(Xây dựng) - Trong nhiều năm qua, do sản xuất nông nghiệp phát triển nước ta xuất khẩu gạo vào danh sách hàng đầu thế giới, đứng thứ ba chỉ sau Ấn Độ, Thái Lan. Năm 2018 cả nước xuất khẩu 6,12 triệu tấn gạo (trị giá 3,06 tỷ USD). Năm 2019 xuất khẩu 6,37 triệu tấn (trị giá 2,81 tỷ USD). Philipine, Bờ Biển Ngà và Trung Quốc là các nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Tiếp tục thực hiện Nghị định số 107/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, trong 2 tháng đầu năm ta xuất khẩu dược 928.798 tấn, (trị giá 271,51 triệu USD), tăng 31,7% so với 2 tháng đầu năm ngoái. Trong tháng 3 tình hình dịch bệnh tràn lan khắp thế giới, nhiều quốc gia ngừng xuất khẩu lương thực và nông sản, ở Đồng bằng sông Cửu Long hạn mặn nghiêm trọng nên Chính phủ chủ trương tạm dừng xuất khẩu gạo cho đến hết tháng 5. Gần đây, khi cơ hội cho phép, theo đề nghị của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp kinh doanh lương thực, ngày 10/4/2020, Thủ tướng Chính phủ quyết định từ ngày 1/5 việc xuất khẩu gạo trở lại bình thường. Theo đó, trong 2 tháng 4 và 5/2020, sẽ xuất khẩu 800.000 tấn (giảm 40% so với cùng kỳ năm 2019)...
Đi đôi với việc duy trì xuất khẩu gạo là chiến lược bảo đảm an ninh lương thực quốc gia: Giữ vững khả năng tự cung cấp đầy đủ lương thực về số lượng và chất lượng, kể cả trong tình trạng nguy cấp. Nước ta với 100 triệu dân nên lương thực là mặt hàng thiết yếu nhất, phải giữ ổn định trong mọi tình huống. Trước mắt, các doanh nghiệp tiếp tục thu mua 190.000 tấn gạo dự trữ. Theo Liên Hợp quốc xếp hạng, nước ta đứng thứ 57/113 quốc gia về an ninh lương thực, đứng thứ 4 Đông Nam Á (Singapore đứng số 1 thế giới về lĩnh vực này).
Hiện nay, Việt Nam còn 4,160 triệu ha đất trồng lúa (năm 2005 hơn 7 triệu ha). Sản lượng năm 2019 đạt 43,4 triệu tấn thóc. Đồng bằng sông Cửu Long đang dư thừa 13 triệu tấn (nhất là ở Long An, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp) bảo đảm cho xuất khẩu 5-7 triệu tấn gạo không ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Mặc dù diện tích trồng lúa giảm mạnh do công nghiệp hóa, đô thị hóa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mặt khác do biến đổi khí hậu, hạn mặn nặng ở Đồng bằng sông Cửu Long nhưng do áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và sử dụng nhiều giống mới nên năng suất và sản lượng vẫn tăng cao. Đó là điều kiện và khả năng vừa thực hiện chiến lược an ninh lương thực quốc gia vừa đẩy mạnh xuất khẩu gạo, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân trồng lúa.
Kim Quốc Hoa
Theo