(Xây dựng) – Để hướng tới mục tiêu đưa Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai gần, công tác quản lý trật tự xây dựng được các Sở, ngành, địa phương quan tâm, chú trọng và chỉ đạo quyết liệt.
Lực lượng chức năng huyện Bình Xuyên xử lý các trường hợp xây dựng trái phép, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông Quốc lộ 2. |
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 27 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh, năm 2023, Sở Xây dựng và UBND các huyện, thành phố đã quan tâm, chú trọng và chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý trật tự xây dựng thông qua việc ban hành 174 văn bản chỉ đạo điều hành. Trong lĩnh vực được phân công nhiệm vụ, năm 2023, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc đã cấp 5 giấy phép xây dựng cho các nhà đầu tư. Thực hiện thẩm định dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật cho 72 dự án, với tổng mức đầu tư 3.134 tỷ đồng…
Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các chủ đầu tư dự án đô thị, nhà ở và người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng, đất đai, công tác cấp phép, kiểm tra trật tự xây dựng đã được tăng cường.
Tại thành phố Phúc Yên, để nâng cao công tác quản lý Nhà nước về quản lý quy hoạch đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn, năm 2023, thành phố đã cấp 177 giấy phép xây dựng, trả lại 99 hồ sơ chưa đủ điều kiện.
Qua kiểm tra việc xây dựng nhà ở của 53 hộ gia đình thành phố đã phát hiện, lập biên bản đối với 2 trường hợp không có giấy phép xây dựng và 1 trường hợp xây dựng sai phép, yêu cầu ngừng thi công và hướng dẫn làm giấy phép xây dựng theo quy định.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng và chính quyền các địa phương, trong năm 2023, nhiều vụ việc vi phạm về xây dựng, đất đai đã được phát hiện sớm, ngăn chặn và xử lý dứt điểm, nhất là tại các huyện, thành phố: Vĩnh Yên, Phúc Yên, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương... Tại huyện Vĩnh Tường, năm 2023 có 57/57 trường hợp vi phạm mới phát sinh tại 20 xã, thị trấn đã được chính quyền địa phương kịp thời phát hiện, xử lý.
Năm 2023, toàn tỉnh đã cấp 983 Giấy phép xây dựng; cùng đó, các Sở, ngành, địa phương tổ chức 530 cuộc kiểm tra về trật tự xây dựng, qua đó, phát hiện và xử lý 48 trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh. Tại một số địa phương vẫn còn nhiều trường hợp người dân xây dựng công trình không phép, sai phép hoặc không đúng thiết kế đô thị được duyệt tại dự án đô thị, nhà ở trên địa bàn.
Bên cạnh đó, việc phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm của chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã chưa kịp thời nên việc xử lý vi phạm đã xảy ra gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các công trình phải tháo dỡ, gây thiệt hại về tài sản của người dân cũng như doanh nghiệp...
Ý thức chấp hành pháp luật của một số người dân chưa tốt, còn có tình trạng so bì, chống đối khi bị cơ quan chức năng xử lý vi phạm. Sự phối hợp trong công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng giữa UBND cấp huyện, cấp xã, chủ đầu tư và cơ quan liên quan chưa chặt chẽ.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 27 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đối với công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch số 313 của UBND tỉnh, tại văn bản số 10828 ngày 26/12/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm, có hiệu quả và tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý trật tự xây dựng từ khâu lập dự án, quy hoạch, thiết kế, cấp giấy phép xây dựng...
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan tiếp tục đẩy mạnh việc phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, doanh nghiệp và người dân trong việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý trật tự xây dựng.
Sở Xây dựng và UBND các huyện, thành phố tập trung làm tốt các nội dung chuyển đổi số trong công tác quản lý trật tự xây dựng; xây dựng, triển khai, áp dụng các phần mềm, ứng dụng trực tuyến để tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về trật tự xây dựng.
Rà soát, đánh giá các đồ án quy hoạch xây dựng, đề xuất lập quy chế quản lý kiến trúc, thiết kế đô thị để điều chỉnh, bổ sung hoặc phê duyệt mới, làm cơ sở cho việc quản lý trật tự xây dựng, không để xảy ra tình trạng “quy hoạch treo”, “dự án treo”; công khai các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt.
Tiếp tục rà soát, thống kê các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng để phân loại và có lộ trình xử lý dứt điểm. Tổ chức kiểm tra tính đồng bộ, xuyên suốt từ lúc khởi công đến khi công trình xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng và đối với công trình xây dựng sau khi đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
Văn Nhất
Theo