(Xây dựng) – Theo Nghị quyết HĐND tỉnh Vĩnh Phúc tại Kỳ họp thứ 13, khoá XVII, năm 2024, Vĩnh Phúc sẽ phân bổ hơn 7.776,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để phục vụ xây dựng phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.
Nhà Văn hóa Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao huyện Tam Đảo, trị giá gần 40 tỷ đồng đầu tư từ ngân sách địa phương. |
Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là hơn 443,360 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách địa phương 7.258,458 tỷ đồng. Nguồn vốn Trung ương được phân bổ đầu tư cho các dự án kết nối có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và Chương trình phát triển các đô thị loại II. Đối với các nguồn vốn từ ngân sách địa phương, phân bổ chi đầu tư xây dựng cơ bản vốn tập trung trong nước là hơn 4.091,3 tỷ đồng…
Trong giai đoạn 2021-2025, Vĩnh Phúc được Trung ương giao vốn kế hoạch đầu tư công là hơn 32 nghìn tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách địa phương gần 29 nghìn tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn ngân sách Trung ương.
Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tiễn, nhu cầu đầu tư và khả năng hấp thụ nguồn vốn, HĐND tỉnh đã quyết nghị thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Vĩnh Phúc với tổng nguồn vốn là gần 56 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, vốn ngân sách địa phương trên 52,5 nghìn tỷ đồng, tăng gần 24 nghìn tỷ đồng so với số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Triển khai các hoạt động đầu tư công, tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện công tác lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư công; phân bổ vốn đầu tư công hằng năm đảm bảo tuân thủ theo đúng quan điểm, nguyên tắc quy định của Luật Đầu tư công; nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn theo các nghị quyết của Quốc hội, HĐND tỉnh.
Trong đó, tập trung ưu tiên bố trí vốn cho các dự án quyết toán, dự án hoàn thành, dự án chuyển tiếp, sau đó mới bố trí khởi công dự án mới. Do vậy, hầu hết các dự án đều được xây dựng kế hoạch và bố trí vốn ngay từ đầu năm, mức vốn được phân bổ đáp ứng tiến độ triển khai các dự án theo quyết định phê duyệt.
Trong năm 2021, nguồn vốn kế hoạch đầu tư công được phân bổ là gần 11 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân thanh toán vốn đạt gần 80%; năm 2022, tổng nguồn vốn được phân bổ trên 10 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân thanh toán vốn đạt gần 90% kế hoạch vốn giao trong năm.
Đặc biệt, năm 2023, Vĩnh Phúc ghi nhận kết quả giải ngân cao nhất từ trước đến nay, với tổng nguồn vốn đã giải ngân thanh toán đến ngày 30/11 đạt gần 8.000 tỷ đồng, vượt 3,2% so với kế hoạch vốn Trung ương giao, đứng trong top 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước.
Với mục tiêu thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; huy động các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước cho đầu tư công theo hướng tập trung, tổng thể; trong đó vốn đầu tư công tập trung bố trí để hoàn thành các dự án trọng điểm, các dự án quan trọng, các dự án có sức lan tỏa rộng, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng…, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai đồng bộ các giải pháp.
Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, lập kế hoạch đầu tư công, chú trọng ngay từ đầu công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư đến công tác khảo sát, thiết kế, lập dự án, lựa chọn nhà thầu…; kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực và quy định pháp luật.
Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, chế độ chính sách về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, chính sách thưởng giải phóng mặt bằng nhanh theo tiến độ; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và quyết liệt trong công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng các dự án.
Cùng với đó, quy định rõ ràng, gắn trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan chính quyền Nhà nước mỗi cấp, chủ đầu tư các dự án trước kết quả quản lý đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công của địa phương, đơn vị mình.
Tỉnh tiếp tục thành lập, duy trì hoạt động Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để thường xuyên lãnh đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các “điểm nghẽn” trong giải ngân đầu tư công hằng năm…
Văn Nhất
Theo