(Xây dựng) - Kể từ khi tỉnh Yên Bái phát hiện trường hợp dương tính với SARS-COV-2 đầu tiên trên địa bàn vào cuối tháng 11/2021 đến nay, đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Y tế không quản ngại khó khăn, nguy cơ lây nhiễm bệnh, ngày đêm lặng thầm cống hiến góp phần chăm sóc tốt sức khỏe bệnh nhân.
Bệnh nhân được xuất viện trong sự vui mừng của gia đình và đội ngũ y, bác sĩ. |
Theo số liệu thống kế đến ngày 27/2, toàn tỉnh Yên Bái có trên 21.000 ca mắc Covid-19, trong đó chủ yếu các bệnh nhân đều ở thể trạng nhẹ. Những bệnh nhân thể trạng nặng, nguy kịch tập trung điều trị chủ yếu ở tầng 2, tầng 3 của Bệnh viện Phổi tỉnh Yên Bái, đòi hỏi các y, bác sĩ phải tập trung cao độ, nỗ lực trong điều trị và chăm sóc để cứu sống bệnh nhân.
BSCKI Nguyễn Thành Phương - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Yên Bái - phụ trách Khu điều trị bệnh nhân F0 cho biết: “Từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên trong khu cách ly tập trung của tỉnh, khi tiếp nhận ca bệnh F0, bệnh viện thực hiện khám sàng lọc để phân tầng (4 tầng), tùy từng giai đoạn bệnh, từ đó phân phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả. Những ca bệnh được công bố điều trị khỏi xuất viện đều được cách ly tại nhà theo quy định. Nhờ có sự đầu tư về vật chất từ tỉnh cũng như sự phối hợp, giúp đỡ về kỹ thuật lẫn vật chất của Bệnh viện đa khoa tỉnh nên tình trạng tiến triển bệnh lý của những bệnh nhân mắc Covid-19 thể trạng nặng đang diễn biến hết sức khả quan”.
Cầm trên tay giấy ra viện của ông G.A.G, 69 tuổi trú tại xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, anh G.A.D - con trai bệnh nhân G không giấu được xúc động. Với nhiều người khỏe mạnh mắc Covid-19 việc điều trị đã khó, sống chung với nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, suy thận mạn tính, di chứng đột quỵ não cũ (nằm liệt giường 2 năm nay)… việc điều trị của bố anh càng khó hơn gấp bội. Anh D kể lại: “Bố tôi đã tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19, không rõ tiếp xúc với F0, điều trị viêm phổi tại Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn và Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái từ ngày 14/01, đến ngày 27/01/2022 test nhanh SARS-CoV-2 dương tính, bố tôi được chuyển sang Bệnh viện Phổi tỉnh Yên Bái”.
Bệnh nhân G.A.G chuyển sang Bệnh viện Phổi tỉnh Yên Bái trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc chậm, da niêm mạc nhợt, thể trạng suy kiệt, không sốt, ho nhiều, khó thở; xét nghiệm máu thấy tình trạng nhiễm trùng nặng, suy thận, chụp X quang phổi tổn thương trên 50% phế trường… Sau khi nhập viện, Bệnh viện Phổi đã tiến hành mời tổ hỗ trợ điều trị Covid-19 của Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái hội chẩn do Giám đốc Bệnh viện chủ trì, phối hợp điều trị với Bệnh viện Phổi thống nhất chẩn đoán ông G.A.G bị viêm phổi nặng do virus SARS-CoV-2, tiên lượng rất nặng, bệnh viện đưa ra phác đồ điều trị riêng đặc biệt. Sau đó, tình trạng bệnh cải thiện dần, đáp ứng với điều trị. Tuy nhiên, đến ngày 02/02, ông G.A.G xuất hiện cơn khó thở, thở nhanh nông, kích thích. Chụp X - quang ngực cho thấy tổn thương nặng hơn, xét nghiệm PCR SARS-CoV-2 thấy tăng tải lượng virus. Bệnh viện Phổi mời hội chẩn lần 2, bổ sung phác đồ điều trị. Nhờ đó ông G.A.G đỡ khó thở dần. Sau 14 ngày điều trị tích cực, hiện tại xét nghiệm đã âm tính với SARS-CoV-2. Tình trạng tỉnh, tiếp xúc tốt, không sốt, không phù, không xuất huyết, không khó thở, ho ít đờm, đại tiểu tiện tự chủ, chức năng thận bình thường.
Anh D tâm sự: “Trong gần 1 tháng điều trị tại Bệnh viện Phổi tỉnh Yên Bái, khi cần lúc nào nhân viên y tế cũng có mặt hỗ trợ, nói chuyện tế nhị, đó có thể là liều thuốc tinh thần giúp bố tôi sớm phục hồi”. Ghẹn ngào trong niềm vui sướng anh D nói tiếp: “Bố tôi được ra viện về nhà, bản thân tôi rất vui và phấn khởi. Tôi xin gửi lời cảm ơn tới tập thể y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch nơi đây. Các y, bác sĩ đã rất tận tâm, nhiệt tình, không quản ngại ngày đêm đem hết khả năng, công sức để chăm sóc, điều trị cứu giúp những bệnh nhân nặng, bệnh nhân mắc Covid-19 như bố tôi…”.
Với sứ mệnh cao cả, suốt nhiều tháng qua, hàng chục y, bác sĩ, điều dưỡng trên địa bàn tỉnh đang trực tiếp điều trị những bệnh nhân mắc Covid-19 luôn phải làm việc trong môi trường nguy hiểm. Dù vậy, những thiên thần áo trắng vẫn không chùn bước, ngày đêm tận tình, chăm sóc, cứu chữa. Nhờ làm tốt công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch đã góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong xuống mức thấp so với cả nước.
Có thể nói, để có thể vượt qua khó khăn, thách thức trong đại dịch Covid-19, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ ngành Y tế nói chung và lực lượng y, bác sĩ đang trực tiếp tham gia phòng, chống dịch nói riêng. Những y, bác sĩ với bộ đồ bảo hộ thay cho chiếc áo blouse trắng hằng ngày, hằng đêm giành giật sự sống cho từng bệnh nhân. Họ không màng nguy hiểm, âm thầm nỗ lực mà không mong được vinh danh, chỉ đơn giản lấy việc điều trị cho bệnh nhân thoát khỏi cửa tử, được khỏe mạnh trở về với gia đình là niềm vui, hạnh phúc và là động lực to lớn để tiếp tục cố gắng điều trị bệnh nhân. Qua đó, góp phần làm nên thành công trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19.
Sơn Lâm
Theo