Thứ ba 05/11/2024 07:19 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Xe buýt nhanh BRT: Đầu tư nghìn tỷ nhưng không đạt hiệu quả như kỳ vọng

19:09 | 06/04/2021

(Xây dựng) - Xe buýt nhanh BRT là một trong ba hợp phần của Dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội được phê duyệt với tổng vốn đầu tư cả nghìn tỷ đồng, nhằm kỳ vọng sẽ giải bài toán ùn tắc giao thông. Nhưng kể từ khi vận hành vào năm 2017, nhiều tuyến buýt nhanh vẫn vắng khách, trong khi chiếm dụng hạ tầng giao thông lớn, điều này khiến dư luận cho rằng dự án không đạt hiệu quả, gây lãng phí.

xe buyt nhanh brt dau tu nghin ty nhung khong dat hieu qua nhu ky vong
Ngay từ khi bắt đầu, tuyến buýt nhanh BRT đã gây ra nhiều hệ lụy, bất cập, hiệu quả kém…kéo theo đó là hàng loạt vi phạm trong công tác khảo sát, đấu thầu, thi công, đầu tư dự án.

Khởi công xây dựng từ năm 2013 và đưa vào sử dụng từ năm 2017, dự án BRT Hà Nội có lộ trình Bến xe Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa với tổng chiều dài khoảng 14,7km và chiều rộng mặt đường dành riêng cho loại hình này là khoảng 3,75m gồm 21 nhà chờ xe buýt nằm trên dải phân cách giữa đường. Trên các tuyến phố trong lộ trình sẽ có làn đường chỉ dành riêng cho xe buýt nhanh. Thế nhưng, sau 4 năm đi vào sử dụng cùng cả trăm triệu USD được đổ vào, ngoài việc “chiếm dụng” 1/3 diện tích đường, buýt nhanh BRT thuộc Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư được đánh giá là thất bại, kém hiệu quả, không phù hợp với thực tế, không đáp ứng như kỳ vọng.

Bày tỏ quan điểm về làn đường xe buýt nhanh BRT, anh Nguyễn Tuấn Anh (27 tuổi, sinh sống tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông) cho biết: Tuyến đường giao thông Lê Văn Lương - Tố Hữu có mật độ giao thông lớn. Vì vậy, việc dành riêng 1 làn đường BRT gây ra lãng phí và không mang lại hiệu quả bởi lượng người tham gia giao thông đông trong khi người sử dụng xe BRT không phải là nhiều.

Còn anh Lê Trọng Đức (35 tuổi), sinh sống trên đường Lê Văn Lương chia sẻ: Tuyến xe buýt nhanh này được sử dụng trên phần đường cũ, vốn đã nhỏ hẹp, thường xuyên ùn tắc. Từ khi có BRT thì việc ùn tắc trên tuyến đường này càng trở nên trầm trọng khiến người tham gia giao thông khốn khổ vì một bên thì ùn ứ, một bên thì lại quá thông thoáng nên các phương tiện xe máy đi lại vào làn BRT vẫn rất nhiều, đặc biệt, vào những giờ cao điểm.

Trước đó, Kết luận số 1468/KL-TTCP ngày 4/9/2018 của Thanh tra Chính phủ về dự án xe buýt nhanh BRT đã chỉ ra nhiều sai phạm cần làm rõ. Trong đó có việc đầu tư của dự án chưa đồng bộ, chưa tạo ra các lợi ích nhằm khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện vận tải công cộng, như các nhà chờ, cầu vượt cho người đi bộ chưa thuận tiện cho người sử dụng, một số nhà chờ chưa có cầu vượt đi bộ để tiếp cận, cầu vượt đi bộ chưa hỗ trợ cho người khuyết tật.

Xe buýt BRT được bố trí làn đường riêng chiếm 1/3 mặt cắt ngang của các trục đường hiện có nhưng tốc độ chưa đạt yêu cầu, trong khi hiện trạng lưu lượng giao thông trên tuyến rất lớn, nên thường xuyên gây ùn tắc trong giờ cao điểm. Thanh tra Chính phủ nhận định, dù được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng dự án chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, chưa đạt mục tiêu đề ra để hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và từng bước nâng cao chất lượng của thành phố.

