(Xây dựng) – Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Đảng bộ tỉnh trực tiếp đối thoại với trên 500 hiệu trưởng của các cấp học, cán bộ quản lý giáo dục trong toàn tỉnh để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của những người trực tiếp thực hiện sứ mệnh đổi mới giáo dục và đào tạo tỉnh nhà, góp phần từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo đà cho giáo dục Vĩnh Phúc phát triển bứt phá trong giai đoạn mới.
Các ông, bà: Hoàng Thị Thúy Lan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Vũ Việt Văn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Huyến - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì hội nghị. |
Chủ trì hội nghị có các ông, bà: Hoàng Thị Thúy Lan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Vũ Việt Văn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Huyến - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc.
Dự hội nghị có các ông, bà: Lê Duy Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Ngọc Bình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Tuấn Khanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Dương Thị Tuyến - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng các Ban Xây dựng Đảng của Tỉnh ủy; lãnh đạo các cục, vụ, viện của Bộ Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo một số sở, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố, các trường đại học đóng trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo; Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố; Hiệu trưởng các trường học, Giám đốc các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên và đại diện Hội cha mẹ học sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh.
Ông Vũ Việt Văn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu đề dẫn. |
Phát biểu đề dẫn tại hội nghị, ông Vũ Việt Văn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Mục tiêu sau hội nghị này, tỉnh sẽ xác định được những vấn đề nào cấp bách cần tháo gỡ ngay; những vấn đề nào cần tháo gỡ bằng cơ chế, chính sách; xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, của nhà trường, của giáo viên trong việc chăm lo, phát triển giáo dục và đào tạo”.
Ông Nguyễn Văn Huyến - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo tại hội nghị. |
Tại hội nghị đã có 18 ý kiến của hiệu trưởng các trường, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo UBND huyện xoay quanh các vấn đề trọng tâm như: Những bất cập cần điều chỉnh liên quan đến chính sách phân cấp đầu tư, tài chính, khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập; Vấn đề về đội ngũ và chính sách đối với nhà giáo, như biên chế, tuyển dụng, thu hút nhân tài, mức thu nhập cho đội ngũ giáo viên, nhân viên; Về nâng cao chất lượng giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông mới; việc dạy, bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ cho giáo viên, học sinh; Trách nhiệm của nhà trường, gia đình, của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; Vấn đề về xã hội hóa trong giáo dục.
Đồng thời tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo các địa phương đã giải đáp ngay những kiến nghị liên quan đến phạm vi ngành, địa phương quản lý.
Phát biểu kết luận, bà Hoàng Thị Thúy Lan - Bí thư Tỉnh ủy biểu dương những đóng góp của các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo và các em học sinh trong thời gian qua. Trả lời các vấn đề đại biểu quan tâm, Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ, đối với những kiến nghị về cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp thu, tổng hợp và báo cáo lên Quốc hội, Chính phủ để được xem xét, giải quyết.
Bà Hoàng Thị Thúy Lan - Bí thư Tỉnh ủy phát biểu và trực tiếp giải đáp các kiến nghị. |
Những kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, ngay tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy giao UBND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan xem xét nội dung nào cần trước, cấp bách thì tập trung tháo gỡ ngay; đồng thời giao các cơ quan liên quan cần triển khai, rà soát ngay toàn bộ các chính sách về giáo dục và đào tạo để báo cáo UBND tỉnh, trình HĐND ban hành nghị quyết để thống nhất thực hiện. Nghiên cứu, bổ sung cơ chế chính sách phù hợp cho giáo dục để tạo hiệu ứng tốt trong xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm xây dựng các cơ chế, chính sách để phát triển và nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, cũng như chăm lo đời sống vật chất cho đội ngũ nhà giáo.
Đối với vấn đề phát triển đội ngũ nhà giáo và chăm lo bảo vệ thầy, cô trước những áp lực của xã hội, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu để Tỉnh ủy tổng kết 5 năm thực hiện Đề án số 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2021; trong đó đặc biệt quan tâm đến những kiến nghị, đề xuất của ngành Giáo dục và Đào tạo liên quan đến việc sắp xếp các cơ sở giáo dục công lập, bảo đảm quy mô phù hợp, hiệu quả; đơn vị nào đã sáp nhập mà hoạt động không hiệu quả, gây khó khăn cho hoạt động dạy và học thì cần xem xét một cách thấu đáo, báo cáo cấp có thẩm quyền. Yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố, các Phòng Giáo dục và Đào tạo cần xem xét ngay vấn đề an ninh, an toàn trong trường học và cần có giải pháp cụ thể để không xảy ra bất kỳ vụ việc nào làm tổn hại đến uy tín, danh dự của nhà giáo trước áp lực của phụ huynh và học sinh.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan tặng ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà bức tranh Khuê Văn Các và gửi gắm thông điệp "Tiên học lễ - Hậu học văn". |
Đối với vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, việc thực hiện đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ những việc nhỏ, từng thầy cô giáo, từng cán bộ quản lý giáo dục. Đổi mới phải lấy học sinh làm trung tâm, quan tâm đến việc dạy làm người là quan trọng nhất. Muốn vậy, thầy cô giáo phải làm gương cho học sinh. Bí thư Tỉnh ủy giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng Đề án tổng thể về đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách cho học sinh; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn - Đội trong trường học; gắn trách nhiệm của nhà trường, gia đình, xã hội vào giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, tránh tình trạng “khoán gọn” cho nhà trường; đề xuất cơ chế, chính sách thu hút, phát triển các mô hình giáo dục kỹ năng sống, giáo dục trải nghiệm, các trung tâm giáo dục tâm lý cho học sinh.
Bí thư Tỉnh ủy giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, các huyện, thành phố nghiên cứu, biên soạn tài liệu giảng dạy lịch sử địa phương trong các trường học, gắn với giáo dục đạo đức, giáo dục truyền thống dân tộc, lịch sử địa phương cho học sinh.
Gia đình cụ Vũ Thị Lật thôn Phúc Lập, xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường ủng hộ Quỹ Khuyến học tỉnh 5 tỷ đồng. |
Tại hội nghị, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Vĩnh Phúc ủng hộ số tiền 2 tỷ đồng; gia đình cụ Vũ Thị Lật thôn Phúc Lập, xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường ủng hộ 5 tỷ đồng cho Quỹ Khuyến học tỉnh.
Bích Huệ
Theo