Thứ tư 24/04/2024 19:12 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Vịnh Cửa Lục - Bàn tay xòe trên dấu chân người khổng lồ

10:28 | 16/02/2020

(Xây dựng) - Nói đến vịnh Cửa Lục nhiều người chỉ biết đó là một eo biển như một hồ nước lớn. Trước đây, sông nước chia cắt thành phố Hạ Long làm đôi, thượng nguồn là rừng núi Hoành Bồ (cũ) đại ngàn. Vịnh Cửa Lục còn có trầm tích lịch sử văn hóa mà ít người biết: Thời hồng hoang có tích người khổng lồ gánh đá vá trời; thời phong kiến, nhà Lý từng xây dựng thương cảng; đời Trần Triều thì diễn ra trận thủy chiến kinh điển đánh chìm thuyền chiến quân lương của giặc Nguyên; nhà Mạc thì xây thành, dựng phòng tuyến chống giặc phương Bắc; thời đại Hồ Chí Minh, nơi đây một bến phà 3 lần được Nhà nước phong danh hiệu anh hùng. Nay, vịnh Cửa Lục trên bến dưới thuyền, đầy ắp tiềm năng kinh tế ở trung tâm thành phố Hạ Long.

vinh cua luc ban tay xoe tren dau chan nguoi khong lo
Vịnh Cửa Lục trên bến dưới thuyền.

Vịnh Cửa Lục còn gọi là sông Cửa Lục, tên một vùng thủy điện gọi là Cửa Lục, nhiều người đồn đoán nguồn gốc địa danh khác nhau. Người bảo đây là cửa của 6 con sông từ thượng nguồn núi Thiên Sơn đổ xuống, người bảo eo biển này bốn mùa nước trong xanh với màu xanh lục thì gọi là Cửa Lục. Nó gắn liền với tích sử Trần Khánh Dư (Đại Việt) phục binh đánh chiến thuyền quân lương của Trương Văn Hổ (quân Nguyên) trên sông Cửa Lục (1288).

Một điều thú vị về vịnh Cửa Lục với câu chuyện thần thoại người khổng lồ gánh đá vá trời, với dấu tích: Vết chân ông Khổng Lồ; đồi ông Khổng Lồ; ruộng ông Khổng Lồ; miếu Cộc, miếu Dài thờ hậu duệ của ông Khổng Lồ... ngay tả ngạn, hữu ngạn bến nước. Chính vịnh Cửa Lục là hình bàn chân người khổng lồ gánh đá vá trời, khi bị đứt gánh, quẩy bên kia rơi xuống Hoành Bồ (cũ) gọi là núi Mằn Sơn, quẩy bên này rơi xuống Hạ Long gọi là núi Bài Thơ. Núi Mằn Sơn và núi Bài Thơ cao lớn tương đương nhau, tương truyền là cặp núi song sinh. Các nhà lâm sinh bảo, hệ sinh vật ở núi Mằn Sơn và núi Bài Thơ y như nhau. Các nhà khoa học địa chất thì khẳng định hai quả núi này cấu tạo địa chất giống nhau, kể cả thạch động địa mạo. Hiện núi Mằn Sơn và núi Bài Thơ cùng được xếp hạng Di tích quốc gia.

Còn dấu bàn chân người khổng lồ, nếu từ trên máy bay nhìn xuống, quả nom Vịnh Cửa Lục như vết chân người in trên đất ẩm. Năm nhánh sông lớn: sông Giáp Khẩu, sông Bang, sông Đá Trắng, sông Trới, sông Bút C như năm ngón chân người. Tích xưa các cửa sông đã từng có bến cảng chuyên dùng trong hệ thống của thương cảng Vân Đồn, nay vẫn còn tích bến Đồng ở thôn Vạn Yên (Việt Hưng); tích bến Gạo Rang ở thôn Xính Thổ (Thống Nhất). Ngày nay cảng biển xăng dầu B12, cảng Cái Lân, cụm cảng nội địa Làng Khánh, các khu công nghiệp Cái Lân, Việt Hưng, cụm công nghiệp Hà Khánh, Lê Lợi... trên bến dưới thuyền đắc địa.

vinh cua luc ban tay xoe tren dau chan nguoi khong lo
Có ý kiến cho rằng nước biển ở đây bốn màu xanh màu lục nên gọi là Cửa Lục, không phải là đầu mối của 6 con sông.

Gần đây, Quyết định số 702 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, xác định mô hình và cấu trúc phát triển đô thị của thành phố Hạ Long theo hướng đa cực, trong đó lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, hướng phát triển đô thị theo hành lang ven biển vịnh Hạ Long. Nhất là từ khi tỉnh Quảng Ninh thực hiện Nghị quyết 837 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Huyện Hoành Bồ sáp nhập vào thành phố Hạ Long thì càng bộc lộ rõ hơn vị thế chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vịnh Cửa Lục.

