Thứ bảy 14/12/2024 13:54 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Đô thị

Vùng Bắc Trung bộ, Duyên hải miền Trung: Phát triển các đô thị hạt nhân và trung tâm cấp vùng

11:38 | 26/12/2022

(Xây dựng) - Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội quan trọng của cả nước. Trong đó, lĩnh vực phát triển đô thị luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt với nhiều Nghị quyết riêng, coi các đô thị là trung tâm, động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện.

Vùng Bắc Trung bộ, Duyên hải miền Trung: Phát triển các đô thị hạt nhân và trung tâm cấp vùng
Đô thị ven biển như Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) cần được xây dựng thành những đô thị di sản, du lịch tầm cỡ quốc tế.

Những yếu tố thuận lợi

Với vị trí, địa lý chiến lược đặc biệt quan trọng gồm 14 tỉnh ven biển, với tổng số lượng đô thị trong vùng là 210 đô thị, trong đó có 06 đô thị loại I, 07 đô thị loại II, 10 đô thị loại III, 21 đô thị loại IV và 166 đô thị loại V.

Số liệu thống kê từ các địa phương cho thấy, năm 2021, tỷ lệ đô thị hóa của Vùng là 37,5%. Địa phương trong Vùng có số lượng đô thị nhiều nhất là Thanh Hóa (với 35 đô thị) và thành phố Đà Nẵng là đô thị loại I trực thuộc Trung ương với tỷ lệ đô thị hóa cao nhất (tới 87,2%), hơn gấp đôi tỷ lệ đô thị hóa cả nước (40,5%). Những năm gần đây tốc độ đô thị hóa toàn vùng đã đạt trung bình khoảng 1,2%/năm, cao hơn tốc độ đô thị hóa trung bình của cả nước (khoảng 1%).

Thành phố Đà Nẵng được coi là một đô thị hạt nhân đóng vai trò không chỉ trong vùng miền Trung mà còn trên cả nước và quốc tế. Các đô thị loại I còn lại và 06 đô thị loại II đều là các đô thị động lực phát triển của địa phương và toàn vùng miền Trung.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng, hệ thống các đô thị trung tâm, hạt nhân cấp vùng trong khu vực vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ được liên kết thuận lợi nội bộ với nhau và liên kết với cả các đô thị khác trong nước cũng như quốc tế. Có thể thấy rằng, tuyến đường bộ Quốc lộ 1A đi qua 73/210 đô thị trong Vùng chính là sự kết nối hầu hết các đô thị trung tâm và hạt nhân cấp vùng, hình thành mạng lưới đô thị theo chuỗi bám dọc tuyến đường huyết mạch của cả nước.

Đến đường hàng không là điểm nổi bật của khu vực này, tất cả các sân bay đều nằm tại các đô thị hạt nhân và đô thị trung tâm cấp vùng. Qua đó thúc đẩy kết nối trong vùng và với quốc tế (như sân bay Cam Ranh là sân bay duy nhất tại Việt Nam có số lượng khách quốc tế cao hơn khách nội địa, có thời điểm lượng khách quốc tế chiếm đến 70%).

Ngoài ra, điểm đặc biệt nữa chính là 11/14 tỉnh trong Vùng đều có cảng biển, tạo nên hệ thống giao thông thủy phục vụ phát triển kinh tế vùng, liên kết các đô thị và hình thành con đường thông thương vươn ra thế giới.

Nhiều đô thị cũng được thiên nhiên ưu đãi về du lịch với đường bờ biển dài, cảnh quan đẹp, hấp dẫn cùng các giá trị văn hóa đa dạng tạo tiền đề hình thành, phát triển các đô thị du lịch ven biển. Chính điều này là lợi thế không nhỏ để phát triển ngành du lịch, kinh doanh bất động sản, các khu nghỉ dưỡng, biệt thự cao cấp ven biển...

Với những tiềm năng, lợi thế đã thấy, thì hệ thống các đô thị hạt nhân, trung tâm cấp vùng cũng còn khó khăn đáng kể. Đó là sự biến đổi khí hậu với tần suất ngày càng tăng như hạn hán, bão lũ, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường biển được coi là thách thức lớn đối với sự phát triển ổn định, bền vững của các đô thị.

