Chủ nhật 12/01/2025 18:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long

22:49 | 29/11/2020

(Xây dựng) – Tại Hội nghị báo cáo và tham vấn Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới tổ chức tại thành phố Cần Thơ, nhằm thảo luận các vấn đề lớn, có tính chiến lược phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho giai đoạn phát triển dài hạn với tầm nhìn đến năm 2050; vấn đề quy hoạch và xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng đã được nhiều ngành, địa phương quan tâm.

xay dung ha tang giao thong duong bo tao dong luc thuc day phat trien kinh te xa hoi vung dong bang song cuu long
Bản đồ Quy hoạch mạng lưới giao thông vận tải vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Giao thông vận tải đang bị nghẽn

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là miền sông rạch chằng chịt, qua sông phải lụy đò. Sông nước đã mang phù sa cho những cánh đồng lúa bạt ngàn, bốn mùa cây trái trĩu quả và tôm cá đầy ghe… nhưng cũng là bất lợi cho giao thông đường bộ. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% trái cây các loại, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy hải sản xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay, khoảng 70% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn thực hiện thông qua chủ yếu cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Hiện nay, mạng lưới giao thông đường bộ các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tổng chiều dài khoảng 44.352km, trong đó, quốc lộ 2.173km, đường tỉnh dài 3.450km, đường đô thị dài 2.211km và đường giao thông nông thôn dài khoảng 36.518km.

Trong những năm qua, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã nhiều nỗ lực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông vận tải nhưng vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển của vùng nên còn nhiều bất cập. Chiều dài đoạn tuyến cao tốc trong vùng chỉ hơn 40km (đạt 28% chỉ tiêu quy hoạch đến năm 2020), mật độ cao tốc đạt 0,2km/100.000 dân là thấp so với các vùng trong toàn quốc, chỉ cao hơn khu vực Tây Nguyên.

Các tuyến trục dọc chưa hỗ trợ Quốc lộ 1 giảm tải như: Tuyến N1 chưa đảm bảo điều kiện khai thác; tuyến N2 chưa thông xe; tuyến Quốc lộ 50, Quốc lộ 60 do hiện nay cầu Rạch Miễu chỉ có 02 làn xe nên vào các dịp cao điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc, cầu Đại Ngãi chưa được đầu tư xây dựng nên vẫn phải lưu thông qua phà; chưa có cao tốc kết nối đến trung tâm vùng, tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau hiện mới đưa vào khai thác đoạn Thành phố Hồ Chí Minh -Trung Lương, đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận dự kiến hoàn thành xây dựng vào cuối năm 2020.

Hệ thống đường nội vùng (đường tỉnh, đường huyện…) với khoảng 60-70% số tuyến chưa đạt về cường độ yêu cầu và tiêu chuẩn đường vào cấp quy hoạch. Hệ thống đường bộ kết nối đối ngoại đến các cửa khẩu chưa hoàn chỉnh, đồng bộ để đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa liên vận quốc tế. Kết nối giao thông đường bộ với hệ thống cảng biển, cảng thủy nội địa còn nhiều hạn chế. Kết nối đường bộ đến các vùng sản xuất, vùng nguyên liệu còn yếu do mặt cắt ngang hệ thống giao thông địa phương nhỏ hẹp, còn tồn tại nhiều cầu yếu.

Thực trạng giao thông đường bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều bất cập và hạn chế như vậy là điểm nghẽn lớn cho vận tải hành khách và hàng hóa. Điều đó cũng là rào cản cho sự phát triển nông thủy sản hàng hóa vốn là tiềm năng thế mạnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chi phí vận tải nhiều làm giảm sức cạnh tranh hàng hóa nông thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long như nút thắt cổ chai. Đây không chỉ hiện nay mà từ nhiều năm trước giao thông đường bộ nơi đây trong tình trạng như vậy. Hơn 10 năm trước, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam trong một lần đến thành phố Cần Thơ tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đã phân tích cho rằng: “Mặc dù, Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng lợi thế về nông nghiệp và thủy sản nhưng trong nhiều năm qua vùng này chưa phát triển xứng tầm và hấp dẫn nhà đầu tư chính là cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long như nút thắt cổ chai. Cơ sở hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, làm hạn chế khai thác tiềm năng và thế mạnh ở đây”.

