(Xây dựng) - Liên quan tới việc UBND quận Ba Đình cấp giấy phép xây dựng 4 tầng hầm cho nhà ở riêng lẻ tại 15 phố Sơn Tây (phường Điện Biên). Mới đây, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình đã có văn bản yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp UBND Thành phố Hà Nội kiểm tra, giải quyết báo cáo Thủ tướng trước ngày 1/6.
Công trình nhà ở có đến 4 tầng hầm tại ngõ 15 phố Sơn Tây quận Ba Đình, Hà Nội (Ảnh chụp tháng 10/2020). |
Cụ thể, ngày 29/4, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 2846 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về phản ánh, kiến nghị của các hộ gia đình khu nhà ở ngõ 15 phố Sơn Tây, phường Điện Biên, quận Ba Đình.
Theo đó, xét báo cáo của Thanh tra Chính phủ và báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội, Phó Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp UBND Thành phố Hà Nội kiểm tra, giải quyết phản ánh, kiến nghị của các hộ gia đình theo đúng quy định của pháp luật, trả lời cho các hộ gia đình và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả giải quyết trước ngày 1/6.
Trước đó, vào cuối tháng 3/2021, UBND Thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 86 do ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội ký, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, giải quyết phản ánh, kiến nghị của các hộ dân tại khu nhà số 15 phố Sơn Tây, phường Điện Biên, quận Ba Đình. Nội dung báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội dài 4 trang nhưng chưa nêu rõ về vấn đề giấy phép xây dựng 4 tầng hầm như người dân đã phản ánh.
Theo nội dung báo cáo: Ngày 18/1/2021 Thanh tra Chính phủ có quyết định về việc điều chỉnh, bổ sung, trong đó bổ sung nội dung kiểm tra, rà soát vụ việc phản ánh của công dân kiến nghị UBND quận Ba Đình cấp phép xây dựng nhà ở cho ông Lê Công tại khu nhà ở ngõ 15, phố Sơn Tây không đúng thẩm quyền.
Sau khi nhận được quyết định của Thanh tra Chính phủ, UBND Thành phố Hà Nội có văn bản giao Thanh tra Thành phố, các Sở Xây dựng, Quy hoạch – Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính và UBND quận Ba Đình phối hợp với tổ công tác của Thanh tra Chính phủ để giải quyết vụ việc trên.
Liên quan tới việc UBND quận Ba Đình cấp giấy phép xây dựng có 4 tầng hầm cho nhà ở riêng lẻ tại 15 phố Sơn Tây (phường Điện Biên), UBND Thành phố Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép đơn vị này báo cáo trực tiếp với tổ kiểm tra của Thanh tra Chính phủ.
Như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin tại các bài viết trước, một công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ tại lô đất B3 (phía Nam số nhà 13 phố Sơn Tây), được UBND quận Ba Đình cấp giấy phép xây dựng cao 5 tầng nhưng có đến 4 tầng hầm. Điều bất thường là cơ quan chức năng UBND quận Ba Đình viện dẫn các căn cứ, tiêu chuẩn để cấp phép xây dựng cho công trình là không đúng quy định hiện hành (sử dụng tiêu chuẩn đã hết hiệu lực) sai thẩm quyền cấp phép.
Cụ thể, tại Văn bản số 493/QLĐT ngày 23/7/2020 Phòng Quản lý đô thị - UBND quận Ba Đình đã trả lời đơn của công dân tại phường Điện Biên. Theo nội dung văn bản: Phòng Quản lý Đô thị được UBND quận Ba Đình giao kiểm tra, trả lời đơn của bà Trần Thị Phi Yến (địa chỉ tại khu nhà ở 15 phố Sơn Tây, phường Điện Biên, quận Ba Đình) về một số nội dung liên quan đến việc UBND quận Ba Đình đã cấp Giấy phép xây dựng số 447/GPXD-UBND ngày 24/9/2019 và Giấy phép xây dựng số 617/GPXD- UBND ngày 18/12/2019 điều chỉnh Giấy phép xây dựng số 447/GPXD-UBND ngày 24/9/2019 cho ông Lê Công và bà Vương Thị Lan Anh, được phép xây dựng tại địa chỉ: lô B3 (phía Nam số 13 phố Sơn Tây), phường Điện Biên và một số nội dung liên quan đến việc thi công xây dựng công trình.
Về mật độ xây dựng, đơn vị này cho biết: Thửa đất tại địa chỉ lô B3 (phía Nam số 13 phố Sơn Tây), phường Điện Biên được UBND quận Ba Đình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CQ 164074 ngày 15/11/2018 cho ông Lê Công và bà Vương Thị Lan Anh. Diện tích đất ở được cấp là 317,7m2.
Theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng (QCXD 01:2008/BXD) định nghĩa: Mật độ xây dựng thuần (net-tô) là tỷ lệ diện tích chiếm đất của các công trình kiến trúc xây dựng trên tổng diện tích lô đất (không bao gồm diện tích chiếm đất của các công trình như: các tiểu cảnh trang trí, bể bơi, sân thể thao ngoài trời (trừ sân ten-nit và sân thể thao được xây dựng cố định và chiếm khối tích không gian trên mặt đất), bể cảnh...). Căn cứ Điểm 2.8.6.1 Quy chuẩn QCXD 01:2008/BXD: Mật độ xây dựng trên khu đất tại địa chỉ trên (nội suy): 59%.
