Thứ ba 24/12/2024 10:43 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ: Cần tháo gỡ các nút thắt có tính vùng, liên vùng

21:33 | 16/11/2021

(Xây dựng) - Nằm trong chương trình xây dựng Báo cáo Tổng kết nghị quyết 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020”, ngày 16/11, tại Lào Cai, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh uỷ Lào Cai, Thường trực Tỉnh uỷ các tỉnh khu vực Trung du và miền núi Bắc bộ cùng với các cơ quan phát triển quốc tế tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Định hướng liên kết phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Hội thảo đã được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến và đảm bảo nghiêm ngặt các quy định về phòng chống Covid-19.

Tiềm năng, lợi thế của vùng từng bước được khai thác hiệu quả

vung trung du va mien nui bac bo can thao go cac nut that co tinh vung lien vung
Ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW phát biểu định hướng và kết luận Hội thảo.

Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đây là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của cả nước và đóng vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái cho khu vực Bắc bộ; là vùng nhiều tài nguyên thiên nhiên và có đường biên giới dài...

Theo báo cáo từ các địa phương, sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW và Kết luận 26-KL/TW của Bộ Chính trị, với sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt và tập trung nguồn lực đầu tư của Trung ương cùng với sự chủ động, nỗ lực cố gắng vươn lên của các địa phương trong vùng, công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nghị quyết 37-NQ/TW và Kết luận 26-KL/TW đã đi vào cuộc sống và tạo ra một diện mạo mới cho các địa phương trong vùng, nhiều tiềm năng, lợi thế từng bước được khai thác hiệu quả.

Tăng trưởng GRDP của vùng qua các năm không ngừng được cải thiện. Giai đoạn gần đây đạt mức tăng trưởng cao nhất cả nước và vượt mục tiêu đặt ra. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông lâm thủy sản, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ.

Các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh được hình thành và phát triển như cây ăn quả, trở thành vùng cây ăn quả lớn thứ 2 của cả nước (sau vùng Đồng bằng sông Cửu Long). Tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2020 đạt trên 55% cao hơn 1,3 lần bình quân chung cả nước. Công nghiệp phát triển khá, nhiều công trình thủy điện lớn như Sơn La, Lai Châu... được xây dựng và đưa vào vận hành, khai thác.

Dịch vụ được mở rộng và tăng trưởng khá, nhất là du lịch. Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, điện, đường, trường, trạm... từng bước được cải thiện, nhất là hạ tầng giao thông, một số tuyến đường cao tốc quan trọng như Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên đã được xây dựng… Tỷ lệ hộ nghèo bình quân vùng giảm mạnh. Hệ thống chính trị được kiện toàn. Quốc phòng, an ninh được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững... Nhìn chung, hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 37-NQ/TW và Kết luận 26-KL/TW đã cơ bản đã được hoàn thành.

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chưa phát triển liên thông

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà vùng đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời chỉ ra một số mặt còn hạn chế trong liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng.

vung trung du va mien nui bac bo can thao go cac nut that co tinh vung lien vung
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà vùng đã đạt được trong thời gian qua.

Theo đó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng còn chưa phát triển liên thông. Kết nối chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất hàng hoá, dịch vụ và kết nối doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, rời rạc. Mô hình “liên kết giữa 4 nhà”, gồm Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp, chưa phát triển mạnh và trở thành phổ biến. Việc quy hoạch và kết nối về chính sách giữa các địa phương trong vùng vẫn còn thiếu đồng bộ…

Trên cơ sở đánh giá khách quan những kết quả đạt được và những khó khăn, hạn chế trong liên kết phát triển vùng thời gian qua, bám sát, quán triệt tinh thần các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, trong việc xác định quan điểm, định hướng phát triển vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, các địa phương trong vùng cần có tư duy đổi mới, tầm nhìn dài hạn và quy hoạch đồng bộ. Trước hết, phải vượt qua được tư duy nhiệm kỳ, ngắn hạn, tư tưởng cục bộ, chủ nghĩa địa phương để từ đó có quyết tâm thay đổi, có cách làm mới để thúc đẩy xây dựng các thể chế liên kết vùng thật sự hiệu lực - hiệu quả. Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ cần hướng tới một tầm nhìn phát triển bền vững, bao trùm và hội nhập.

