(Xây dựng) – Đó là nhấn mạnh của bà Hoàng Thị Thúy Lan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu tỉnh Vĩnh Phúc tại hội nghị thông tin, trao đổi, định hướng báo chí tuyên truyền về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức vào sáng 21/9.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu tại hội nghị |
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về chủ trương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành 9 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; tổ chức 3 hội nghị chuyên đề; thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo tuyên truyền trên các trang fanpage, trang thông tin điện tử, bản tin nội bộ của Tỉnh ủy, các đơn vị, địa phương.
Các cơ quan báo chí, tuyên truyền của tỉnh, các báo, tạp chí Trung ương đã chủ động, tích cực trong tuyên truyền triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. Tính đến ngày 15/9, đã có hơn 1.700 tin, bài, ảnh, phóng sự về chủ đề xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu được đăng tải, phát sóng trên các loại hình báo chí.
Thông tin về kết quả đã đạt được về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: Với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, đơn vị, địa phương và nhân dân, sau gần 9 tháng triển khai xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, đến nay đã có 06/28 khu thiết chế văn hóa, thể thao Làng văn hóa kiểu mẫu được khánh thành, trong đó, huyện Bình Xuyên là huyện đầu tiên trong tỉnh hoàn thành 3/3 thôn, tổ dân phố. Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng các khu thiết chế văn hóa tại các thôn, tổ dân phố đã tạo ra không gian văn hóa khang trang, hiện đại với đầy đủ các công năng, đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.
Đến nay, 100% huyện, thành phố đã giải ngân nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế, với 96,5 tỷ đồng với tổng số 541 hộ gia đình được vay vốn. Trong đó có 93 mô hình kinh doanh dịch vụ, thương mại; 22 mô hình vườn sản xuất; 8 mô hình homestay, farmstay… Nhiều mô hình, sản phẩm, cách làm hay đã được triển khai mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sức lan tỏa trong nhân dân.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh khẳng định: Những kết quả đạt được trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh mới chỉ là bước đầu, việc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc; kể cả khi hoàn thành các tiêu chí xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, các địa phương của tỉnh vẫn tiếp tục nỗ lực để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh song song, không trùng lặp với công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Thông qua 14 tiêu chí và 16 chính sách được triển khai đồng bộ, Vĩnh Phúc hướng tới mục tiêu xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng - an ninh, người dân có cuộc sống ổn định, ấm no, hạnh phúc… Cùng với đó, sớm hoàn thành các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh phát biểu tại hội nghị. |
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh mong muốn nhận được sự tham gia, đóng góp ý kiến của các nhà báo, phóng viên về công tác xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu của tỉnh. Mỗi nhà báo, phóng viên không chỉ thực hiện tốt công tác tuyên truyền mà còn là một kênh thông tin tới lãnh đạo tỉnh về triển khai xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu của các cấp, ngành, địa phương; sự hưởng ứng, tâm tư, tình cảm của nhân dân; những vấn đề hạn chế, cần rút kinh nghiệm; những phát hiện mới, đề xuất, hiến kế trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu …
Tại hội nghị, đại diện các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã trao đổi, góp ý với lãnh đạo tỉnh việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở các cấp, ngành, địa phương; tâm tư, tình cảm, sự hưởng ứng của nhân dân; những vấn đề còn hạn chế trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở cơ sở. Đồng thời, đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục có định hướng tuyên truyền; định kỳ hằng quý có thông tin tổng hợp về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, nhất là các mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả của các địa phương để các cơ quan báo chí, phóng viên có dữ liệu tuyên truyền mang tính chất thống nhất, bảo đảm tính kịp thời, đúng định hướng. Các Sở, ban, ngành được giao nhiệm vụ; các địa phương được lựa chọn xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan báo chí trong công tác cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để báo chí tác nghiệp, tuyên truyền về chủ trương này.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan cảm ơn các cơ quan báo chí, nhà báo luôn quan tâm, truyền thông về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh và nhấn mạnh 5 giá trị vô hình có được trong quá trình triển khai xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là:
Một là: Tạo ra được một thế trận lòng dân trong xây dựng làng, quê hương. Thời gian đầu thực hiện chủ trương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, nhiều người dân còn nghi ngờ, có tâm lý chờ đợi. Tuy nhiên, qua 9 tháng triển khai, bằng những việc làm cụ thể đã thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh và từ đó lan tỏa tới người dân, giúp nhân dân tin tưởng, đồng thuận. Người dân hồ hởi, phấn khởi, đón nhận những thành quả bước đầu của xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. Theo đó hình ảnh của các cán bộ không ngại khó khăn, vất vả, tâm huyết trong thực hiện các nhiệm vụ được giao đã dần trở lên gần gũi với người dân hơn, được người dân tin tưởng, ủng hộ.
Hai là: Tạo sự đồng thuận, hưởng ứng rộng rãi nhiệt tình của toàn thể nhân dân. Thay đổi nhận thức của người dân về văn hóa, tham gia chỉnh trang nhà cửa, đường làng ngõ xóm, hiến đất xây dựng các khu thiết chế văn hóa thể thao, lập quỹ khuyến học…góp phần làm thay đổi bộ mặt thôn làng.
Ba là: Đem lại nhiều bài học kinh nghiệm cho lãnh đạo tỉnh trong việc áp dụng triển khai các nhiệm vụ khác. Triển khai một các đồng bộ từ tỉnh xuống địa phương từ việc ban hành chính sách đến việc triển khai. Phải có cách làm hay, sáng tạo, khơi dậy sự tự nguyện của người dân tham gia các phong trào.
Bốn là: Khi tiến hành thu hồi đất để xây dựng các công trình, phát triển kinh tế phải chỉ ra được những lợi ích mà người dân được hưởng cả về vật chất, tinh thần… để tạo sự đồng thuận trong toàn thể nhân dân.
Năm là: Nhất quán quan điểm Nhà nước phải đầu tư cho văn hóa nhất là văn hóa cơ sở, dân duy trì, dân bồi đắp, dân giữ gìn và dân phát triển những thành quả.
Trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục thực hiện đồng thời cả 14 tiêu chí xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu sau khi hoàn thành việc xây dựng các khu thiết chế văn hóa, thể thao. Đồng thời, chỉ đạo các Sở, ngành tăng cường hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các tiêu chí, các mô hình phát triển kinh tế; xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; xây dựng mỗi làng trở thành cơ sở vững chắc trong bảo đảm, củng cố an ninh, quốc phòng, phòng chống tệ nạn xã hội. Đặc biệt, cuối tháng 9/2023, Vĩnh Phúc sẽ phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh và Trung ương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, nhất là xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh để người dân hiểu, có khát vọng vươn lên trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tuyên truyền nhằm huy động sức mạnh của nhân dân để chính dân vận động dân trong thực hiện các hương ước, quy ước; tinh thần trách nhiệm của nhân dân trong duy trì, bồi đắp, phát triển, thụ hưởng những thành quả trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.
Bích Huệ
Theo