Kết nối huyết mạch giao thông tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

Theo Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 18/01/2010, của Thủ tướng Chính phủ đã xác định một số ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường bộ tại khu vực trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang đề xuất đầu tư 7 dự án tuyến đường bộ cao tốc với vốn đầu tư gần 65.000 tỷ đồng.

Theo Khung định hướng phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, định hướng phát triển hệ thống vận tải điểm cuối đều kết nối với vùng Thành phố Hồ Chí Minh thông qua tuyến cao tốc Trung Lương-thành phố Hồ Chí Minh. Tuyến đường này hiện nay đã bị ách tắc nghiêm trọng và có nguy cơ gia tăng mức độ nghiêm trọng trước sức ép tăng trưởng chung và các định hướng hiện nay về phát triển hệ thống đường cao tốc.

Vì vậy, hướng phát triển trong thời gian tới là ưu tiên nâng cấp tuyến Trung Lương - Thành phố Hồ Chí Minh và tiến tới xây dựng bổ sung một đường cao tốc khác có thể từ Cần Thơ - Bến Tre - Thành phố Hồ Chí Minh để giảm tải. Theo các Quy hoạch đã được duyệt liên quan đến phát triển giao thông vận tải vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Giao thông Vận tải xây dựng mạng lưới giao thông vận tải vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vẫn tập trung phát triển trên cơ sở hoàn thiện các hành lang vận tải trên hai hướng trục dọc và trục ngang.

Mạng đường bộ theo các hành lang trục ngang kết nối vùng với Thành phố Chí Minh là: Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau dài 260km, quy mô 6 làn xe; đoạn thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương mở rộng 8 làn xe. Cao tốc N2, điểm đầu tại Đức Hòa (Long An), điểm cuối Rạch Sỏi (Kiên Gang) dài 208km, quy mô 4 làn xe. Cao tốc Nhà Bè (Thành phố Hồ Chí Minh) - Mỹ Tho (Tiền Giang) - Bến Tre - Trà Vinh dài 104km, quy mô cấp IV, 4 làn xe. Quốc lộ 1 dài 334km từ thành phố Hồ Chí Minh tới Cà Mau, quy mô 4 làn xe toàn tuyến. Tuyến duyên hải ven biển phía Đông gồm 02 quốc lộ là Quốc lộ 50. Quốc lộ 60 dài 204km quy mô cấp III, 2 làn xe. Tuyến đường bộ ven biển dài 750km từ thành phố Hồ Chí Minh tới Kiên Giang, quy hoạch cấp IV đồng bằng và khai thác gián đoạn trên các đoạn tuyến địa phương.

Mạng đường bộ theo các hành lang trục dọc kết nối vùng với các cửa khẩu quốc tế, như: Cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh, điểm đầu tại Hồng Ngự (Đồng Tháp) điểm cuối tại Trà Vinh, dài 190km quy mô 4 làn xe. Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, điểm đầu tại Châu Đốc (An Giang), điểm cuối tại thành phố Sóc Trăng, dài 215km, quy mô 4 làn xe. Cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, điểm đầu tại cửa khẩu Hà Tiên (Kiên Giang), điểm cuối tại thành phố Bạc Liêu, dài 205km, quy mô 4 làn xe. Quốc lộ 62 kết nối cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, dài 135km, tiêu chuẩn cấp III, 2 làn xe. Quốc lộ 30 và 57 kết nối cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, dài 223km, tiêu chuẩn cấp III, 2 làn xe. Quốc lộ 53, dài 177km, tiêu chuẩn cấp III, 2 làn xe. Quốc lộ 54, dài 148km, tiêu chuẩn cấp III, 2 làn xe. Quốc lộ 91, 91B, 91C, kết nối cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, Khánh Bình, với tổng chiều dài 341km, tiêu chuẩn cấp III, 2 làn xe, riêng đoạn Quốc lộ 91 từ Cần Thơ đến cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên qui mô 4-6 làn xe. Quốc lộ 80 và 63 kết nối cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, dài 331km, tiêu chuẩn cấp III, 2-4 làn xe.

