(Xây dựng) - Nhà thầu xây dựng Ricons gây chú ý khi yêu cầu tổng thầu Coteccons phá sản vì Coteccons không thanh toán công nợ hơn 300 tỷ đồng. Thế nhưng, tại thời điểm cuối năm 2022, Ricons có gần 3.000 tỷ đồng Nợ phải trả người bán ngắn hạn.
3.000 tỷ đồng Nợ phải trả người bán ngắn hạn |
Gói thầu 35.000 tỷ đồng ở sân bay Long Thành là “chiếc bánh” lớn. Mỗi đơn vị tham gia có thể thu về khoản lãi 525 tỷ đồng. Chính vì vậy, trước “giờ G”, “cuộc chiến” diễn ra theo nhiều cách khác nhau. Một trong những điểm nhấn là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Ricons yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons vì Coteccons chưa quyết toán công nợ hơn 300 tỷ đồng. Nguyên nhân công nợ phát sinh bắt đầu từ giai đoạn trước năm 2019, thời Coteccons và Ricons còn chung “chủ” là ông Nguyễn Bá Dương.
Khi Ricons và Coteccons vẫn còn “chung một nhà”, một số dự án Ricons làm tổng thầu xây dựng phát sinh những giao dịch bên liên quan đến Coteccons với vai trò là nhà thầu phụ tại dự án như: dự án Regina Hưng Yên, Thiết kế dự án Đông Á, Dự án Golden Palace và một số giao dịch cho thuê thiết bị giữa hai đơn vị.
Tuy nhiên, những công nợ phát sinh hiện nay vẫn chưa được quyết toán xong do vướng mắc về vấn đề xác định giá trị công nợ kèm theo những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 của Ricons, tại ngày 30/6/2023, Ricons có 3.561 tỷ đồng Nợ phải thu ngắn hạn của khách hàng. Trong đó, với khoản nợ gần 323 tỷ đồng, Coteccons không phải “con nợ” lớn nhất của Ricons. Vị trí này thuộc về Công ty Cổ phần Gamuda Land với 647 tỷ đồng. Coteccons nợ Ricons ít hơn Gamuda Land nhưng Coteccons chính là đơn vị bị Ricons yêu cầu phá sản.
Thế nhưng, đáng lưu ý ở chỗ, hồi cuối quý II/2023, Ricons cũng có công nợ phải trả gần 3.000 tỷ đồng, cao hơn vốn chủ sở hữu. Cụ thể, tại ngày 30/6/2023, dù đã được điều chỉnh giảm đáng kể nhưng chỉ tiêu Nợ phải trả người bán ngắn hạn tại Ricons vẫn lên đến 2.966 tỷ đồng, cao hơn Vốn chủ sở hữu (2.452 tỷ đồng) và chiếm 40,8 Tổng nguồn vốn công ty. Ricons không thống kê danh sách các nhà cung cấp mà công ty vẫn chưa thanh toán hết công nợ.
Cắt giảm 168 việc làm
Dù là một trong những cái tên nổi bật của làng xây dựng nhưng thời gian qua, Ricons không vẫn giảm quy mô nhân sự. Hồi cuối quý II/2023, Ricons chỉ còn 867 người, giảm 168 người so với cuối năm 2022. Ricons không công bố tình hình thu nhập của người lao động nhưng tại một số bộ phận, quỹ lương dành cho nhân viên giảm sâu.
Ví dụ, trong bộ phận Quản lý doanh nghiệp, Chi phí nhân viên trong quý II/2023 chỉ còn 16,4 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 23,8 tỷ đồng của quý II/2022; lũy kế 6 tháng đầu năm giảm 11,8 tỷ đồng, tương đương 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Ricons cắt giảm nhân sự trong bối cảnh doanh thu công ty sụt giảm.
Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý II/2023 của Ricons chỉ còn 2.102 tỷ đồng, giảm so với 2.749 tỷ đồng của quý II/2022; lũy kế 6 tháng đầu năm giảm 944 tỷ đồng, tương đương 19,8% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu giảm nhưng lợi nhuận sau thuế của Ricons vẫn tăng trưởng nhờ công ty liên kết. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2023 của Ricons tăng từ 48,4 tỷ đồng lên 67,9 tỷ đồng. Nguyên nhân là do công ty ghi nhận Lãi từ công ty liên kết tăng từ 2,9 tỷ đồng lên 67,8 tỷ đồng.
Nợ thuế, chưa thanh toán hết công nợ vẫn rót hàng trăm tỷ đồng cho trái phiếu
Không chỉ cắt giảm nhân sự, vẫn còn gần 3.000 tỷ đồng công nợ, Ricons còn nợ thuế. Tại ngày 30/6/2023, chỉ tiêu Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước tại Ricosn đạt 2,8 tỷ đồng, giảm so với con số 5 tỷ đồng hồi cuối năm 2022.
Thế nhưng, Ricons vẫn rót hàng trăm tỷ đồng cho trái phiếu và cổ phiếu. Cụ thể, hồi cuối quý II/2023, công ty có gần 172 tỷ đồng trái phiếu ngắn hạn có kỳ hạn trên 3 tháng và không quá 1 năm, hưởng lãi suất theo quy định. Hồi cuối năm 2022, con số này là 194 tỷ đồng.
Ngoài ra, Ricons còn có hơn 167 tỷ đồng cổ phiếu ưu đãi không hoàn lại. Đây là khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần Quản lý và Phát triển Gia Khánh. Đồng thời, Ricons ghi nhận 140 tỷ đồng trái phiếu dài hạn, có kỳ hạn trên 1 năm và hưởng lãi suất theo từng hợp đồng.
Nhi Nhi
Theo