Trong đổi mới thể chế liên kết vùng, thay vì tập trung hình thành các bộ máy mang tính hành chính, cần có các cơ chế phối hợp một cách linh hoạt hơn. Cần tháo gỡ những điểm nghẽn, tập trung đột phá vào hạ tầng giao thông và hạ tầng số, trước hết là các tuyến cao tốc kết nối liên vùng, tạo thành các hành lang phát triển, kết nối các cảng biển, sân bay quốc tế, các cửa khẩu quốc tế. Các địa phương trong vùng cần đẩy mạnh liên kết phát triển toàn diện các ngành, các lĩnh vực, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với liên kết phát triển, tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; đồng thời, triển khai có hiệu quả các chương trình trọng tâm, trọng điểm, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia trong phát triển vùng.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về những thành tựu trong phát triển vùng những năm qua và thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập, những điểm “nghẽn” trong liên kết phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc bộ từ nhận thức đến hành động; từ phối hợp giữa Bộ, ngành đến tổ chức thực hiện giữa các địa phương; từ cơ chế chính sách đến bố trí nguồn lực; từ trách nhiệm của hệ thống chính trị đến thực hiện của doanh nghiệp, người dân... Trên cơ sở đó, các ý kiến tại Hội thảo cũng đã đưa ra một số quan điểm, đề xuất giải pháp phù hợp nhằm tăng cường liên kết phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc bộ thời gian tới, như cần thay đổi về nhận thức tư duy và hành động của cả hệ thống chính trị để liên kết vùng trở thành động lực của tăng trưởng.

Theo đại diện các địa phương, cần tập trung vào liên kết trong xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch; liên kết về đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông; liên kết trong đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; liên kết hình thành các không gian kinh tế đặc thù về nông nghiệp, du lịch, kinh tế cửa khẩu, các hành lang kinh tế; liên kết xây dựng bộ dữ liệu chung cho vùng; liên kết trong xúc tiến và thu hút đầu tư; liên kết trong đầu tư xây dựng các dự án có tác động lan tỏa đến vùng, liên vùng.

Hội thảo cũng đã làm rõ thêm các cơ hội phát triển của vùng như sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ và đặc biệt với cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0; các Hiệp định thương mại tự do; các xu thế kinh tế mới ảnh hưởng lớn đến liên kết phát triển vùng... Bên cạnh đó là các khó khăn, thách thức vùng phải tiếp tục đối mặt như trình độ công nghệ thấp, đất đai, tài nguyên đang dần cạn kiệt, tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai... với tần suất và cường độ ngày càng tăng.

vung trung du va mien nui bac bo can thao go cac nut that co tinh vung lien vung
Bí thư Tỉnh ủy các địa phương trong vùng tham gia tọa đàm bàn tròn.

Các đại biểu cơ bản thống nhất, để tăng cường liên kết phát triển vùng thì Quy hoạch vùng Trung du và miền núi Bắc bộ phải đảm bảo tính phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, tính chủ đạo của quy hoạch vùng là liên thông, hiệu quả và trở thành công cụ quản lý, điều phối phát triển toàn vùng, các địa phương.

Một số ý kiến chia sẻ các bài học, kinh nghiệm quốc tế có thể vận dụng vào các liên kết cho một số ngành, lĩnh vực, trục liên kết cơ bản cho phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc bộ. Từ đó gợi mở một số cơ chế, chính sách cần ban hành, bổ sung, hoàn thiện nhằm hạn chế xu thế các vùng, địa phương đều chuyển dịch cơ cấu kinh tế cùng một hướng và tình trạng cơ cấu kinh tế cân đối, khép kín từng địa phương và thử nghiệm mô hình quản lý theo vùng một số ngành, lĩnh vực...

Đại diện các Bộ ngành và địa phương thống nhất đề nghị Ban Chỉ đạo đề xuất Bộ Chính trị ban hành 01 Nghị quyết mới cho vùng đến 2030, tầm nhìn đến 2045 để tạo động lực cho toàn vùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh các địa phương trong thời gian tới.

Kết luận Hội thảo, ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW nhấn mạnh: Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm củng cố thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn, phục vụ cho việc hoàn thiện Báo cáo tổng kết Nghị quyết 37- NQ/TW và tham mưu cho Bộ Chính trị các chủ trương, định hướng phù hợp nhằm phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc bộ thời gian tới. Hội thảo cũng đã đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ các nút thắt có tính vùng, liên vùng; đề xuất các cơ chế chính sách nhằm khai thông và bổ sung nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.

“Đây là cơ sở để giúp Ban Chỉ đạo đề xuất các giải pháp tổ chức không gian lãnh thổ vùng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tiểu vùng, các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch gắn với đô thị hóa và tập trung xây dựng các hành lang kinh tế, tăng cường liên kết nội vùng và thúc đẩy hội nhập quốc tế”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhận định.

Minh Hằng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load