Ngày 24/9/2019, UBND quận Ba Đình cấp Giấy phép xây dựng số 447/GPXD-UBND cho ông Lê Công và bà Vương Thị Lan Anh được phép xây dựng nhà ở có diện tích xây dựng tầng hầm 267,7m2; diện tích sàn tầng 1 (cốt ± 0,00): 267,7m2 (trong đó có diện tích 77,6m2 sử dụng làm khoảng trống thông tầng); diện tích sàn các tầng 2, 3, 4, 5: 190,1m2. Do đó, diện tích chiếm đất của công trình là 190,1m2 và mật độ xây dựng 59% là đúng quy định.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mật độ xây dựng tại công trình này là chưa đúng. Bởi, lô đất này có diện tích đất ở được cấp là 317,7m2 nhưng vướng chỉ giới đường đỏ nên chỉ còn 267,7m2. Vì vậy, diện tích cấp phép phải căn cứ trên diện tích đất còn lại 267,7 m2 sau khi đã chia chỉ giới đường đỏ; và mật độ xây dựng chỉ được phép tính trên diện tích còn lại này.
Về tầng hầm, đơn vị này viện dẫn: Căn cứ Văn bản số 4174/UBND-ĐT ngày 28/8/2017 của UBND Thành phố Hà Nội về việc ban hành “hướng dẫn xác định quy mô tầng hầm phục vụ đỗ xe đối với các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn Thành phố Hà Nội” và Phụ lục kèm theo. Tại mục b, Điều 3 đã nêu: Các công trình nhà dân thuộc nhóm các dự án khuyến khích xây dựng bổ sung thêm diện tích tầng hầm (phải đảm bảo đáp ứng đủ chỗ đỗ xe cho nhu cầu của bản thân công trình theo quy định). Đồng thời tại ghi chú phụ lục có nêu: Chiều sâu hầm để xe không quá 05 tầng theo quy định tại Quy chuẩn 08:2009/BXD: Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về công trình ngầm đô thị (Phần 2-Gara ô tô).
Căn cứ Mục 6.2.7 Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 323:2004 “Nhà ở cao tầng-Tiêu chuẩn thiết kế” được ban hành kèm theo Quyết định số 26/2004/QĐ-BXD ngày 02/11/2004 của Bộ Xây dựng: “Tầng hầm có thể được sử dụng làm tầng kỹ thuật, chỗ để xe, bố trí tủ điện và máy bơm nước cho toà nhà”. Tại mục 6.2.7.2 nêu “Chiều cao tầng hầm không nên nhỏ hơn 2,2m. Đối với các không gian sử dụng cho hoạt động công cộng như hội họp, sinh hoạt cộng đồng, chiều cao thiết kế được lấy theo yêu cầu sử dụng”.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên được biết, hiện nay Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 323:2004 đã bị hủy bỏ theo Quyết định số 212/QĐ-BXD ngày 25/2/2013 của Bộ Xây dựng về việc hủy bỏ Tiêu chuẩn ngành Xây dựng (đợt 1). Đồng thời, Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 323:2004 là tiêu chuẩn thiết kế cho nhà ở cao tầng, tiêu chuẩn này áp dụng để thiết kế nhà ở căn hộ có chiều cao từ 9 đến 40 tầng còn công trình lô đất B3 (phía Nam số 13 phố Sơn Tây) của gia đình ông Lê Công là công trình nhà ở riêng lẻ. Do vậy việc, UBND quận Ba Đình căn cứ Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 323:2004 để cấp phép là "thiếu hiểu biết" pháp luật.
Bên cạnh đó, Văn bản số 4174/UBND-ĐT ngày 28/8/ 2017 của UBND Thành phố Hà Nội được ban hành theo hình thức công văn "hướng dẫn xác định quy mô tầng hầm phục vụ đỗ xe đối với các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn Thành phố Hà nội". Văn bản này mang tính chất hướng dẫn và áp dụng đối với các dự án khuyến khích bổ sung diện tích tầng hầm, nhằm đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của chủ đầu tư về chỗ đỗ xe với chỉ tiêu tính toán 20m2 đỗ xe/100m2 sàn sử dụng, theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Thông tư 03 của Bộ Xây dựng ban hành năm 2016, sửa đổi năm 2019 quy định: Những công trình cấp II có diện tích mặt sàn lớn, nhu cầu sử dụng cao như: Nhà chung cư, trung tâm thương mại, công trình công cộng... dựa vào mục đích sử dụng mới được cấp phép từ 2-4 tầng hầm. Quyết định số 20/2016/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội, sửa đổi năm 2018 nêu rất rõ: Công trình 2 tầng hầm trở lên là công trình cấp II, thẩm quyền cấp phép thuộc về Sở Xây dựng.
Đồng thời, ngày 22/11/2019 Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội đã có Văn bản số 6761/QHKT-KHTH gửi ông Lê Công về thông tin quy hoạch thửa đất số B3 (phía Nam số 13 Sơn Tây), phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội. Nội dung văn bản nêu rõ: Việc nghiên cứu xây dựng 4 tầng hầm (tương đương công trình cấp II) cần đảm bảo các yêu cầu về: Phòng cháy chữa cháy, thoát người khi có sự cố, tuân thủ quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình QCVN 06:2010/BXD tương ứng với chức năng sử dụng…
Có thể thấy, những “bất thường” trong việc cấp giấy phép xây dựng của UBND quận Ba Đình cần nhanh chóng được kiểm tra, làm rõ tránh gây bức xúc trong nhân dân.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Khánh An
Theo