(Xây dựng) - Yên Định là một trong những huyện dẫn đầu của tỉnh Thanh Hóa về phong trào xây dựng Nông thôn mới (NTM), được công nhận huyện NTM năm 2015. Những thành quả trong xây dựng NTM đã làm thay đổi toàn diện bộ mặt làng quê: Hạ tầng cơ sở đồng bộ, khang trang, môi trường sống xanh - sạch - đẹp, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Những thành quả trong xây dựng NTM đã làm thay đổi toàn diện bộ mặt làng quê huyện Yên Định. |
Trong 10 năm (2011-2019), tổng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng NTM của Yên Định lên tới 11.513 tỷ đồng. Trong đó, vốn dân đóng góp để xây mới, chỉnh trang nhà cửa, công trình vệ sinh, nhà văn hóa thông, giao thông nội đồng, đường liên thôn… chiếm tới 58,36%.
Cùng với sự đóng góp của nhân dân, của ngân sách Nhà nước, nét nổi bật của Yên Định trong xây dựng NTM là UBND huyện đã có những cơ chế, chính sách động viên, hỗ trợ các xã xây dựng NTM rất hiệu quả gồm cả hỗ trợ về xây dựng cơ sở vật chất, về phát triển kinh tế, hình thành những khu trang trại tập trung, những vùng chuyên canh sản xuất lớn phục vụ cho xuất khẩu.
Cụ thể như: Hỗ trợ xã hoàn thành 13 tiêu chí 1 tỷ đồng, hoàn thành 16 tiêu chí 2 tỷ đồng, hoàn thành 19 tiêu chí tổng cộng 3 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng công sở mới 2 tỷ đồng; hỗ trợ về vùng trồng rau an toàn, về vùng lúa thâm canh, về chăn nuôi; mua máy móc, phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải, xây dựng công trình xử lý rác thải, xây dựng đường giao thông, đầu tư đạt chuẩn y tế, giáo dục… từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.
Nhờ sự hỗ trợ trên, cùng với nỗ lực của các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân, thu nhập, đời sống mọi mặt của người dân được cải thiện đáng kể, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, giá trị sản xuất trên một ha canh tác đã không ngừng tăng, từ 76,95 triệu đồng năm 2010 lên 120 triệu đồng năm 2015 và 140 triệu đồng năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người cũng tăng từ 16,5 triệu đồng/người/ năm 2011 lên 38,79 triệu đồng năm 2018.
Sau khi về đích NTM năm 2015, Yên Định tiếp tục nỗ lực phấn đấu hướng tới NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, gắn với phát triển sản phẩm OCOP. Trong 9 tháng đầu năm 2022, huyện đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ mới một cách phù hợp, hiệu quả như: Hỗ trợ 500 triệu đồng/km đường trục chính, 120 triệu đồng đến 350 triệu đồng/km đường cứng hóa, rộng từ 1,5m đến trên 4m; hỗ trợ đường chiếu sáng công cộng, hỗ trợ xây tường rào, rãnh thoát nước, nhà văn hóa thôn… từ vài chục triệu đến 500 triệu đồng. Riêng xã về đích NTM nâng cao thưởng thêm 1 tỷ đồng, NTM kiểu mẫu 1,5 tỷ đồng.
Cùng với đó, huyện cũng thực hiện hỗ trợ đối với các sản phẩm đạt OCOP với mức 100 triệu đồng cho sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 200 triệu sản phẩm 4 sao và 300 triệu đồng sản phẩm đạt 4 sao. Nhờ đó, đến tháng 3/2022, toàn huyện đã có thêm 5 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao. Nâng số đạt OCOP toàn huyện lên 9 sản phẩm. Ngoài ra, có 6 sản phẩm đã qua thẩm định của UBND huyện, đang chờ Hội đồng nghiệm thu của tỉnh.
Nông thôn mới làm thay đổi bộ mặt xã Định Hưng. |
Với quan điểm lấy người dân làm chủ thể, xây dựng NTM trước hết phải nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân, cùng với xây dựng hạ tầng, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, Yên Định đã tập trung xây dựng, hình thành các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết như: Vùng trồng lúa gạo an toàn 570ha; gần 1000ha ớt xuất khẩu; vùng trồng rau an toàn 60ha, cải tạo 1.600ha vườn tạp trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, huyện còn duy trì và phát triển 997 trang trại, gia trại tổng hợp cho thu nhập cao.
Về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, tổng vốn đầu tư xây dựng 6 tháng đầu năm 2022 đạt trên 1.655 tỷ đồng. Trong đó, nhiều công trình do huyện làm chủ đầu tư đều được thi công đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ. Cùng với đó, hàng loạt công trình do xã làm chủ đầu tư, phục vụ mục tiêu NTM nâng cao như đường giao thông, nhà văn hóa thôn, chợ, trạm điện, công trình cấp nước sạch, trường học, kênh mương… đều đang được đầu tư xây dựng theo kế hoạch. Đáng chú ý, cùng với sự phát triển về giáo dục, y tế, công tác vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, quy hoạch nghĩa trang có khu hung táng, cát táng riêng, công tác xây dựng xã, thị trấn an toàn thực phẩm cũng ngày càng được chú trọng và đi vào nền nếp.
Về xây dựng NTM, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn huyện đã huy động được gần 162 nghìn tỷ đồng cho đầu tư xây dựng NTM. Trong đó, vốn cộng đồng dân cư 97.217 tỷ đồng. Ngoài việc duy trì và nâng cao tiêu chí NTM ở tất cả các xã, đến nay toàn huyện đã có 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao là Định Long, Định Tân, Định Hòa, Yên Phong và Định Liên. 2 đơn vị là xã Định Tân, Định Long đã được UBND tỉnh công nhận đạt NTM kiểu mẫu. Về thu nhập bình quân đầu người, đạt 54,63 triệu đồng/người/năm vào thời điểm năm 2021, dự kiến cuối năm 2022 sẽ đạt trên 60 triệu đồng/người/năm.
Bên cạnh những ưu điểm, thành quả đã đạt được, Chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu tại Yên Định cũng gặp phải một số khó khăn, bất cập cần tháo gỡ. Cụ thể một số tiêu chí sau: Tiêu chí số 6 về văn hóa, trong đó mục 6.1, nhiều xã chưa đạt do còn thiếu dụng cụ thể thao ngoài trời, nhất là thiếu nhà để xe; cũng tại tiêu chí số 6, nhiều nhà văn hóa thôn mới xây, nhưng không đủ chỗ ngồi theo tổng số hộ dân (do mới sáp nhập thôn), dẫn đến phải xây mới từ đầu; tiêu chí số 17 về môi trường, đất trồng cây xanh thiếu do quỹ đất hạn hẹp, quy hoạch lại rất khó khăn vì phải giải phóng mặt bằng; tiêu chí số 18 về chất lượng môi trường sống, tỷ lệ hộ dùng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung từ 55% nước sạch trở lên, trong khi nhiều xã chưa có hệ thống cấp nước sạch tập trung.
Đào Nguyên
Theo