Thứ ba 05/11/2024 09:24 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030

10:27 | 16/04/2021

(Xây dựng) – Ngày 20/4, tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội thảo cuối kỳ Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2030” (Dự án) do Bộ Xây dựng (Việt Nam) phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức.

xay dung chinh sach tong the nha o xa hoi tai viet nam giai doan 2021 2030
Việc triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2030” là hết sức cần thiết, phù hợp với mục tiêu, kế hoạch của Chính phủ, hướng tới hoàn thiện các chính sách về nhà ở cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội (Ảnh: Internet).

Đây là dự án sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 848/QĐ-TTg ngày 12/7/2018. Dự án sử dụng vốn để hỗ trợ nghiên cứu xây dựng khung chính sách và bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở tại Việt Nam. Thời gian thực hiện các hoạt động của Dự án trong 3 năm (từ tháng 11/2018 đến tháng 11/2021).

Đánh giá về quá trình thực hiện, về cơ bản, Dự án đã hoàn thành khoảng 90% kế hoạch được phê duyệt. Trong đó, Dự án đã hoàn thành khảo sát và nghiên cứu về dự báo nhu cầu nhà ở cho các hộ gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021 – 2030;

Hoàn thành các dự thảo báo cáo của 3 hợp phần bao gồm: Đánh giá thực trạng nhà ở xã hội của các hộ gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp; Xây dựng các chính sách nhà ở xã hội tại Việt Nam cho các nhóm đối tượng mục tiêu là các hộ gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị hoặc công nhân khu công nghiệp thông qua các bài học từ kinh nghiệm quốc tế; Hoàn thiện Luật Nhà ở hiện hành nhằm thúc đẩy các chính sách nhà ở xã hội được đề xuất trong Dự án.

Đồng thời, trong thời gian thực hiện các hoạt động, Dự án đã tổ chức 2 khóa đào tạo tại Hàn Quốc và nhiều cuộc hội thảo, hội nghị trong nước. Ban Quản lý dự án và các chuyên gia Hàn Quốc cũng phối hợp chặt chẽ với nhiều Bộ, ngành địa phương để tìm hiểu thực trạng, cũng như hoàn thiện các đề xuất, kiến nghị về nhà ở xã hội.

Một số kết quả nghiên cứu của Dự án đã được tham khảo để sửa đổi Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Cụ thể là điều chỉnh quy định dành quỹ đất trong dự án phát triển đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở để phát triển nhà ở xã hội (Điều 5), điều chỉnh cách thức chấm điểm thành cách thức bốc thăm trong trình tự, thủ tục mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội (Điều 20)…

Ngoài ra, một số đề xuất của tư vấn Hàn Quốc đang được tham khảo để quy định các điều kiện lựa chọn chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, cách xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội… tại Thông tư hướng dẫn Nghị định sửa đổi Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

Theo các chuyên gia của Bộ Xây dựng (Việt Nam) và KOICA (Hàn Quốc), Dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2030” sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ hoàn thiện thể chế, pháp luật về nhà ở xã hội, đồng thời nâng cao năng lực của các cơ quan hoạch định chính sách, các cấp quản lý nhà ở tại Việt Nam.

Mặt khác, Dự án này còn nhằm mục tiêu quan trọng là bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu hụt nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp; cũng như cải thiện điều kiện sống của người có thu nhập thấp và trung bình, đồng thời giúp thị trường nhà ở Việt Nam phát triển bền vững, lành mạnh...

Linh Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load