Thứ bảy 27/04/2024 00:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Chính phủ làm việc với TP.HCM: “Đặc thù” để bứt phá!

15:11 | 15/01/2019

(Xây dựng) - TP.HCM đông dân nhất nước qua một năm đầy thách thức vẫn vượt lên. Thu ngân sách ở mức cao, tăng trưởng kinh tế 8,3%, bước đầu thực hiện quyền tự chủ với cơ chế đặc thù được Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội cho phép, và Kết luận 21 của Bộ Chính trị chỉ đạo!

chinh phu lam viec voi tphcm dac thu de but pha

Thường trực Ban Bí thư, Thường trực Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành của Trung ương vừa làm việc với TP.HCM để nhìn lại kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Chỉ đạo của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế - xã hội của TP.

Càng thấy, Nghị quyết 54 của Quốc hội trao quyền đặc thù cho TP.HCM là bắt rất trúng thực tiễn, tạo cho TP những cơ chế mới năng động, phát huy sáng tạo, bứt phá nhanh. Những gì TP.HCM làm được là rất đáng ghi nhận. Nhưng với tư duy nhìn thẳng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ vẫn chỉ rõ nhiều việc TP phải bứt phá nhanh hơn. Chia sẻ về đặc thù về một TP lớn đông dân không ít khó khăn đặt ra để cả nước hiểu hơn về đặc thù của TP. Chỉ rõ những hạn chế yếu kém với nhiều tồn tại từ các nhiệm kỳ trước, giờ đè nặng vai lãnh đạo nhiệm kỳ này phải lo xử lý cũng để nhìn rõ hơn trách nhiệm trên vai những người đương nhiệm. Nhưng cách nghĩ, cách nhìn cho chiến lược xa dài không thể để cho những tồn tại yếu kém níu giằng. Càng không thể vì né nể uy oai của những ai đó quyền uy một thời giờ nghỉ hưu vẫn tìm mọi cách chi phối. Mổ xẻ đến cùng những bất cập để tìm cách tháo gỡ, chứ không để bất cập tiếp tục “đẻ ra” những sợi dây mới trói chặt tay hơn. Lỗ hổng chỗ nào, khập khiễng còn ở khâu nào, bộ phận nào cần chỉ thẳng để có giải pháp bịt lại, chứ không thể lại sinh ra những khe hở mới. Điểm nghẽn đang ở khâu nào, lĩnh vực nào, kiên quyết không che lấp, giấu giếm, mới mong có quyết sách trúng và đúng hơn. Những sai lầm, những sai phạm lớn trong quy hoạch quản lý đô thị để nhiều khu “đất vàng” rơi vào tay tư nhân gây thất thoát lớn, thì bài học rút ra thế nào, trách nhiệm cá nhân ký tá, phê duyệt ra sao? Phải thanh tra, kiểm tra nhà đất công sản ở các quận, đặc biệt là Q.1 và Q.3 dân kêu rất nhiều, liệu đang sử dụng cho thuê sang nhượng ra sao? Các trụ sở văn phòng đại diện các cơ quan Trung ương cần rà soát lại, chỉ nên giữ những trụ sở đại diện then chốt các cơ quan Trung ương, dứt khoát không thể để quá tràn lan các văn phòng đại diện lãng phí như hiện nay. Bộ Tài chính cần cùng với TP có phương án xử lý ngay những bất cập vô lý này để tài sản Nhà nước sử dụng hiệu quả, chứ không thể cho thuê, sang nhượng loạn xạ Nhà nước chả thu được đồng nào. Hãy “soi” cho kỹ 12.819 địa chỉ nhà đất các cơ quan Trung ương đóng trên TP đang quản lý, sử dụng ra sao? Hơn thế, cần mổ xẻ những dự án thoát nước chống ngập 10 nghìn tỷ ì ạch, thì do căn nguyên gì? Xử lý hàng trăm dự án treo chờ đã có kế sách nào sáng chưa? Vụ khu đô thị Thủ Thiêm gây bức xúc và tai tiếng, làm vơi niềm tin của người dân phải thực tâm, thực lòng sửa sai thế nào để cho cô bác “tâm phục khẩu phục”? Rõ ràng thực tế những vấn đề nóng đòi hỏi nhiệm kỳ lãnh đạo của TP hôm nay một tư duy, cách nghĩ, cách nhìn thẳng thắn và sáng tạo. Nhiều dự án chậm lại, dừng lại không thể không suy nghĩ. Không thể vin cớ thanh tra, kiểm tra nhiều nên chùn tay, chùn bước không dám làm vì sợ sai. Nói thực tâm với dân trong giải quyết tồn đọng, nhưng cần hơn thế lại cả sự “thực tài” trong điều hành chỉ đạo!

