Trước ảnh hưởng do dịch COVID-19 kéo dài, nhiều vợ chồng trẻ bị thay đổi công việc, người bị giảm lương, người thất nghiệp… Trong khi đó, rất nhiều người hàng tháng phải “gánh” trên vai gần chục triệu tiền lãi ngân hàng. Khó khăn, lo lắng nhưng họ vẫn tìm cách để vượt qua thời điểm khó khăn do dịch.
Nhiều gia đình trẻ sau khi mua nhà chật vật tiền lãi và gốc cho ngân hàng vì dịch COVID-19 kéo dài. Ảnh MK |
Gắp ô này, bỏ ô kia
Theo Tổng cục Thống kê, trong quý II và 6 tháng đầu năm 2021, thị trường lao động chưa thấy dấu hiệu khả quan. Lao động thiếu việc làm trong quý II năm 2021 là 1,1 triệu người, tăng 173,5 nghìn người so với quý trước. Tỉ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị tăng cao hơn so với khu vực nông thôn.
Nhìn vào con số thống kê cho thấy, nếu dịch COVID-19 còn kéo dài thì nguy cơ mất việc, thiếu việc làm đang còn lớn. Thực tế, thiếu việc làm, mức thu nhập giảm khiến không ít người mua nhà trả góp rơi vào cảnh khó khăn, túng thiếu.
Sau hơn gần 10 năm đi thuê nhà tại Hà Nội, vợ chồng chị Nguyễn Thu Thủy (34 tuổi, ở Hoài Đức, Hà Nội) cũng đã thực hiện được ước mơ là có một căn nhà ở thành phố. Đó là thành quả của hơn 10 năm lao động vất vả tích lũy cùng với một khoản vay ngân hàng không hề nhỏ.
Với công việc văn phòng của mình và chồng làm nghề du lịch, nếu chịu khó tích lũy thì gia đình chị sẽ sớm trả hết nợ và lãi ngân hàng. Kể từ khi có căn nhà, gia đình chị đã thoát khỏi cảnh thuê trọ nay đây mai đó. Hai đứa con có chỗ tươm tất chăm lo học hành, vui chơi.
Nhiều gia đình chật vật trả lãi ngân hàng vay mua nhà mùa dịch. Ảnh: Cao Nguyên. |
Tưởng chừng mọi việc thuận lợi và cứ chịu khó để làm ăn trả nợ. Ít ai ngờ, vào năm 2020, dịch bệnh COVID-19 xuất hiện đã phá vỡ kế hoạch trả nợ của gia đình. Chị Thủy kể, ngành du lịch của chồng chị bị ảnh hưởng nặng nhất khiến thu nhập của gia đình sụt giảm. Nghỉ việc chính không lương hơn năm đã buộc chồng chị phải kiếm thêm các việc lặt vặt để phụ thêm vào lương văn phòng của chị để chi tiêu và trả lãi ngân hàng.
Tuy nhiên, mọi khó khăn đè nặng lên khi dịch cứ kéo dài đến tận năm nay. Công việc vặt của người chồng cũng dần bị đứt gãy, ngày được ngày mất.
“Tiền lãi ngân hàng thì vẫn vậy, tháng nào cả lãi và gốc cũng gần 8 triệu đồng, chưa tính các chi phí khác nên gia đình rơi vào tình trạng khó khăn”, chị Thủy nói và chia sẻ thêm, có những tháng không đủ tiền trả lãi phải đi vay mượn thêm để đóng. Cứ bắt ô này bỏ ô kia rồi chờ dịch được kiểm soát tính toán tiếp. Nếu chậm tiền lãi thì càng mất nhiều thêm.
Người mua nhà có cơ hội được giảm 2% lãi vay?
Để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi vay, nhưng đối tượng ưu tiên phần lớn chỉ là doanh nghiệp và các hộ kinh doanh, còn các khách hàng cá nhân vay để mua nhà được giảm khá ít, chỉ từ 0,5-1%/năm. Mức giảm này thực tế không thấm vào đâu so với số tiền phải trả của nhiều gia đình.
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi đến Bộ Xây dựng trong đó đưa ra nhiều kiến nghị nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân.
HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm giảm lãi suất cho vay khoảng 2% một năm cho các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà. Các ngân hàng thương mại xem xét không chuyển nợ xấu với khoản vay đến hạn.
Nói với Lao Động, các chuyên gia về bất động sản cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, người trẻ nên cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định mua nhà. Nếu không có sự chuẩn bị tốt thì mua nhà thời điểm này có thể gặp nhiều rủi ro như thu nhập của gia đình bị sụt giảm bởi dịch bệnh, hay các vấn đề pháp lý của dự án căn hộ.
Chuyên gia bất động sản khuyến cáo nếu không tích lũy được 50-70% giá trị thì đừng mua nhà trả góp trong thời điểm này. Ảnh Cao Nguyên. |
Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho hay, nếu không có tích lũy tối thiểu được 50 - 70% giá trị căn hộ hoặc thu nhập gia đình không được 30 triệu đồng/tháng thì không nên cố mua nhà. Bởi dù có sở hữu được ngôi nhà nhưng gánh nặng tài chính, rủi ro khi trả lãi ngân hàng sẽ đè nặng khiến người mua nhà không thể có được cuộc sống thoải mái.
Theo Cao Nguyên/Laodong.vn