(Xây dựng) – Hiện nay, tình trạng thiếu quỹ đất để chôn lấp rác, ô nhiễm từ rác thải không chỉ gây nên những hệ lụy về môi trường mà còn gây bất ổn trong trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, còn rất nhiều hạn chế trong quản lý, xử lý chất thải rắn, cản trở việc phát triển bền vững. Vì vậy, chính quyền, người dân cũng như doanh nghiệp cần “chung tay” hành động để xây dựng một xã hội văn minh, xanh – sạch – đẹp.
Các công nghệ xử lý mới cần được quan tâm nhiều hơn để trở thành xu thế trong tương lai. |
Theo thống kê, lượng chất thải rắn phát sinh hàng năm khoảng 60 - 70 triệu tấn, trong đó, lượng chất thải rắn sinh hoạt khoảng 23 triệu tấn/năm, chất thải rắn công nghiệp như tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất trên dưới 20 triệu tấn, phụ phẩm nông nghiệp sau mỗi mùa vụ thải bỏ ra từ 60 - 80 triệu tấn, đó là chưa kể chất thải phát sinh từ hoạt động xây dựng lên đến mấy chục triệu tấn/năm. Đặc biệt, khi xử lý chất thải rắn trong lĩnh vực xây dựng, nếu phân loại ngay từ đầu thì quá trình nghiền, tái chế phế thải thành các sản phẩm có ích sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, hiện nay các biện pháp xử lý phế thải xây dựng chưa đáp ứng được nhu cầu của cả thành phố. Để xây dựng các nhà máy xử lý phế thải công nghệ tiên tiến cần nguồn vốn lớn từ doanh nghiệp nhưng vẫn còn rất nhiều rào cản về chính sách, cơ chế, tiêu chuẩn, quy chuẩn… Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp khi đầu tư vào xử lý phế thải xây dựng vấp phải nhiều thủ tục phức tạp, kéo dài như việc thuê đất có thời hạn, giá thuê đất chưa được ưu đãi do là công nghệ mới, thủ tục xây dựng, báo cáo tác động môi trường… chưa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Có thể thấy, các cơ chế, ưu đãi cho các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải rắn còn chưa cụ thể, thiếu đồng bộ. Chính những điều này đã cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực tái chế phế thải xây dựng.
Để tháo gỡ những vướng mắc này, nhiều chuyên gia cho rằng Chính phủ nên chỉ đạo rà soát, kiểm tra hoặc sửa đổi các văn bản pháp luật, quy trình, thủ tục còn phức tạp về quản lý đầu tư xây dựng trong lĩnh vực quản lý chất thải xây dựng. Không chỉ vậy, nên cụ thể hóa các biện pháp ưu đãi đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Quan trọng hơn, việc liên kết giữa các chủ thể, doanh nghiệp, nhà sản xuất tham gia vận hành thị trường này còn chưa nhất quán. Cần phải thiết lập một hệ thống vận hành cũng như kiểm soát, quản lý nghiêm ngặt từ việc thu gom phế thải (phân loại tại nguồn) rồi nghiền, xử lý (tại các nhà máy công nghệ cao) cho đến tái sử dụng thành phẩm, phân phối ra thị trường.
Chỉ khi chúng ta giải quyết được từng “khoảng trống” trong quá trình thu gom đầu vào – tái chế, xử lý đầu ra cũng như thiết lập cơ chế, chính sách phù hợp, ngành công nghiệp môi trường ở Việt Nam mới thực sự hiệu quả và phát triển bền vững, giảm tác động đến môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Như vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng cũng như các cơ quan chức năng có thẩm quyền khác cần phối hợp để bổ sung, điều chỉnh, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực xử lý phế thải xây dựng, cũng như nghiên cứu cơ chế, chính sách, quy định về thu phí, thuê đất, giá xử lý, giá thành phẩm… cho công nghệ này.
Có thể thấy, các biện pháp xử lý rác thải như đốt, chôn lấp… đã lạc hậu, không phù hợp với tình hình thực tế. Khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp, chất lượng môi trường nước và không khí ngày càng xấu đi, để gìn giữ thành phố sạch đẹp, cần có sự phối kết hợp của chính quyền – người dân – doanh nghiệp. Trong đó, chính quyền, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, điều chỉnh và ban hành hệ thống cơ chế, chính sách hợp lý để doanh nghiệp có thể đầu tư phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn. Đồng thời, người dân phải được tuyên truyền, giáo dục về mối nguy khi quá tải rác, từ đó hiểu và hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn.
Diệu Anh
Theo