Thứ sáu 29/03/2024 16:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Xã hội hóa cấp nước: Nhà đầu tư cần thực hiện đúng cam kết

16:04 | 17/03/2021

(Xây dựng) – Để hiệu quả của chủ trương xã hội hóa cấp nước đạt như kỳ vọng, các cấp, ngành, địa phương và đặc biệt là doanh nghiệp cần thực hiện đúng cam kết đầu tư.

xa hoi hoa cap nuoc nha dau tu can thuc hien dung cam ket
Trạm cấp nước sạch xã Phùng Xá do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng nước sạch và môi trường THT là nhà đầu tư.

Cần nhà đầu tư nhưng cốt lõi chất lượng nước phải đạt chuẩn

Xã hội hóa đầu tư vào các công trình cấp nước sạch là việc làm cần thiết đối với nhiều tỉnh thành trên cả nước trong bối cảnh hiện nay, Thành phố Hà Nội cũng không phải là ngoại lệ. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, thực hiện mục tiêu xã hội hóa lĩnh vực cấp nước, Hà Nội đã kêu gọi 23 nhà đầu tư nghiên cứu triển khai 40 dự án đầu tư nước sạch, trong đó có 11 dự án phát triển nguồn, 29 dự án phát triển mạng cấp nước có khả năng phủ kín khoảng 94% địa bàn khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, tiến độ triển khai một số dự án chậm, không có đề xuất đầu tư các dự án mới trong năm 2020. Do đó, Hà Nội không hoàn thành mục tiêu về nước sạch theo Nghị quyết HĐND thành phố là phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ số người dân sử dụng nước sạch đạt 100%. Hiện, hệ thống cấp nước nông thôn hiện của Hà Nội mới có khả năng cung cấp cho khoảng 3.520.000 người dân nông thôn (880.135 hộ) tương đương 78% người dân nông thôn. Vẫn còn 170 xã (1.436.777 người tương đương 378,055 hộ) chưa được đầu tư hệ thống cấp nước tập trung, trong đó có 141 xã đã giao nhà đầu tư nhưng chưa thực hiện và 29 xã chưa có nhà đầu tư đề xuất dự án.

Cho nên, xã Hữu Bằng và Phùng Xá của huyện Thạch Thất đã có nhà đầu tư tư nhân tham gia vào lĩnh vực cấp nước sạch và người dân được sử dụng nước sạch là điều tích cực mà nhiều hộ dân ở nhiều vùng nông thôn khác của Hà Nội mong muốn nhưng chưa được đáp ứng.

Có nước sạch để dùng là điều tích cực rồi, nhưng chất lượng nước có đảm bảo đúng như cam kết của nhà đầu tư mới là yếu tố cốt lõi. Bởi, rõ ràng nhà đầu tư kinh doanh nước là phải có lãi, giá bán nước cho người dân được chính quyền địa phương phê duyệt là giá theo thị trường (có thể điều chỉnh), là giá đã tính đúng, tính đủ tất cả các chi phí để sản xuất ra nước sạch đúng quy chuẩn và bảo đảm có lãi cho nhà đầu tư.

Vì vậy, khi người dân đã phải chi tiền cho nhà đầu tư thực hiện dự án cấp nước, thì người dân có quyền đòi hỏi chất lượng nước sạch đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia theo quy định của Nhà nước và cũng đúng như là đúng cam kết của nhà đầu tư.

Tước giấy phép đầu tư nếu sai phạm tái diễn

Trở lại với 2 dự án cấp nước sạch tại xã Hữu Bằng và Phùng Xá của huyện Thạch Thất là Trạm cấp nước sạch xã Hữu Bằng do Công ty TNHH thương mại Bình Dương là nhà đầu tư và Trạm cấp nước sạch xã Phùng Xá do Công ty Cổ phầm đầu tư xây dựng nước sạch và môi trường THT là nhà đầu tư, đều sử dụng nguồn nước ngầm để sản xuất nước sạch. Nếu như, nước sạch do 2 nhà máy này cung cấp cho người dân bảo đảm đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống QCVN01:2009/BYT thì chắc chắn người dân không phê phán, kiến nghị hay muốn thay đổi nguồn cấp nước.

Tuy nhiên, trước tiên hãy nhìn lại quá trình cấp nước của 2 nhà đầu tư này thời gian vừa qua, rất nhiều lần người dân phản ánh đến chính quyền địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng, rằng chất lượng nước của 2 nhà máy không bảo đảm, nhìn bằng mắt thường đã thấy đục, bẩn… tức là bằng cảm quan người dân đã thấy nước không sạch.

Thứ hai là việc tuân thủ quy định trong quá trình sản xuất nước của các nhà đầu tư không đầy đủ theo quy định tại Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018 của Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, trong đó quy định cụ thể chế độ ngoại kiểm (do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội CDC thực hiện tối thiểu 1 lần/năm) và nội kiểm (do nhà đầu tư thực hiện)…

Và kết quả ngoại kiểm gần đây nhất của CDC Hà Nội cho thấy chất lượng nước cả 2 nhà máy này đều có chỉ tiêu Pecmanganat không đạt, yêu cầu phải khắc phục, khi chưa hoàn thành khắc phục khuyến cáo không sử dụng nước cho ăn uống.

Vậy, làm cách nào để biết chắc chắn rằng cả 2 nhà máy này đều đã khắc phục được các chỉ tiêu không đạt theo khuyến nghị của CDC Hà Nội, khi mà báo cáo nội kiểm và đặc biệt là mẫu nước để xét nghiệm do chính các nhà máy tự làm và tự lấy mẫu mang đi xét nghiệm? Đây có thể là lỗ hổng trong chính sách quản lý chất lượng nước chỉ có cơ quan chuyên môn mới có câu trả lời chính xác và có biện pháp khắc phục.

Cấp nước là hình thức kinh doanh có điều kiện, mang tính đặc thù vì ảnh hưởng rất lớn đến an toàn, sức khỏe của nhân dân. Khi đã thực hiện xã hội hóa cấp nước, Nhà nước đã ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách để bảo đảm các quy định chặt chẽ, thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình tất cả các nội dung liên quan đến quá trình đầu tư, kết quả kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch của nhà đầu như: Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007, Nghị định 124/2011/NĐ-CP ngày 24/12/2011, Nghị định số 98/2019/NĐ-CP ngày 27/12/2019 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018 của Bộ Y tế... Tuy nhiên, với những trường hợp nhà đầu tư cố tình gian dối, không tuân thủ cam kết cung cấp nước đạt quy chuẩn, cần xử phạt thật nặng thậm chí tước giấy phép đầu tư nếu sai phạm tái diễn nhiều lần.

Nhật Minh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load