(Xây dựng) – Ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng ủy với Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Với chuyên môn vững, năng lực lãnh đạo tốt, đồng chí Phạm Thị Hiền - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Hoàng Lâu (Tam Dương) đã làm tốt vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương. |
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6, khóa XII về việc tiếp tục đổi mới bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai mô hình nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.
Với mô hình nhất thể hóa này, người lãnh đạo có thể nắm bắt rõ hơn tình hình thực tế, chủ trương, chính sách của Đảng, từ đó chỉ đạo xây dựng Nghị quyết, đề ra chủ trương sát thực tiễn cuộc sống. Mô hình này cũng giảm được khâu truyền đạt, báo cáo, xin ý kiến, tránh đùn đẩy trách nhiệm và chấm dứt thực trạng Đảng ra Nghị quyết, chính quyền từ từ triển khai, giảm thời gian hội họp.
Hơn nữa, việc nhất thể hóa hai chức danh của cấp ủy và chính quyền giúp cán bộ được rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành, từ đó nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng quy tụ, tính quyết đoán, tự chịu trách nhiệm góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy cơ sở, tinh gọn bộ máy, tiết kiệm một phần ngân sách Nhà nước.
Xã Hoàng Lâu là xã được huyện Tam Dương chọn làm điểm thực hiện nhất thể hóa. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Phạm Thị Hiền – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã và sự đoàn kết của các đoàn thể, quần chúng nhân dân đã đưa xã Hoàng Lâu phát triển về mọi mặt, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, luôn là lá cờ đầu trong công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng 13% so với năm 2018. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,43%. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo được thực hiện thường xuyên, đúng pháp luật, trật tự, kỷ cương được tăng cường. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo...
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, đồng chí Phạm Thị Hiền - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hoàng Lâu chia sẻ: “Là người đứng đầu cấp ủy chính quyền nhưng trước khi đưa ra nghị quyết, lập kế hoạch cho một chương trình, tôi luôn cùng Đảng ủy, UBND xã tổ chức bàn bạc, thống nhất, đưa ra trưng cầu ý kiến của nhân dân. Điều này không chỉ tạo nên sự đoàn kết, nhất trí giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã mà còn khai thác, phát huy được khả năng, trí tuệ của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Nhờ đó, lãnh đạo địa phương mới tiếp thu được nhiều ý kiến, sáng kiến để có được định hướng đúng và giải pháp phù hợp với thực tế địa phương”.
Nhất thể hóa tạo sự đoàn kết, thống nhất giữa Đảng và chính quyền, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. |
Thành công nhất khi thực hiện mô hình chính là sự đoàn kết, thống nhất giữa Đảng và chính quyền. Việc tháo gỡ vướng mắc trong nhân dân được thực hiện kịp thời, hiệu quả, bởi vừa là Bí thư Đảng ủy nắm chắc các chủ trương của Đảng vừa là Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trực tiếp điều hành nhiệm vụ chuyên môn nên khi tuyên truyền, giải thích, vận động đều rõ ràng, sát thực tiễn, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Mô hình nhất thể hóa Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã cho thấy những kết quả tích cực nhằm phát huy sức mạnh của cấp ủy Đảng và chính quyền; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ.
Đây là tiền đề để tỉnh triển khai có hiệu quả Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện mô hình này còn bộc lộ một số hạn chế: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có lúc, có nơi còn chồng chéo giữa quyền hạn của người đứng đầu cấp ủy và người đứng đầu chính quyền. Mặt khác, khi một lúc phải đảm nhận “hai vai”, khối lượng công việc nhiều khiến họ không có thời gian đi cơ sở…
Bởi vậy, khi triển khai thực hiện nhất thể hóa các chức danh Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn cần tiến hành thận trọng, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đặc biệt là việc lựa chọn cán bộ hội tụ đủ đức, đủ tài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Bích Huệ
Theo