(Xây dựng) - Ngày 22/4, Hội thảo tham vấn về: “Xây dựng có trách nhiệm – Con đường dẫn đến hoạt động xây dựng xanh, bền vững và minh bạch theo hướng dẫn và thông lệ quốc tế” được Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC - Bộ Xây dựng) phối hợp với Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tổ chức tại Hà Nội.
TS. Trần Hữu Hà – Giám đốc Học viện AMC nhấn mạnh mục tiêu của Hội thảo. |
Ngành Xây dựng giữ một vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Sau hơn 60 năm phát triển, Ngành đã có những bước tiến mới theo hướng hiện đại, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị đất nước. 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng ngành Xây dựng bình quân đạt 8,5% - 8,7%/năm. Tuy vậy, ngành Xây dựng cần luôn đặt mục tiêu phát triển bền vững. Hiện nay, theo xu hướng của toàn cầu, việc xem xét các hoạt động kinh doanh không chỉ ở khía cạnh kinh tế mà cả các khía cạnh xã hội và môi trường đang ngày càng được áp dụng rộng rãi trong ngành Xây dựng, cũng như tất cả các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ kinh doanh liên quan.
Tại Hội thảo, TS. Trần Hữu Hà – Giám đốc Học viện AMC nhấn mạnh: Mục tiêu của Hội thảo nhằm có ý tưởng xây dựng Hệ thống hướng dẫn đánh giá trách nhiệm xã hội cho ngành Xây dựng ở Việt Nam phù hợp với luật pháp và tình hình thực tiễn. Việc thu thập ý kiến, kinh nghiệm và đề xuất từ các chuyên gia trong Hội thảo hôm nay đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Thông tin đầu vào và kết quả của Hội thảo mang tính tương tác cao sẽ trở thành một phần trong báo cáo nghiên cứu và cuối cùng sẽ hướng dẫn các chuyên gia trong nước và AMC thực hiện các bước tiếp theo.
Ông Nguyễn Công Thịnh nêu rõ quan điểm, định hướng phát triển ngành Xây dựng bền vững. |
Ông Nguyễn Công Thịnh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) nêu rõ quan điểm, định hướng phát triển ngành Xây dựng bền vững. Các chuyên gia tại Hội thảo cùng trao đổi về ý tưởng, nguyên tắc, lợi ích và ý nghĩa của xây dựng có trách nhiệm; Phân tích trực quan về hiện trạng của ngành Xây dựng Việt Nam; Tham vấn tương tác có hướng dẫn theo nhóm (luân phiên) về 6 chủ đề chính như: Môi trường, Thực hành lao động, Quản trị, Điều hành công bằng, Các vấn đề về người tiêu dùng và Phát triển cộng đồng.
Bà Lê Thị Thanh Thảo – đại diện Quốc gia của UNIDO tại Việt Nam khẳng định tầm quan trọng của phương pháp tiếp cận đa chiều để đạt được sự phát triển bền vững. |
Hiện nay, nhận thức, năng lực và khả năng áp dụng phương pháp tiếp cận đa chiều như vậy có thể được coi là khá hạn chế trong ngành Xây dựng. UNIDO hiện đang thực hiện một nghiên cứu về thực tiễn xây dựng có trách nhiệm ở Việt Nam. Bà Lê Thị Thanh Thảo – Đại diện Quốc gia của UNIDO tại Việt Nam khẳng định: “Tầm quan trọng của phương pháp tiếp cận đa chiều để đạt được sự phát triển bền vững là trọng tâm của buổi Hội thảo về xây dựng có trách nhiệm. Việc cung cấp các loại vật liệu xây dựng, quy trình lập kế hoạch, quá trình xây dựng, bảo trì… đều cần một cách tiếp cận có trình tự và đầy đủ các hướng dẫn để các bên thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của mình”.
Ông Florian Beranek - Chuyên gia Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) cho rằng: Doanh nghiệp cần nhìn nhận kinh doanh không chỉ ngày hôm nay mà còn cả ngày mai. |
Các tổ chức trên toàn thế giới ngày càng nhận thức rõ về nhu cầu và lợi ích của hành vi trách nhiệm xã hội, với mục tiêu là đóng góp vào sự phát triển bền vững. Ông Florian Beranek - Chuyên gia Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) cho rằng: “Doanh nghiệp cần nhìn nhận kinh doanh không chỉ ngày hôm nay mà còn cả ngày mai. Họ cần nhìn nhận vào những mong muốn của khách hàng, các ngân hàng, nhà cung ứng để làm sao để sản phẩm có tính bền vững, đem lại sự hài lòng cho khách hàng”. Ở Việt Nam, một số doanh nghiệp trong nước và quốc tế cũng đang hướng tới việc thực hiện trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể nên rất khó để đánh giá xếp hạng trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp xây dựng. Vì vậy, nếu có hướng dẫn chi tiết và thang điểm đánh giá sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội và kết quả xếp hạng có thể được coi là một tiêu chí đánh giá năng lực doanh nghiệp.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Việc thu thập ý kiến, kinh nghiệm và đề xuất từ các chuyên gia đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Thông tin đầu vào và kết quả của Hội thảo tham vấn về: “Xây dựng có trách nhiệm – Con đường dẫn đến hoạt động xây dựng xanh, bền vững và minh bạch theo hướng dẫn và thông lệ quốc tế” mang tính tương tác cao, sẽ trở thành một phần trong báo cáo nghiên cứu. Đây chính là việc cải thiện tính bền vững, minh bạch, khả năng áp dụng các nguyên tắc và thực tiễn về hiệu quả tài nguyên và kinh tế tuần hoàn để giảm phát thải (ở cả quá trình xây dựng và vận hành các tòa nhà), quan hệ lao động, sức khỏe và an toàn lao động, Tiếp cận với tài chính và đầu tư, thương hiệu và hình ảnh trong ngành Xây dựng.
Lê Hảo
Theo