Thứ ba 08/10/2024 06:09 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Xử lý các nhà thầu vi phạm tiến độ cao tốc đoạn Cam Lộ-La Sơn

14:08 | 28/05/2021

Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Cam Lộ-La Sơn có 11 gói thầu xây lắp, dự kiến hoàn thành trong năm 2021, tuy nhiên sản lượng thi công của dự án hiện mới chỉ đạt khoảng 44%.

xu ly cac nha thau vi pham tien do cao toc doan cam lo la son
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh chấn chỉnh nhà thầu vi phạm tiến độ và tăng cường kiểm soát chất lượng, dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam, đoạn Cam Lộ-La Sơn.

Cụ thể, tại văn bản này, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh có những chế tài cụ thể để xử lý các nhà thầu vi phạm tiến độ.

Đối với các nhà thầu vi phạm lần thứ 3 là Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng Hoàng Nguyên tại gói thầu XL03, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh xử lý điều chuyển khối lượng của công việc của công ty này cho nhà thầu khác triển khai thi công tuân thủ theo tiến độ.

Đồng thời, thông báo trên trang thông tin điện tử của Bộ để các đơn vị được biết làm cơ sở đánh giá năng lực khi nhà thầu này tham gia các dự án do Bộ Giao thông Vận tải quản lý theo định của Luật Đấu thầu.

Đối với nhà thầu vi phạm lần 2 là Công ty cổ phần Vật tư thiết bị và xây dựng công trình giao thông 624 (gói thầu XL07), Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cần khẩn trương cảnh báo lần 3 và xử lý theo quy định của hợp đồng.

Trong khi đó, đối với nhà thầu vi phạm lần 1 là các công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Thành Phát và Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhạc Sơn (gói thầu XL06), Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Hiệp, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 và Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Bảo Sơn (gói thầu XL11)…, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh khẩn trương cảnh báo lần 2.

Các nhà thầu này trước ngày 5/6/2021 phải tập trung huy động năng lực thi công bù tiến độ đã chậm. Nếu sau thời gian trên, nhà thầu nào không có chuyển biến về tiến độ thì tiếp tục cảnh báo lần 3 và xử lý theo quy định của hợp đồng.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh chỉ đạo các nhà thầu lập lại tiến độ thi công chi tiết đối với từng gói thầu; đồng thời, yêu cầu các nhà thầu huy động năng lực thi công đáp ứng tiến độ sau khi cập nhật.

Cùng đó, lập danh sách theo dõi, giám sát đặc biệt đối với nhà thầu vi phạm tiến độ để xử lý nghiêm theo quy định của hợp đồng.

“Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh khẩn trương báo cáo kết quả đánh giá lại năng lực của từng nhà thầu vi phạm gửi về Bộ Giao thông Vận tải; đồng thời, chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án xem xét cập nhật năng lực các đơn vị trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu khi tham gia các dự án tiếp theo,” Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Cam Lộ-La Sơn có 11 gói thầu xây lắp, dự kiến hoàn thành trong năm 2021. Tuy nhiên, đến nay, sản lượng thi công của dự án mới đạt khoảng 44%, chậm 4,8% so với kế hoạch.

Đánh giá của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho thấy 3 gói thầu xây lắp là XL01, XL02, XL10 có thể hoàn thành trong năm 2021; 6 gói thầu XL03, XL04, XL05, XL06, XL07, XL11 có thể hoàn thành trong quý I/2022. Còn lại, 2 gói thầu XL08, XL09 hoàn thành trong quý 2/2022.

Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, khó khăn nhất của dự án hiện nay tại các gói thầu XL05, XL06 thi công nền đường do khan hiếm vật liệu đất đắp, nhà thầu không chủ động giải quyết vật liệu đất đắp; XL07 thi công cầu Sông Bồ chậm do nhà thầu không tập trung thực hiện; XL08 và XL09 phải xử lý nền đất yếu bằng giếng cát kết hợp gia tải chờ lún khoảng 10 tháng, đặc biệt đoạn mở rộng tuyến tránh Huế.

Dự án cao tốc Cam Lộ-La Sơn có tổng chiều dài trên 98km đi qua 2 tỉnh gồm Quảng Trị dài hơn 37km và Thừa Thiên-Huế trên 61 km.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.699 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, trong đó, vốn đầu tư xây lắp khoảng 5.586 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 434 tỷ đồng.

Dự án khởi công từ tháng 9/2019, dự kiến ban đầu hoàn thành trong năm 2021./.

Theo Quang Toàn (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
  • Ninh Bình: Đầu tư 13 tỷ đồng xây mới Trạm bơm Yên Lâm sau 60 năm hoạt động

    (Xây dựng) – HĐND tỉnh Ninh Bình vừa có chủ trương đầu tư xây dựng mới Trạm bơm Yên Lâm thay thế cho trạm bơm cũ đã hoạt động suốt 60 năm qua.

  • “Vượt nắng thắng mưa”, đưa dự án cầu Rạch Miễu 2 hoàn thành đúng tiến độ

    (Xây dựng) - Những ngày này, không khí làm việc trên các công trường thi công cầu Rạch Miễu 2 đang diễn ra khẩn trương, hối hả. Các đơn vị nghiêm túc triển khai thi công “3 ca, 4 kíp”, bất chấp thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều, cả 6 gói thầu thuộc dự án đều tăng tốc thi công. Quyết tâm hoàn thành dự án như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, phấn đấu hoàn thành công trình vào dịp chào mừng lễ Quốc khánh 2/9/2025.

  • Từ ngày 7/10 sẽ tạm dừng lưu thông đoạn đường trên QL51 để tiến hành sửa chữa

    (Xây dựng) - Mới đây, Khu Quản lý đường bộ IV (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết từ ngày 7/10, sẽ phối hợp với Công ty Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tạm dừng lưu thông một đoạn dài khoảng 700m trên QL51 để tiến hành sửa chữa.

  • Tây Ninh: Phê duyệt Dự án chỉnh trang đường Cách mạng tháng Tám gần 400 tỷ đồng

    (Xây dựng) - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã có quyết định phê duyệt Dự án chỉnh trang đường Cách mạng tháng Tám (đoạn từ cầu Quan đến đường Biên Phủ) với tổng mức đầu tư 391.408 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành từ năm 2023 đến 2026.

  • An Giang: Giao thông đi trước tạo động lực phát triển

    (Xây dựng) - An Giang là địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam so với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Với tư duy đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển bền vững, nâng cao đời sống nhân dân, tỉnh đã nhận diện được những thách thức, hạn chế về cơ sở hạ tầng; tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, vốn vay từ các tổ chức, đặc biệt đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn đến thành thị trong bối cảnh nguồn ngân sách rất hạn hẹp. Trong những năm qua, ngành Giao thông vận tải An Giang đã nhiều nỗ lực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông tạo động lực phát triển kinh tế -xã hội. Báo điện tử Xây dựng trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết của ThS.KS Ngô Công Thức, Giám đốc Sở Giao thông vận tải An Giang.

  • Hải Lăng (Quảng Trị): Liêu xiêu mấy nhịp cầu dân sinh

    (Xây dựng) – Hàng chục cây cầu dân sinh bắc qua sông, kênh mương trên địa bàn huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã bị hư hỏng, xuống cấp theo năm tháng, những nhịp cầu liêu xiêu mất an toàn luôn hiện hữu với người và phương tiện tham gia giao thông.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load