“Công bộc” của dân phải đặt mình vào những khiếu kiện bức xúc của dân để tự trả lời và tìm ra cách giải cho bài toán khó. Rõ ràng lãnh đạo các nhiệm kỳ trước để lại hệ lụy những tồn tại lớn ở khu đô thị Thủ Thiêm và quá nhiều dự án treo chờ gây ảnh hưởng tác động xấu trong dư luận và làm nặng gánh kinh tế - xã hội là bài học đắt giá. Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ những địa chỉ của các dự án treo chờ gây tai tiếng không chỉ có khu đô thị Thủ Thiêm mà còn là Bình Quới - Thanh Đa hơn 20 năm, khu tái định cư P.Tân Thới Nhất, Q.12 hơn 16 năm, cho đến cả dự án khu đô thị đại học quốc tế cũng treo chờ hơn chục năm rồi…

Chính quyền nói của dân vì dân, sao có thể biến báo dùng quyền uy đi ngược lòng dân, không chịu lắng nghe dân như các nhiệm kỳ trước? Bài học phê duyệt, ký tá ban hành những quyết định xa dân bằng uy quyền cần mổ xẻ quy rõ trách nhiệm cá nhân, cho dù là ai đương chức, hay đã nghỉ hưu? Người dân TP.HCM nói riêng, người dân Việt nói chung đều son sắt thủy chung trong niềm tin với Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Nhưng trước những việc làm sai, làm không đúng pháp luật kỷ cương, đi ngược lòng dân, nhờn luật, coi thường luật, dứt khoát không tha thứ.

Để người dân khiếu kiện kéo dài hàng chục năm mà nhiệm kỳ này cứ để kéo dài lê thê sang nhiệm kỳ kia không chịu lăn xả vào xem thực chất khiếu kiện của cô bác đúng sai thế nào, sao gọi là chính quyền vì dân, sống trong lòng dân? Cần chỉ thẳng tình trạng hờ hững ngó lơ đi tiếng kêu cứu của dân, đặc biệt của những người dân nghèo, phải coi đó như tội ác! Nước mắt sự chịu đựng quá dài của những gia cảnh bị cưỡng chế nhà đất không nằm trong ranh giờ chính quyền TP mới lăn vào xử lý là quá chậm chạp.

TP xin Trung ương cơ chế đặc thù, nhưng dứt khoát không thể có “đặc thù” tự thanh tra, tự xử lý, rồi xóa nhòa trách nhiệm khi sai phạm. Đặc thù để tạo động lực thu ngân sách nhiều hơn, dành để lại cho TP nhiều hơn để xây dựng hạ tầng. Đặc thù để TP tăng thu nhập cho công chức, khuyến khích làm việc sáng tạo và hiệu quả, nhưng dứt khoát không có chuyện đặc thù để rồi lại lạm quyền, vượt quyền, lộng quyền như đã từng diễn ra. Không có chuyện “tiền trảm hậu tấu”, cứ “xé rào” rồi trình sau. Càng không thể có đặc thù riêng để tự thanh tra, tự “xử lý nội bộ” như một “vương quốc” riêng. Dứt khoát không thể diễn lại việc xử lý cán bộ sai phạm mà vừa ký quyết định khiển trách, dư luận kêu trời lại vội vàng ban ra hình thức cảnh cáo như với Tổng giám đốc TCty Nông nghiệp Sài Gòn mà dư luận đang bàn luận kia(!).

Mới hay, TP.HCM đi vào hội nhập còn nhiều thách thức phía trước. Quy hoạch quản lý đô thị còn ngổn ngang. Tình trạng triều ngập, tắc nghẽn giao thông đầu tư không ít bạc tiền vẫn chưa thấy sáng ra. Việc quản lý môi trường xử lý rác thải, nước thải, lo nước sạch cho hơn chục triệu dân cần phải có cách đầu tư hiện đại, bài bản căn cơ. Nhiều dự án mở ra còn ngổn ngang đội vốn quá lớn, không ít dự án kém hiệu quả, nên cần đột phá thẳng vào tư duy từ xây dựng quy hoạch đến phê duyệt mở các dự án đã sáng tạo thông minh chưa, đã chọn đúng cán bộ các sở ngành chưa?

Vẫn là vai trò người đứng đầu chính quyền TP cho đến các sở ngành các quận, huyện, phường, xã phải thoát nhanh ra khỏi “lối cũ đường mòn” trong chỉ đạo. Rất mừng các kiến nghị chính đáng của TP.HCM đều được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và giao cho các bộ ngành cùng với lãnh đạo TP tổ chức thực hiện với tinh thần để cho TP bứt phá nhanh hơn!

