án, các thành viên trong Hội đồng thẩm định đều đánh giá nội dung Đề án phù hợp với Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Hải Dương, trình bày rõ ràng, số liệu chi tiết và nhất trí công nhận với Kinh Môn đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV.

Tuy nhiên, Hội đồng thẩm định cũng đóng góp một số ý kiến để UBND tỉnh Hải Dương và UBND huyện Kinh Môn xem xét, hoàn thiện những tiêu chí còn chưa đạt và nâng cao những tiêu chí còn yếu.

Cục Hạ tầng kỹ thuật đề nghị nâng cao cả chất lượng và số lượng các tuyến đường ngoại thị, nội thị chưa đạt yêu cầu. Vụ chính quyền địa phương đề xuất phương án đầu tư phát triển đồng bộ cả 2 khu vực nội thị và ngoại thị, kêu gọi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, sắp xếp lại các đơn vị hành chính... Bộ Tài nguyên môi trường nêu ra nhiệm vụ cải thiện hệ thống thoát nước, xử lý nước thải khi địa phương có thế mạnh sản xuất xi măng với các thương hiệu lớn như Hoàng Thạch, Phúc Sơn...

Bộ Công Thương đề nghị UBND huyện Kinh Môn cập nhật số liệu năm 2017 đã cũ. Vụ Kiến trúc quy hoạch mong muốn Kinh Môn sớm cải thiện tiêu chí cây xanh công cộng trong khu vực nội thị. Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng đề xuất địa phương bổ sung các giải pháp cải thiện tiêu chí cảnh quan.

Trong khi đó, Tổng hội Xây dựng Việt Nam lại đề nghị, Kinh Môn quan tâm bảo tồn và phát triển các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc cảnh quan; tăng cường phát triển không gian công cộng và đầu tư mạnh vào hạ tầng kỹ thuật.


Sơ đồ vị trí huyện Kinh Môn trong tỉnh Hải Dương và mối liên hệ giữa tỉnh Hải Dương với các vùng, hành lang kinh tế.

Kết luận Hội nghị, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Nguyễn Tường Văn đã thay mặt Hội đồng thẩm định tổng hợp các ý kiến đóng góp và đề nghị UBND tỉnh Hải Dương, UBND huyện Kinh Môn nghiêm túc tiếp thu để cải thiện những tiêu chí còn yếu và chưa đạt, đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, sắp xếp phù hợp các đơn vị hành chính, tăng cường phát triển kinh tế, nhưng cũng không quên nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Cuối cùng, Hội đồng thẩm định nhất trí công nhận Kinh Môn đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV với điếm số 85,38.

Hữu Mạnh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load