Thứ năm 02/05/2024 23:51 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Xây dựng đô thị Hà Nội hiện đại, thông minh, lan toả, tạo liên kết vùng

16:04 | 09/10/2023

(Xây dựng) - Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011. Sau hơn mười năm triển khai thực hiện, diện mạo đô thị Hà Nội có nhiều thay đổi, khang trang, hiện đại; vị thế của Thủ đô ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, quá trình triển khai quy hoạch chung đã bộc lộ những hạn chế. Vì vậy, việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội là rất cần thiết nhằm xây dựng đô thị hiện đại, thông minh, lan toả, tạo liên kết vùng.

Xây dựng đô thị Hà Nội hiện đại, thông minh, lan toả, tạo liên kết vùng
Phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị.

Nhu cầu thực tiễn và nhiệm vụ cần thiết

Ngày 16/6/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 700/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, trong đó nhấn mạnh, Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cần bám sát các Nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quy hoạch đặt ra mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa cho cả Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm phía bắc; có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa. Mô hình phát triển không gian theo chùm đô thị, trong đó có các đô thị vệ tinh được giữ nguyên, nhưng cần xác định xây dựng hai thành phố trong Thủ đô làm động lực phát triển khu vực phía Bắc và phía Tây.

Việc lập và điều chỉnh quy hoạch Thủ đô lần này cũng xuất phát từ thực tế, sau hơn 10 năm thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, mặc dù diện mạo Thủ đô đã có nhiều thay đổi, cảnh quan ngày càng khang trang, hiện đại… nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế như: Đồ án quy hoạch chưa phát huy được vai trò, vị thế, tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô Hà Nội trong Vùng Thủ đô; Quy mô dân số đã vượt ngưỡng dự báo; Tỷ lệ đô thị hóa đạt thấp, chất lượng phát triển đô thị chưa đồng đều dẫn đến những khó khăn trong việc phân bố, điều tiết, quản lý và kiểm soát dân cư; Tiến độ triển khai các đô thị vệ tinh theo quy hoạch còn chậm; Kết cấu hạ tầng đô thị chưa theo kịp nhu cầu phát triển đô thị, tính đồng bộ chưa cao. Ngoài ra, việc tạo lập khu vực "hành lang xanh" với tỷ lệ 70% quỹ đất toàn thành phố đã tạo nên những giới hạn của sự phát triển đô thị…

Do đó, việc nghiên cứu, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trước mắt và lâu dài là rất cần thiết.

Nhìn nhận vai trò đặc biệt quan trọng của công tác quy hoạch, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội luôn coi việc lập quy hoạch và quản lý quy hoạch là công việc thường xuyên, là nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố. Thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu lập đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy trình, quy định của Luật Quy hoạch 2017, Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật Xây dựng 2014 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 383/TTg-CN ngày 26/3/2021.

Quan điểm của thành phố đối với việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phải đảm bảo định hướng "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; Đồng thời, phải khai thác được hiệu quả các điều kiện tự nhiên; Giữ gìn bản sắc văn hóa; Từng bước nâng cao chất lượng đô thị và nông thôn; Đồng bộ giữa xây dựng mới và cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; Hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; Đảm bảo an ninh quốc phòng.

Phát huy hiệu quả mọi nguồn lực xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; Tập trung ưu tiên các dự án hạ tầng giao thông và hạ tầng số theo các chiến lược, mô hình phát triển kinh tế Thủ đô và của vùng Thủ đô.

“Thành phố trong thành phố”

Thông tin về tiến độ lập điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy (đơn vị tổ chức lập điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô) cho hay, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô vào tháng 6/2023, Viện đã tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn và đến nay đã lựa chọn được đơn vị tư vấn lập điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô là Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng). Đây cũng là đơn vị nằm trong liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô, điều này có thuận lợi đảm bảo tính đồng bộ, xuyên suốt giữa hai quy hoạch lớn Hà Nội đang xay dựng. Trước khi lựa chọn được đơn vị tư vấn Viện cùng với Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã tổ chức nghiên cứu, rà soát, đánh giá và đã có báo cáo Thường trực, Ban thường vụ và Ban chấp hành Đảng bộ TP về những định hướng lớn cho phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới. Đồng thời báo cáo HĐND TP về những định hướng về phát triển không gian, hạ tầng kỹ thuật khung của TP.

“Những định hướng chính cơ bản của đồ án điều chỉnh là hình thành sân bay thứ hai ở phía Nam Thủ đô; hình thành hai thành phố trực thuộc Thủ đô; hình thành 5 trục không gian cảnh quan chính của Thủ đô; phát triển khu vực đô thị phía Tây Vành đai 4; rà soát lại các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái; hệ thống hạ tầng dặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông…”- ông Lưu Quang Huy cho hay.

Hà Nội định hướng phát triển hai thành phố trực thuộc Thủ đô là: Thành phố Bắc sông Hồng là thành phố logistics, dịch vụ (khu vực Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh), thành phố phía Tây Hà Nội là thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học (khu vực Hòa Lạc - Xuân Mai).

Thành phố phía Bắc sẽ là một đô thị quy mô lớn, rộng hơn 350km2, khoảng 2 triệu dân đến năm 2030. Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh đều có tiềm năng kinh tế, lao động, cảnh quan đa dạng sẽ là động lực phát triển cho Hà Nội nhưng hiện tốc độ đô thị hóa diễn ra rất chậm

Thành phố phía Tây sẽ là đô thị khoa học công nghệ sầm uất với điểm nhấn là khu công nghệ cao Hòa Lạc. Các trường đại học, doanh nghiệp công nghệ cũng đang dịch chuyền về đây, tạo nên sự hấp dẫn cho đô thị này.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng thể hiện quan điểm nhất trí với cấu trúc đô thị gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh cùng mô hình “thành phố trong thành phố”. “Đô thị vệ tinh phải có đầy đủ cấu trúc của một đô thị để người dân an tâm sinh sống”, ông Hùng nhấn mạnh. Rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Quy hoạch chung năm 2011, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng lưu ý đến khâu tổ chức thực hiện quy hoạch với việc cân đối, bố trí nguồn lực, thời gian thực hiện hợp lý cũng như tính pháp lý cho các mô hình phát triển mới.

Xây dựng đô thị Hà Nội hiện đại, thông minh, lan toả, tạo liên kết vùng
Sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hoà hai bên sông của Hà Nội.

Cùng với đó là 5 trục không gian chính: Trục không gian sông Hồng, lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, thay đổi quan điểm phát triển theo hướng quay mặt ra sông thay vì quay lưng ra sông như hiện nay; Trục không gian Hồ Tây - Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh; Trục không gian Hồ Tây - Cổ Loa xác lập không gian kiểm soát đặc biệt là tổ hợp các khu chức năng công cộng gắn với các công trình biểu tượng; Trục không gian Nhật Tân - Nội Bài là trục đô thị thông minh; Trục không gian phía Nam kết nối không gian sinh thái với cụm du lịch tâm linh tại Mỹ Đức và Hà Nam…

Đối với việc hình thành sân bay thứ hai, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam TS. KTS Phan Đăng Sơn cho rằng: Việc xây dựng sân bay thứ hai cho Hà Nội cần dứt khoát thực hiện. Hà Nội nên lựa chọn sớm, xác định chính xác, cụ thể vị trí đặt sân bay cũng như khoanh vùng khu vực xây dựng đô thị sân bay tại đồ án Quy hoạch trình lên Chính phủ duyệt trong thời gian tới.

Khánh Hòa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load