TP lớn đặc thù tự chủ càng phải có chiến lược thu hút người tài cả trong nước và nước ngoài. Phải có sức hút các DN lớn những chim Sếu, những Đại bàng về, chứ không chỉ là những chim “chào mào, chèo bẻo, chích chòe” hót hay được nắm giữ nhiều khu đất đắc địa, nhưng hiệu quả chả là bao…

Muốn tạo ra động lực, muốn bứt phá vượt lên, chính lãnh đạo TP, các sở ban ngành phải tự soi, tự nhìn lại chính mình. “Gần dân, lắng nghe dân, trọng dân” là cánh cửa để chính quyền đến với dân để hiểu người dân. Chỉ có hiểu người dân và DN, chỉ có biết DN và người dân mong gì, cần gì, thì người lãnh đạo nơi TP lớn này mới biết phải làm gì. Cần hiểu TP.HCM được Đảng, Quốc hội, Chính phủ trao cho cơ chế chính sách đặc thù, nhưng đó không phải là “chiếc gậy thần”, nếu chính tư duy chiến lược của lãnh đạo các cấp của TP không đồng lòng, chung sức, không sáng tạo để khơi dậy động lực bứt phá!

Sức mạnh TP.HCM có vượt lên mạnh mẽ hay không, vẫn phải nhìn từ người dân và DN. Cơ chế chính sách đặc thù gì, đều phải biết hướng về DN và người dân! Phải coi bài học đắt giá khu đô thị Thủ Thiêm là bài học làm gì cũng phải sống trong lòng dân!

TP.HCM là của cả nước, vì cả nước luôn đi đầu với nhiều sáng tạo bứt phá! Thành công, dấu ấn, và cả khuyết điểm tồn tại cần nhìn nhận với con mắt không định kiến, thành kiến. Trong xử lý sai phạm kiên quyết không né nể, không có “vùng cấm”, không có “bầu trời riêng”!

Chỉ có xử nghiêm những cá nhân sai phạm, chỉ có lăn xả vào tháo gỡ từng “nút thắt” với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, và sự chung tay của các bộ ngành, hơn thế phải tự thân sự vận động bứt phá từ cơ chế đặc thù được trao! Chính phủ xắn tay cùng các bộ ngành nâng bước, tháo gỡ mọi khó khăn, bất cập là điểm tựa cho TP thêm vững niềm tin. Việc cần làm ngay là xử lý giải quyết thấu tình đạt lý những kiến nghị của cô bác Thủ Thiêm để lấy lại lòng tin.

Cả nước kỳ vọng: TP.HCM dứt khoát sẽ vượt lên, xứng đáng là TP luôn đi đầu cả nước trong tư thế, tâm thế tiên phong, sáng tạo, năng động, bứt phá để vượt nhanh trong thời kỳ hội nhập!

Đỗ Quang Đán

Theo

Cùng chuyên mục
  • Để cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát

    Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát khi thực hiện thành công trong năm 2025 sẽ là một dấu mốc đáng nhớ, khi lần đầu tiên trong lịch sử, trên cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát và có lẽ không nhiều nước đang phát triển trên thế giới làm được điều này.

  • Tăng quyền, trao quyền khi 'chiếc áo thể chế' đã chật

    “TP.HCM đang như lò xo bị bó. Làm sao chúng ta tháo được ra để lò xo hoạt động, trỗi dậy, bứt phá được, đó là nhiệm vụ của quy hoạch. Nếu bật lên được, TP.HCM có thể sẽ phát triển nhanh như vũ bão”.

  • TP.HCM và ‘lỗ hổng’ làm điện rác

    Tiếp theo bài viết “Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch điện 8” đăng trên Tuần Việt Nam/VietNamNet, trong phạm vi bài viết này sẽ tập trung phân tích các vấn đề về điện rác ở Thành phố Hồ Chí Minh trong Quy hoạch điện 8.

  • Hiểu thế nào về “Tập thể lãnh đạo”, “Lãnh đạo tập thể”, “Lãnh tụ tập thể”?

    Tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự chuẩn bị Đại hội XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ba đặc điểm có tính nguyên tắc của mô hình lãnh đạo chính trị nước ta hiện nay: "tập thể lãnh đạo", "lãnh đạo tập thể", "lãnh tụ tập thể".

  • Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch Điện 8

    Sau khi ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng về phê duyệt Quy hoạch điện VIII, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư mong chờ có bản kế hoạch mang tính tổng thể, công khai và minh bạch hướng dẫn thực hiện dự án Quy hoạch điện 8.

  • Sau TP.HCM, Hà Nội lại làm dự án BT

    Xin khôi phục lại các dự án theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT), Hà Nội muốn có thêm cơ chế để huy động nguồn lực cho phát triển.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load