Thứ sáu 08/11/2024 10:07 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Yên Bái: Điểm nhấn trong xây dựng giao thông nông thôn

15:37 | 18/08/2020

(Xây dựng) – Hiện nay, xây dựng Nông thôn mới trở thành phong trào rộng khắp, đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó, phát triển giao thông nông thôn đóng vai trò quan trọng. Tại Yên Bái, hệ thống giao thông nông thôn đã kết nối vùng sâu, vùng xa, nông thôn, miền núi với các tuyến quốc lộ, cao tốc... góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

yen bai diem nhan trong xay dung giao thong nong thon
Lồng ghép nguồn vốn các chương trình, đề án, tỉnh Yên Bái đã thực hiện cứng hóa các tuyến đường liên xã, liên huyện.

Yên Bái đã từng gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển giao thông, nhất là giao thông nông thôn, 180 xã, phường (sáp nhập lại còn 173 xã, phường) thì chỉ có khoảng 30% số xã là có đường ôtô đến trung tâm, còn lại là “cuốc bộ” mỗi khi có việc phải đến những xã vùng cao như: Sùng Đô, Nậm Mười (Văn Chấn); Làng Nhì, Tà Si Láng (Trạm Tấu); Mồ Dề, Chế Tạo (Mù Cang Chải); Nà Hẩu, Mỏ Vàng (Văn Yên)… ai cũng lắc đầu ngao ngán bởi đường khó đi, nguy hiểm, nếu gặp trời mưa thì những nơi đây thành ốc đảo, “nội bất xuất, ngoài bất nhập”. Cán bộ xã muốn đến huyện phải đi từ mờ sáng cho tới quá trưa mới tới, nhiều xã phải đi cả ngày đường.

Hiện nay, 100% địa phương đã có đường ôtô đến trung tâm xã, giao thông thuận tiện cả 4 mùa. Đây thực sự là kỳ tích, bởi trong bối cảnh Yên Bái là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt, hiểm trở nguồn lực đầu tư cho giao thông hạn chế, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, khi đề án phát triển giao thông nông thôn được xây dựng và đưa vào triển khai đã tạo nên những đột phá trong phát triển. Tùy điều kiện cụ thể, mỗi địa phương đã có những cách làm riêng để huy động, vận động nhân dân tham gia làm đường: Nơi có đá thì góp đá, có cát, sỏi thì góp cát sỏi, góp công đánh đất, san nền...

Đến với xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, ông Vũ Văn Hùng - Trưởng thôn Khe Năm cho biết: “Chưa phải là thôn khó khăn, nhưng hệ thống giao thông của thôn Khe Năm khá phức tạp, trước đây chủ yếu là đường đất khiến việc đi lại, giao thương hàng hóa của những hộ dân khó khăn. Thực hiện chủ trương xây dựng Nông thôn mới, tranh thủ nguồn lực đầu tư của Nhà nước, nhân dân trong thôn đã hiến đất mở rộng lòng, lề đường, đóng góp tiền mặt, ngày công san gạt mặt bằng để bê tông hóa giao thông nông thôn. Từ chỗ chưa có một mét đường bê tông nào, đến nay thôn đã bê tông hóa được 5km đường giao thông nông thôn, đạt trên 90%; phấn đấu hết năm 2020 này 100% tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông hóa”.

Ông Trần Văn Tam - Chủ tịch UBND xã Hưng Khánh chia sẻ: “Thời gian qua, xã Hưng Khánh tập trung huy động mọi nguồn lực, ưu tiên hạ tầng giao thông nông thôn. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, người dân xã Hưng Khánh đã hiến hàng chục ha đất đồi, vườn tạp, hoa màu và hàng nghìn ngày công, hàng tỷ đồng tiền mặt để bê tông hóa hơn 20km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Đến nay, hệ thống giao thông nông thôn của xã cơ bản hoàn thành, các tuyến đường liên thôn, đường nội đồng được bê tông hóa đạt gần 100%”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Văn Dự - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Yên Bái phấn khởi cho biết: “Trong những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, sự lãnh đạo và sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, công tác phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Bằng cách lồng ghép nguồn vốn các chương trình, đề án, tận dụng nguồn đóng góp của doanh nghiệp và nhân dân để phát triển giao thông nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới”.

Được biết, tính đến hết tháng 7/2020, hệ thống đường giao thông nông thôn của tỉnh có tổng chiều dài 7.480km gồm: Đường huyện 1.428km; đường xã 2.160km; đường thôn, bản, ngõ xóm 3.892km, đã nhựa hóa và bê tông hóa được 3.369km; còn lại 4.110km đường cấp phối và đường đất. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 7/2020, toàn tỉnh đã kiên cố hóa 1.399,8km mặt đường bê tông xi măng; mở mới 213,3km đường đất; xây dựng 1.612 công trình thoát nước.

Với chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành, Sở Giao thông Vận tải Yên Bái đã tham mưu cho UBND tỉnh, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đầu tư xây dựng cho tỉnh Yên Bái 72 cầu dân sinh gồm 13 cầu treo và 59 cầu cứng với tổng mức đầu tư khoảng 169,42 tỷ đồng. Việc đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông tại các địa phương, giúp người dân đi lại được thuận tiện, an toàn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tuy nhiên, theo phân tích, đánh giá của Sở Giao thông Vận tải Yên Bái về những hạn chế trong quá trình thực hiện tiêu chí giao thông trên địa bàn tỉnh, thì các địa phương đều lựa chọn các tuyến đường giao thông nông thôn thuận lợi và xuyên qua khu vực đông dân cư để thực hiện đầu tư, xây dựng mới, nâng cấp. Do đó, hiện tại, những tuyến đường giao thông nông thôn chưa được hoàn thiện đều thuộc những tuyến khó khăn, đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư lớn; chủ đầu tư các tuyến đường giao thông nông thôn là UBND cấp xã, nên chuyên môn, nghiệp vụ về xây dựng cơ bản còn hạn chế, công tác cập nhật số liệu tài chính thực hiện còn chậm, chưa thống nhất, việc quyết toán và tổng hợp báo cáo bổ sung nguồn vốn cho các công trình đã hoàn thành chưa hiệu quả, gây ảnh hưởng trong quá trình huy động các nguồn lực triển khai các dự án khác.

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới nói chung và quá trình hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn nói riêng là chương trình toàn diện, lâu dài. Bởi vậy, để việc hoàn thành mục tiêu về tiêu chí giao thông nông thôn đến giai đoạn 2021-2025, các cấp chính quyền địa phương cần tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng, thiết thực với nhiều hình thức khác nhau trong mọi tầng lớp nhân dân; phổ biến cho người dân hiểu rõ về chủ trương, cơ chế, chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi cá nhân, cộng đồng thôn, bản trong quá trình xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn. Bên cạnh đó, các địa phương cần chú trọng công tác duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường giao thông nông thôn nhằm phát huy hiệu quả và nâng cao thời gian sử dụng cho các tuyến đường.

Thái Hà

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load