(Xây dựng) - Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, tính đến 16h ngày 19/8 đã có 555 ngôi nhà trên địa bàn thành phố Yên Bái và các huyện Văn Yên, Trấn Yên bị thiệt hại do mưa lũ, ước tính khoảng 12 tỷ đồng.
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Yên Bái đã di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn. |
Mưa lớn đã gây ngập úng làm ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm nhà dân trên địa thành phố Yên Bái, huyện Văn Yên và huyện Trấn Yên; hơn 56 nhà bị sạt lở ta luy. Diện tích nông, lâm nghiệp bị thiệt hại hơn 1.000ha, thiệt hại hơn 700 gia cầm và hơn 20ha diện tích nuôi trồng thủy sản.
Các tuyến Đường tỉnh 163, 164,166, 169,172 hiện bị ngập sâu do nước sông dâng cao, gây tắc đường, chia cắt nhiều xã trên địa bàn huyện Văn Yên, riêng tại thành phố Yên Bái đã có 21 tuyến giao thông bị ngập làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Ước tính thiệt hại khoảng 12 tỷ đồng.
Theo dự báo, từ ngày 20/8, lũ sông Hồng đoạn qua tỉnh Yên Bái sẽ đổ về với lưu lượng lớn. Theo thông tin chính thức của UBND tỉnh Lào Cai, phía tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã có thông báo về việc xả lũ trên sông Hồng. Cụ thể, do ảnh hưởng của bão, lưu vực sông Hồng xảy ra mưa lớn, mực nước sông dâng cao, Nhà máy thủy điện Mã Đồ Sơn (Trung Quốc) dự kiến xả lũ từ 9h00 đến 17h00 ngày 20/8/2020. Do xả lũ cùng với mưa kéo dài nhiều ngày qua làm cho nước sông từ thượng nguồn sông Hồng sẽ dâng cao, lượng nước đổ về hạ lưu tăng nhanh, có thể tràn ngược vào các sông suối.
Để chủ động ứng phó với mưa lũ đặc biệt là lũ cao trên sông Thao, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương tập trung chỉ đạo triển khai một số nội dung sau: Theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động các giải pháp phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở đất;
Tổ chức lực lượng và nghiêm túc thực hiện việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo đúng quy định. Kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm 4 tại chỗ. Tập trung xử lý dứt điểm các sự cố đê điều dễ xảy ra (trên tuyến đê sông Thao, tỉnh Phú Thọ đã xuất hiện một số sự cố do mưa, lũ);
Kiểm tra, rà soát, triển khai phương án đảm bảo an toàn dân cư, các hoạt động kinh tế - xã hội ở ven sông, bãi sông và các khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở, sẵn sàng tổ chức di dời, sơ tán dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; Tăng cường kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu;
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo về tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (thông qua Văn phòng thường trực) để tổng hợp báo cáo.
Thái Hà
Theo