Kết quả thanh tra cho thấy, Hợp phần BRT khởi công chậm 6 năm so với thời gian phê duyệt và sau 9 năm (hoàn thành 31/12/2016) mới hoạt động. Giá trị nghiệm thu, thanh toán cho toàn bộ Hợp phần là hơn 706 tỷ đồng; tổng giá trị đã thanh toán là 657,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra sai phạm liên quan tới tài chính ở các gói thầu kiểm tra trong hợp phần I - xe buýt nhanh BRT thuộc dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội. Tổng số tiền sai phạm là 43.570,77 triệu đồng, gồm: Gói thầu 04/BRT-TB (BRT CP08), bao gồm: số tiền 42.405,65 triệu đồng do Công ty Cổ phần Thiên Thành An xuất bán cho chủ đầu tư đối với 35 xe buýt BRT, giá trị chênh lệch tăng nhưng không chứng minh được khối lượng công việc thực hiện. Số tiền 206,83 triệu đồng đối với đơn giá dịch vụ kiểm sữa xe (mục chi phí tiền ăn, thuê xe,…) do Chủ đầu tư thanh toán cho Nhà thầu vượt so với hợp đồng đã ký, không đúng quy định.

Gói thầu Old/BRT-XL (BRT CP4d), số tiền 625,91 triệu đồng, bao gồm: Dự toán được duyệt tại Quyết định số 2224/QĐ-SGTVT ngày 29/10/2015 áp đơn giá vật liệu sai thời điểm, làm tăng giá trị là 79,6 triệu đồng; thiếu sót trong công tác lập, thẩm tra, phê duyệt dự toán điều chỉnh trạm biến áp phê duyệt tại Quyết định số 1368/QĐ- SGTVT ngày 20/10/2014 làm tăng chi phí phần vỏ máy và vận chuyển máy phát điện không đúng 26,48 triệu đồng; 102,59 triệu đồng tiền đắp cát K95; 417,24 triệu đồng tiền không thực hiện bu lông, kích dầu.

Số tiền 332,38 triệu đồng đối với khoản mục chỉ phí huy động, giải thể công trường trong dự toán 07 gói thầu xây lắp (BRT CP4a, CP4b, CP4c, CP4d, CP4e, CP4f, CP4k) do lập không đúng quy định.

Thanh tra Chính phủ xác định, trách nhiệm đối với những sai phạm nêu trên thuộc: UBND Thành phố Hà Nội, Sở Giao thông vận tải, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng Công trình Giao thông Hà Nội, Tư vấn thiết kế.

Tới tháng 5/2020, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 70/TB-VPCP ngày 25/5/2020 thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc họp cho ý kiến về kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực tại Thông báo số 07/TB-VPCP ngày 5/1/2019 về Kết luận thanh tra một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn vốn vay; việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại Thành phố Hà Nội giai đoạn 2003-2016.

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện Thông báo số 07/TB-VPCP cho thấy, còn một số nội dung chưa được Thanh tra Chính phủ báo cáo theo chỉ đạo và một số nội dung mà các Bộ, ngành đề nghị Thanh tra Chính phủ tiếp tục bổ sung làm rõ.

Theo đó, nổi cộm trong số các công trình hạ tầng để xảy ra nhiều sai sót nhất là hợp phần I - xe buýt nhanh BRT thuộc dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, do Sở GTVT Hà Nội làm Chủ đầu tư. Tại gói thầu CP08 - đoàn xe BRT (cung cấp 35 xe buýt), Thanh tra Chính phủ phát hiện, chủ đầu tư đã bổ sung các thiết bị vào gói thầu này với tổng giá trị 17,68 tỷ đồng mà không tổ chức đấu thầu, chỉ ký phụ lục hợp đồng bổ sung với nhà thầu, vi phạm Điều 22, Luật Đấu thầu 2013 và Điều 101, Luật Xây dựng (2014) về điều kiện được chỉ định thầu.

Có thể thấy, hàng loạt những sai phạm, bất cập tại Dự án xe buýt nhanh BRT Hà Nội được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ nhưng đến nay, dư luận vẫn chưa rõ hình thức xử lý kỷ luật, trách nhiệm cá nhân của các cán bộ, công chức có liên quan đến những sai phạm này.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.

Khánh Hòa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load