Tập trung phát triển các đô thị hạt nhân

Mới đây, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII (tháng 11/2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Nghị quyết mới để tạo ra bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn nữa, có tính đột phá trong việc phát huy vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Từ thực tiễn phát triển của hệ thống các đô thị trong những năm qua, giai đoạn mới hiện nay cần một số giải pháp để phát triển đô thị khu vực này mà trong đó sẽ tập trung vào các đô thị hạt nhân, đô thị trung tâm cấp vùng.

Bộ Xây dựng cho rằng, UBND các tỉnh trong Vùng cần phải thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam, chú trọng đối với các đô thị là hạt nhân và trung tâm cấp vùng.

Bên cạnh đó, với lợi thế lớn về điều kiện hạ tầng giao thông, khu vực vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, ngoài việc tập trung kết nối nội bộ, cũng cần đẩy mạnh kết nối hệ thống các đô thị hạt nhân, đô thị trung tâm với hệ thống đô thị toàn quốc và có sự hỗ trợ liên kết phát triển giữa các vùng trên cả nước. Từ đó gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh quốc phòng.

Để sự kết nối thực sự có hiệu quả thì các đô thị hiện đại như: Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Vinh... phải tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống mạng lưới kết cấu hạ tầng. Trong đó, trọng tâm là các dự án tạo động lực phát triển các cực tăng trưởng, vùng đô thị, đô thị lớn, kết nối nông thôn – đô thị.

Theo các chuyên gia bất động sản uy tín, đây được coi là khu vực có nhiều đô thị gắn liền với các khu kinh tế và khu công nghiệp. Việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối, hình thành nhiều khu đô thị mới, tác động mạnh mẽ đến chuyển đổi những vùng nông nghiệp lạc hậu thành các đô thị công nghiệp hiện đại, chuyển đổi các khu vực kém phát triển thành các khu vực đô thị chất lượng cao, khu nghỉ dưỡng cao cấp, hình thành các đô thị hạt nhân (như: Nghi Sơn - Thanh Hóa, Vũng Áng - Hà Tĩnh, Chu Lai - Quảng Nam, Dung Quất - Quảng Ngãi, Vân Phong - Khánh Hòa,...).

Theo Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), các đô thị hạt nhân và trung tâm cấp vùng cũng nên chú trọng đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, công trình hạ tầng xã hội. Chủ động xây dựng lộ trình để đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch phù hợp với đặc điểm, kinh tế của địa phương.

Các cấp chính quyền cần triển khai sớm các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị; tiến hành cải tạo các khu vực đô thị xuống cấp. Qua đó, giải quyết được nhu cầu nhà ở cho người dân và tạo diện mạo mới cho kiến trúc cảnh quan đô thị.

Đối với những đô thị có thế mạnh về du lịch, cần quan tâm đầu tư hệ thống các công trình lưu trú, văn hóa, xã hội và triển khai có hiệu quả các dịch vụ công ích đô thị. Chính quyền dần nghiên cứu phát triển các dịch vụ đô thị về đêm nhằm tăng số lượng khách du lịch cũng như kéo dài thời gian lưu trú.

Bên cạnh đó, các đô thị cũng phải có các kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu theo lộ trình thích ứng và giảm nhẹ những tác động tiêu cực từ thiên nhiên. Đồng thời, lựa chọn, khai thác và phát huy sự khác biệt của từng đô thị, để tạo sự đa dạng và hỗ trợ phát triển lẫn nhau.

Có thể kể đến những đô thị ven biển các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận... cần được xây dựng để trở thành điểm đến thu hút nguồn đầu tư lớn cho các dự án năng lượng sạch (như điện gió, điện mặt trời), đi kèm với đó là các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.

Vùng Bắc Trung bộ, Duyên hải miền Trung: Phát triển các đô thị hạt nhân và trung tâm cấp vùng
Đà Nẵng là thành phố có tốc độ đô thị hóa cao nhất trong Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ (Ảnh: K.L).

Để khu Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đạt được những mục tiêu quan trọng trong tương lai, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, việc xây dựng, hoàn thiện và sớm ban hành, triển khai cơ chế, chính sách, pháp luật đặc thù cho phát triển kinh tế - xã hội của Vùng phải được ưu tiên hàng đầu.

Nghị quyết số 26-NQ/TW đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đây là vùng phát triển năng động, nhanh, mạnh và bền vững hơn nữa về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao trong phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hà Khánh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load