Theo đó, cao tốc kết nối Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau cần được ưu tiên triển khai và nâng cấp, mở rộng; cao tốc kết nối Rạch Giá - Mỹ An đã triển khai xây dựng, riêng đoạn Cao Lãnh - Mỹ An đã có chủ trương và nhà đầu tư; cao tốc kết nối phía Nam sông Hậu, Châu Đốc - Sóc Trăng là đường giao thông quan trọng kết nối những khu vực đông dân nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cũng là những khu vực có tiềm lực nhất. Riêng đoạn Cần Thơ - Sóc Trăng, mặc dù có mật độ dân cư thưa thớt nhưng có nền đất tương đối ổn định và không gây ảnh hưởng lớn đến luồng nước và cho phép Sóc Trăng có được cơ hội cần thiết để phát triển trở thành một thủ phủ về văn hóa các dân tộc và vị trí trung tâm đầu mối quan trọng về thủy sản.

Bổ sung đường giao thông kết nối Nam Cần Thơ - Trà Vinh - Bến Tre - Long An -cảng Hiệp Phước và cảng Cái Mép - Thị Vải; bổ sung đường giao thông kết nối Trung Lương - Long An để giảm tải cho cao tốc Trưng Lương - Thành phố Hồ Chí Minh; nâng cấp Quốc lộ 1A, 60 chạy dài dọc khu vực ven biển phía Đông, kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh để giảm tắc nghẽn cho đoạn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, tăng cường kết nối, lưu thông tại khu vực cửa ngõ vào Thành phố Hồ Chí Minh.

xay dung ha tang giao thong duong bo tao dong luc thuc day phat trien kinh te xa hoi vung dong bang song cuu long
Bản đồ trục ngang, trục dọc giao thông vận tải vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Liên danh tư vấn Royal Haskoning DHV&GIZ.

Theo dự báo của đơn vị Liên danh tư vấn Royal Haskoning DHV&GIZ cho Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tốc độ tăng trưởng vận tải hàng hóa bình quân thời kỳ 2021-2030 từ 5,7-7,7%/năm và tốc độ tăng trưởng vận tải hành khách bình quân tăng 5,5%-7%/năm. Liên danh tư vấn Royal Haskoning DHV&GIZ cho rằng: Dự báo nhu cầu vận tải vùng xây dựng trên cơ sở dự báo nhu cầu giao thông vận tải trên mạng giao thông quốc gia và hành lang liên kết vùng. Các thông số đầu vào phục vụ công tác dự báo ngoài tốc độ tăng trưởng kinh tế, quy mô dân số còn dựa trên cơ sở dự báo phát triển của các mặt hàng trong vùng như lúa gạo, thủy sản, hoa quả, phân bón, thức ăn chăn nuôi…

Hệ thống đường bộ không thể đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng lớn trong tương lai. Liên danh tư vấn này đề xuất giai đoạn sau 2030 cần nghiên cứu hình thành cửa ngõ mới cho hàng hóa xuất nhập khẩu trong vùng tránh phụ thuộc và gia tăng áp lực quá mức lên hành lang Cần Thơ – Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, giai đoạn 2021-2030, sẽ tập trung ưu tiên đầu tư cho các nhánh trên của hai hành lang trung tâm kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau; tuyến N2 Đức Hòa - Mỹ An - Cao Lãnh; cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu ưu tiên đoạn Rạch Giá - Hà Tiên….

Kỳ vọng, từ nay đến 2030 hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng xong để các huyết mạch giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trục ngang, trục dọc được kết nối thông thương. Đó là điểm tựa, động lực để vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể cất cánh vươn lên giàu có xứng tầm là vùng đất giàu lợi thề tiềm năng.

Huỳnh Biển

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load