(Xây dựng) - Xác định giao thông nông thôn là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, đang được Nhà nước, địa phương và nhân dân đặc biệt quan tâm, góp phần thúc đẩy hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, thông thương hàng hóa, bộ mặt nông thôn được thay đổi từng ngày, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền, hướng tới xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao kiểu mẫu và nông thôn mới kiểu mẫu, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Yên Bái đã có nhiều chủ trương, chính sách trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển giao thông nông thôn.
Đồng chí An Hoàng Linh - Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Yên Bình (người mặc áo kẻ caro) tham gia lao động ngày thứ Bảy cùng dân làm đường giao thông nông thôn. |
Ngày 16/12/2020, HĐND tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 73/2020/NQ-HĐND và được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 79/2021/NQ-HĐND ngày 07/12/2021 về việc thông qua Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở Nghị quyết của HĐND tỉnh, ngày 31/12/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3446/2020/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025 và được sửa đổi, bổ sung theo tinh thần Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Đồng thời ban hành Hướng dẫn số 01/HD-UBND ngày 17/01/2021 hướng dẫn thực hiện Đề án, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện.
Với mục tiêu phát triển giao thông nông thôn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo; phấn đấu thực hiện cơ bản các tuyến đường nông thôn từ xã, phường, thị trấn xuống thôn, tổ dân phố, liên thôn bản được kiên cố hóa bằng hệ bê tông xi măng; các tuyến đường tỉnh, đường huyện xuống xã, liên xã tiếp tục được quan tâm đầu tư bằng nhiều nguồn vốn để phát triển đồng bộ hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Trần Nhật Tân - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Trấn Yên tham gia lao động làm đường giao thông cùng nhân dân vào ngày thứ Bảy cùng dân. |
Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh phấn đấu kiên cố hóa 900km đường giao thông liên thôn, trong đó đường loại 1 với bề rộng mặt đường từ 3,5 đến 4,5m là 815km; đường loại 2 với bề rộng mặt đường từ 2-3m là 50km; bề rộng mặt đường từ 1,2 -2m là 35km. Mở rộng đường bê tông xi măng khoảng 100km với mặt đường đã có bề mặt bằng hoặc nhỏ hơn 3m lên mặt đường 3,5 đến 5m, nền đường tối thiểu là 6,5m; chiều dày mặt đường mở rộng bằng chiều dày mặt đường cũ đã có, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Làm mới, mở rộng 150km đường đất với bề rộng tối thiểu nền đường là 3,5m, xây dựng 1.000 công trình thoát nước các loại.
Do làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng chủ trương xây dựng, phát triển giao thông nông thôn trong quần chúng nhân dân, sự chỉ đạo, điều hành, cụ thể hóa các nội dung của nghị quyết HĐND và các quyết định của UBND tỉnh, sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các ban, Sở, ngành và các địa phương trong tỉnh nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án, trên cơ sở mục tiêu, kế hoạch đã được đề ra trong Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 30/10/2020 của Tỉnh ủy Yên Bái là” giai đoạn 2021-2025, kết hợp lồng ghép các nguồn vốn xây dụng và phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành kiên cố khoảng 2.000km đường giao thông nông thôn”.
