Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam mới đã chỉ ra con đường phát triển theo hướng văn minh, tiến bộ của nhân loại.
Cứ mùa thu đến, mỗi lần kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9, tôi lại nhớ tới bản tuyên ngôn độc lập mà tôi đã gần như thuộc lòng. Đó là bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình vào mùa thu năm 1945.
Tôi có một kỷ niệm về lần đầu tiên được đọc toàn văn văn kiện lịch sử này. Chuyện bắt đầu trong chuyến đi công tác đến Pháp, một người bạn là nhà báo thường trú ở Paris bảo tôi: "TS Thu Trang muốn gặp anh". Có lẽ khi biết tôi là người sáng lập và tổ chức cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất vào năm 1988 nên TS Thu Trang, hoa hậu đầu tiên của Sài Gòn muốn mời tôi đến nhà chị trò chuyện. TS Thu Trang tên thật là Công Thị Nghĩa sinh ra ở làng hoa Ngọc Hà (Hà Nội), chị đã cùng gia đình vào định cư ở Sài Gòn và tham gia hoạt động tình báo cách mạng nhiều năm…
Qua những sự kết nối đó, cũng trong chuyến đi này, tôi gặp gỡ một số Việt kiều ở Paris. Một chị Việt kiều nhờ tôi tìm cho hai văn bản quan trọng là bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình và bản di chúc thiêng liêng của Người. Chị nói: "Tôi đã đọc bản Tuyên ngôn đọc lập năm 1776 của nước Mỹ và bản Tuyên ngôn dân quyền cách mạng Pháp năm 1791, những chưa được đọc bản Tuyên ngôn Độc lập Cụ Hồ đọc vào ngày 2/9/1945…".
Lúc ấy chưa thể vào Google tìm kiếm như bây giờ, mạng xã hội chưa phát triển, tôi cũng chưa có điện thoại thông minh, nên tôi hỏi sẽ chuyển cho chị bằng cách nào? Chị bảo: "Tháng tới sẽ có người về Hà Nội, liên lạc với anh, anh cho xin số điện thoại".
Về nước, một người bạn làm ở nhà xuất bản cho tôi mượn hai văn bản quan trong kể trên, và thú thật đó là lần đầu tiên tôi được đọc toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập. Càng đọc tôi càng thấm thía, càng thấy ý nghĩa sâu xa từ văn kiện lịch sử này.
Một trong những nội dung luôn thời sự và mới mẻ là "Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ quyền không ai có thể xâm phạm. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Đó là những quyền được ghi trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ.
Và "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi". Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 ghi rõ như thế.
Đây là những vấn đề mà chúng ta luôn thấy có một ý nghĩa sâu xa bên cạnh những quyền cơ bản của đất nước như độc lập dân tộc, bình đẳng giữa các dân tộc, quyền tự quyết của các dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2/9/1945 (Ảnh tư liệu) |
Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trong ngày 2/9/1945, không những công bố cho cả thế giới biết rằng nước Việt Nam từ đây đã trở thành một nước độc lập mà còn chỉ ra con đường phát triển tiến bộ của nhân loại.
Bản tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ cùng bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 được coi là hai văn bản mang tư tưởng tiến bộ nhất thời bấy giờ của thế giới, và việc Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa vào bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam mới, rõ ràng đã chỉ ra con đường phát triển của đất nước theo hướng văn minh, tiến bộ của nhân loại.
Đi theo con đường hòa bình và phát triển, đi theo con đường mà ở đó mỗi người dân đều được tự do, bình đẳng, đều có quyền mưu cầu hạnh phúc thực sự, ở đó mỗi người dân "ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành" như mong ước tột bậc của Bác Hồ.
Tư tưởng độc lập, tự do, văn minh và tiến bộ cho đất nước, tư tưởng dân chủ, bình đẳng cho mỗi người dân là tư tưởng xuyên suốt và nhất quán trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cho đến khi viết di chúc, tư tưởng đó một lần nữa đã được Người chỉ ra khi đề cập đến cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những gì cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra cái mới mẻ, tốt tươi…
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành đến cùng, tiến hành quyết liệt và có hiệu quả mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm hiện nay, đã được nhân dân cả nước đồng lòng, chung sức. Đây chính là chúng ta đang loại bỏ "những gì cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra cái mới mẻ, tốt tươi…" như di nguyện của Bác Hồ, là chúng ta đang học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh để đất nước phát triển, để mỗi người dân đều có quyền tự do, bình đẳng, quyền được mưu cầu hạnh phúc trên đất nước này, tôi thiển nghĩ vậy.
Theo Dương Xuân Nam/Dantri.com.vn
Link gốc: https://dantri.com.vn/blog/y-nghia-sau-xa-cua-ban-tuyen-ngon-doc-lap-20220901135551036.htm