Thứ sáu 19/04/2024 00:08 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Xây dựng chung cư xanh tại Việt Nam: Khó khăn nhiều hơn thuận lợi

14:39 | 23/02/2022

(Xây dựng) – Hiện nay, việc xây dựng các công trình xanh tại những quốc gia đang phát triển như Việt Nam vẫn còn nhiều trở ngại. Áp lực rất lớn từ nhiệm vụ phát triển kinh tế sẽ khiến việc phát triển công trình xanh bền vững phải đối mặt với nhiều thách thức.

xay dung chung cu xanh tai viet nam kho khan nhieu hon thuan loi
Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển công trình xanh, nhưng thiếu quy định cụ thể về định mức kinh tế kỹ thuật của công trình và khuyến khích sự tham gia của các nguồn lực xã hội.

Chính sách nhiều, nhưng thiếu quy định cụ thể

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống chính sách tương đối đầy đủ và toàn diện về phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng, bao gồm: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010 và các văn bản hướng dẫn; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh năm 2014; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”...

Những chính sách của Chính phủ đã và đang góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển công trình xanh tại Việt Nam. Từ năm 2020, Bộ Xây dựng đã tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật nhằm cụ thể hóa các chính sách để thúc đẩy phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh; nghiên cứu hướng dẫn nội dung về phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh để hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng bổ sung một số quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ths.KTS Lê Thị Lan Phương đến từ Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng), hầu hết các chính sách mới chỉ dừng lại ở việc đưa ra những chủ trương, chiến lược mà thiếu đi những quy định cụ thể. Đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với việc đầu tư phát triển nhà cao tầng xanh.

Hiện nay, chưa có văn bản chính thức nào quy định rõ ràng các chính sách nhằm khuyến khích các nguồn lực xã hội tham gia phát triển nhà ở cao tầng xanh; định mức kinh tế kỹ thuật của công trình chung cư xanh.

Mặt khác, các tiêu chuẩn của Việt Nam liên quan đến công trình xanh nói chung, và chung cư xanh nói riêng vẫn chưa được hoàn thiện. Những nghiên cứu về chung cư xanh tại Việt Nam hỗ trợ cho việc xây dựng các chính sách, tiêu chuẩn, bộ tiêu chí và các hướng dẫn xây dựng liên quan đến nhà ở cao tầng xanh đều là những nghiên cứu lý thuyết, định tính.

Trong khi đó, các nhà cao tầng xanh bao gồm rất nhiều yếu tố kỹ thuật. So sánh với các quốc gia khác trên thế giới, Chính phủ nhiều nước đã xây dựng được hệ thống văn bản pháp lý, chặt chẽ, cụ thể để phát triển công trình xanh nói chung và nhà ở cao tầng xanh nói riêng.

Thách thức từ bài toán lợi ích kinh tế

Tính kinh tế là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định thực hiện công trình xanh của các bên liên quan.

Hiện nay, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, chung cư xanh sử dụng công nghệ cao sẽ đồng nghĩa chi phí cao. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại nhận định, nhà ở cao tầng xanh có thể đóng góp đáng kể vào việc tiết kiệm năng lượng và chi phí, đồng thời mang lại công trình xây dựng thân thiện với môi trường.

Tại Việt Nam, lợi ích kinh tế là một thách thức rất lớn đối với các chủ đầu tư. Vì Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ đủ mạnh nên khi chủ đầu tư muốn xây dựng công trình xanh, họ sẽ phải đối mặt với bài toán kinh tế không hề dễ dàng. Theo khảo sát ý kiến các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam, chi phí đầu tư xây dựng công trình xanh sẽ tăng lên khoảng 1,5% so với các tòa nhà thông thường có cùng quy mô.

