Chủ nhật 19/05/2024 08:10 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Yên Bình (Yên Bái): Đổi thay từ Chương trình 135

20:07 | 09/04/2020

(Xây dựng) - Thời gian qua, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã có nhiều công trình được đưa vào sử dụng từ Chương trình 135. Từ đó, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn thay đổi từng ngày.

yen binh yen bai doi thay tu chuong trinh 135
Người dân huyện Yên Bình tích cực tham gia đóng góp ngày công để làm đường giao thông nông thôn.

Chương trình 135 là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đầu tư cho vùng dân tộc miền núi đặc biệt khó khăn, thông qua các chính sách hỗ trợ, chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu theo hướng kiên cố hoá, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Qua Chương trình này, nhiều công trình đã được đưa vào sử dụng, các hộ gia đình nghèo được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi vật tư sản xuất để nông dân có nguồn lực đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, góp phần tích cực vào việc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần đồng bào dân tộc. Nhờ vậy, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Yên Bình ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc đang thay đổi từng ngày.

Trong 5 năm gần đây, các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Yên Bình đã đầu tư xây dựng 38,7km đường giao thông, 3 cầu qua đường, 10 nhà văn hóa, 4 công trình trường học... tỷ lệ hộ nghèo tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn bình quân giảm 3,5% năm trở lên giai đoạn 2019-2020, thu nhập bình quân của người dân các xã, thôn đạt trên 25 triệu đồng/người/năm; trên 40% số xã, thôn đăc biệt khó khăn đạt tiêu chí Nông thôn mới về giao thông…

Có được hiệu quả trong thực thiện Chương trình 135 là do Yên Bình đã thực hiện nghiêm các nguyên tắc như: Phân bổ vốn; dân chủ công khai và sự tham gia của cộng đồng; xã có công trình, dân có việc làm và tăng thu nhập; quản lý, khai thác công trình sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng...

Với nguyên tắc xã có công trình, dân có việc làm và tăng thu nhập, trong những năm qua, UBND huyện đã quán triệt với các đơn vị thi công, khi thi công công trình tại địa phương với những công việc đơn giản như: Đào đắp đất, trộn, đổ bê tông hay khuân vác vật tư, vật liệu các đơn vị thi công đều thuê nhân công tại địa phương, không đưa nhân công từ nơi khác đến. Đến nay, các xã đều có nhóm thợ nề, thợ mộc tại xã, nên việc thi công các công trình xây dựng, giao thông, thủy lợi cũng như công trình khác nhân dân địa phương có thể đảm nhiệm được, các đơn vị thi công thực hiện đúng chỉ đạo của huyện.

Cùng với đó, các xã, thôn đều thành lập Ban quản lý giám sát cấp xã và giám sát cộng đồng thôn. Các Ban giám sát xã và thôn đã xây dựng kế hoạch giám sát cho từng công trình, từng nội dung hỗ trợ đạt yêu cầu. Về cơ chế quản lý, khai thác công trình sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, sau khi công trình được cấp có thẩm quyền quyết định công trình đủ điều kiện nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng, huyện giao cho các xã trực tiếp nhận và duy tu bảo dưỡng theo đúng trình tự xây dựng cơ bản. Các xã giao cho các thôn có công trình trực tiếp quản lý, vì vậy, các công trình đã phát huy được hiệu quả sử dụng, đảm bảo phục vụ có hiệu quả đời sống và phát triển sản xuất của người dân.

Việc triển khai các chương trình, chính sách, dự án như thổi một luồng gió mới đến với của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Yên Bình, giúp bà con có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đó chính là tiền đề để Yên Bình tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng nền kinh tế của huyện, phấn đấu trở thành huyện phát triển mạnh về kinh tế.

Thái Hà

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load