Đồng chí Nguyễn Xuân Trường - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Bình tham gia lao động làm đường giao thông nông thôn cùng nhân dân vào ngày thứ Bảy hàng tuần. |
Kết quả thực hiện, đến giữa nhiệm kỳ giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh đã kiên cố hóa 1.469km mặt đường bê tông xi măng, 43,8km mặt đường bê tông được mở rộng, trên 195km đường đất được mở rộng, mở mới, 1.458 công trình thoát nước được xây dựng, trong đó có 31 công trình là cầu, ngầm… Dự kiến trong giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh sẽ kiên cố hóa 1.799km mặt đường bê tông xi măng, mở rộng mặt đường bê tông hiện có là 58km, mở mới, mở rộng 220km đường đất; xây dụng 1.600 công trình thoát nước. Trong đó, khối lượng thực hiện Đề án theo Nghị quyết và của HĐND và Quyết định của UBND tỉnh về phát triển giao thông nông thôn là: Đã có 1.169,6km/900km mặt đường bê tông xi măng được kiên cố hóa, đạt 130%; 39,8km/100km đường bê tông xi măng được mở rộng, đạt 39,8%; 157,7km/150km đường đất được mở mới, mở rộng, đạt 105,1%; 1.077 công trình thoát nước các loại được xây dựng, đạt 107,7% so với mục tiêu của Đề án. Tỷ lệ kiên cố hóa đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái đến nay là 5.610km/8.054km, đạt 69,6%.
Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, đã có nhiều địa phương có những việc làm hay, giải pháp phù hợp, hiệu quả. Điển hình là hai huyện Yên Bình và huyện Trấn Yên. Giai đoạn 2020 đến hết 7 tháng đầu năm 2023, huyện Yên Bình đã thực hiện được 454,7km đường giao thông nông thôn với tổng mức đầu tư là 423.672,11 triệu đồng, vượt 177,4km, bằng 164% (454.7km/277,29km) so với nhiệm kỳ trước. Huyện Trấn Yên kế hoạch cả nhiệm kỳ là 250km, đến tháng 6/2023 đã thực hiện được 185,4km; vận động người dân tự hiến đất làm đường giao thông nông thôn với tổng diện tích 65.904m2.
Tổng số vốn huy động xây dựng các công trình giao thông nông thôn giữa nhiệm kỳ giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh Yên Bái ước đạt 1.396,4 tỷ đồng, trong đó kinh phí thực hiện các công trình theo Đề án phát triển giao thông nông thôn là 885,4 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách Trung ương và của tỉnh là 315,7 tỷ đồng, Vốn của huyện là 132,8 tỷ đồng và vốn huy động hợp pháp và nhân dân đóng góp là 437, tỷ đồng.
Bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, đó là việc triển khai thực hiện Đề án luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, ưu tiên bố trí vốn theo nhu cầu địa phương, sự phối hợp giữa địa phương với các cơ quan, đơn vị chức năng, chuyên môn của tỉnh và lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án trong việc thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn và huy động nguồn lực cả về kinh phí, ngày công lao động, vật liệu xây dựng… việc triển khai thực hiện Đề án còn gặp nhiều khó khăn vốn có của một tỉnh miền núi như địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn, bị chia cắt, mật độ dân cư thưa, xa trung tâm, xa mỏ vật liệu, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, huy động sức dân còn nhiều hạn chế, giá cả vật liệu xây dựng xi măng, cát, sỏi, nhiên liệu nhiều biến động tăng, giảm bất lợi, chi phí vận chuyển vật liệu có sự chênh lệch rất cao, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực rất lớn đến việc triển khai thực hiện Đề án.
Đồng chí Lê Đức Đông - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái (người mặc áo kẻ caro) cùng nhân dân tham gia lao động làm đường giao thông nông thôn. |
Phát huy những kết quả đã đạt trong nửa nhiệm kỳ qua, trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển giao thông nông thôn gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành vượt chỉ tiêu Đề án, toàn tỉnh sẽ kiên cố khoảng 2.000km đường giao thông nông thôn theo mục tiêu, kế hoạch tại Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 30/10/2020 của Tỉnh ủy Yên Bái; sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đúng mục đích; huy động các nguồn lực hợp pháp; kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án; làm tốt công tác thi đua khen thưởng đối với tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân, quần chúng nhân dân điển hình tiêu biểu, có đóng góp tích cực trong phong trào phát triển giao thông nông thôn như hiến đất làm đường, đóng góp, hỗ trợ kinh phí, nhân công, vật liệu, máy móc, công cụ làm đường…
Sơn Lâm
Theo