Tuy nhiên, giá trị mà công trình xanh mang lại sẽ là chi phí vận hành giảm, sự hài lòng của khách hàng và nâng cao giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, một thuận lợi khác trong việc phát triển chung cư xanh là người dân ở các đô thị lớn ngày càng ý thức được tầm quan trọng của môi trường sống bền vững và sẵn sàng trả giá cao hơn cho những căn hộ thân thiện với môi trường. Những khu nhà ở được thiết kế tiệm cận với xu hướng kiến trúc xanh vẫn giữ được thương hiệu và ngày càng tăng giá trị.

xay dung chung cu xanh tai viet nam kho khan nhieu hon thuan loi
Lợi ích kinh tế là một thách thức rất lớn đối với các chủ đầu tư công trình xanh tại Việt Nam.

Bộ công cụ đánh giá công trình xanh còn rườm rà

Kể từ khi hệ thống đánh giá công trình xanh đầu tiên BREEAM được ban hành vào năm 1990 đến nay, hơn 40 hệ thống đánh giá công trình xanh đã được phát triển bởi các Chính phủ, hoặc bên thứ ba với mục đích thúc đẩy các tòa nhà bền vững.

Các quốc gia phát triển hệ thống đánh giá công trình xanh dựa trên nguyên tắc thích ứng với điều kiện địa phương và liên tục cập nhật chứng chỉ theo thời gian thực để đáp ứng nhu cầu phát triển của công trình.

Nhưng tại Việt Nam hiện nay, Bộ Xây dựng vẫn chưa ban hành bộ công cụ đánh giá công trình xanh, hay Thông tư hướng dẫn quy trình chứng nhận và hệ thống tiêu chí chứng nhận với hệ thống tiêu chí đánh giá công trình xanh. Hiện nay, chỉ có Hội Kiến trúc sư Việt Nam đưa ra danh hiệu Kiến trúc xanh, nhưng các tiêu chí của danh hiệu này vẫn chưa được chi tiết để trở thành một bộ công cụ đánh giá công trình xanh. Điều này đồng nghĩa rằng chưa có một tổ chức chính thống của Chính phủ xây dựng được bộ tiêu chí phù hợp với điều kiện, đặc trưng của nước ta.

Do vậy, Việt Nam hiện nay chỉ có chứng chỉ LOTUS là hệ thống tiêu chí công trình xanh đầu tiên được phát triển dành riêng cho thị trường xây dựng tại Việt Nam, mang tính tự nguyện và được phát triển bởi Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) - một dự án phi lợi nhuận của Green Cities Fund (California, Hoa Kỳ).

Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia đều đánh giá hệ thống các tiêu chí của LOTUS còn rườm rà hơn nhiều so với LEED, bộ công cụ đánh giá công trình xanh phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Trong đó, quy trình đăng ký, xét duyệt và cấp chứng nhận xanh theo tiêu chí của LOTUS là một quá trình kéo dài, phức tạp và tốn kém, trở thành rào cản lớn cho sự phát triển công trình xanh một cách chuyên nghiệp tại Việt Nam.

Chưa có chương trình thiết kế tích hợp

Cũng như các loại hình kiến trúc xanh khác, thiết kế chung cư xanh là một tổ hợp rất nhiều yếu tố liên quan như năng lượng, nước tuần hoàn, vật liệu xanh, đất đai, môi trường, sức khỏe con người, các chỉ số vi khí hậu trong nhà…

Nói tóm lại, đây là một quy trình thiết kế tích hợp. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có các chương trình tính toán trên máy tính được cơ quan Nhà nước thừa nhận chính thức để sử dụng cho thiết kế. Các ứng dụng phổ biến dành cho thiết kế ở nước ta hiện nay đều là những phần mềm đơn chức năng, khó có khả năng tích hợp.

xay dung chung cu xanh tai viet nam kho khan nhieu hon thuan loi
Hệ thống các tiêu chí của LOTUS còn rườm rà hơn nhiều so với LEED, bộ công cụ đánh giá công trình xanh phổ biến nhất trên thế giới hiện nay.

Do đó, các KTS và những bên liên quan thực hiện các dự án chung cư xanh sẽ phải mất nhiều thời gian và công sức hơn so với các công trình chung cư khác. Điều này có thể làm giảm sự nhiệt tình của các KTS vì phần lớn chính sách và hỗ trợ kinh tế đều dành cho giới chủ đầu tư.

Dịch Phong (Ảnh: Internet)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load