Huyện Hoành Bồ sáp nhập vào thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh có chủ trương lập lại quy hoạch mới (có kế thừa và phát huy quy hoạch Bắc Cửa Lục) xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển hệ thống đường giao thông rút ngắn vùng Hoành Bồ (nơi có diện tích rừng bằng diện tích lúa của tỉnh Thái Bình) với đô thị Hạ Long. Vịnh Cửa Lục là trung tâm kết nối hành lang đô thị ven biển, hệ thống giao thông xây dựng 3 cây cầu mới và mở rộng đường Tỉnh lộ 337 nối Cầu Bang ở phía Đông, mở rộng Quốc lộ 279 (cũ), phía Tây kết nối với cầu Trới II, năm con đường 8 làn xe vượt sông Cửa Lục nối Hạ Long với Hoành Bồ (cũ).

vinh cua luc ban tay xoe tren dau chan nguoi khong lo
Núi Bài Thơ và núi Mằn Sơn là hai quả núi song sinh và cùng là Di tích quốc gia, núi Bài Thơ lung linh trong ánh sáng đèn.

Công trình đã và đang triển khai (theo Quyết định đầu tư trước đây), gồm cầu Cửa Lục 1 và đường dẫn có chiều dài 4,2km, điểm đầu đấu nối tuyến đường kết nối khu công nghiệp Cái Lân - Việt Hưng và điểm cuối là nút giao đường Trới - Vũ Oai (Quốc lộ 279 mới). Cầu được thiết kế bê tông cốt thép dự ứng lực với 6 làn xe cơ giới, rộng 27m; dài 646,7m, tĩnh không thông thuyền 40m. Chiều dài còn lại là đường dẫn đồng bộ 6 làn xe trên toàn tuyến. Nay công trình cầu Cửa Lục 1 có thay đổi, cầu dài trên 2,8km (mức đầu tư trên 2.000 tỷ đồng); đường dẫn (mức đầu tư 1.299 tỷ đồng) đầu tuyến từ nút giao đường RD-01 trong khu công nghiệp Cái Lân qua khu công nghiệp Việt Hưng kết nối thẳng với đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn tại Km 5+440, với chiều dài 11,69km, đường nâng lên 8 làn xe. Cầu và đường dẫn đầu tư bằng ngân sách của tỉnh và thành phố Hạ Long.

vinh cua luc ban tay xoe tren dau chan nguoi khong lo
Thạch động núi Mằn Sơn còn lưu bút những con chữ cổ.

Công trình cải tạo, chỉnh trang Quốc lộ 279 (cũ) với chiều dài 3,45km, điểm đầu tuyến tại km0+109,41; điểm cuối tuyến km3+560 (từ đoạn ngã tư Ao Cá phường Giếng Đáy tiếp giáp với phường Bãi Cháy đến ngã ba đường mới rẽ vào khu công nghiệp Việt Hưng, phường Việt Hưng), kinh phí đầu tư 227 tỷ đồng. Các hạng mục lớn gồm: Hạ ngầm hệ thống cấp điện, đường ống cấp nước, hoàn thiện hệ thống vỉa hè, thoát nước, cây xanh và lắp đặt đèn chiếu sáng. Quy mô mặt đường ban đầu cải tạo nền, đổ bê tông nhựa với chiều rộng từ 14 - 21m, đáp ứng 4 - 6 làn xe, nay thay đổi nâng lên từ 8 - 10 làn xe.

Các công trình trong kế hoạch khả thi: cầu Cửa Lục 2 và đường dẫn dài 3.528m; cầu Cửa Lục 3 và đường dẫn dài 2,4km, thiết kế 8 làn xe. Cầu Cửa Lục 2 vượt vịnh Cửa Lục qua khu nhà máy đóng tàu Hạ Long. Cầu Cửa Lục 3 rộng 27m, dài 646,7m, tĩnh không thông thuyền 40m, đường dẫn đầu đấu nối tuyến đường trục chính khu đô thị FLC tại phường Hà Khánh, điểm cuối giao với Quốc lộ 279 (mới), thuộc địa phận xã Thống Nhất.

vinh cua luc ban tay xoe tren dau chan nguoi khong lo
Cầu Bãi Cháy, cây cầu đầu tiên bắc qua sông Cửa Lục trên Quốc lộ 18, hoàn thành năm 2006, khi lên đèn như một tác phẩm nghệ thuật.

Đồng thời với việc đầu tư 5 đại lộ quá giang vịnh Cửa Lục, trong lần thực tế gần đây về việc sử dụng đất đai bờ vịnh Cửa Lục, ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhận thấy những tồn tại ở khu công nghiệp Cái Lân. Khu công nghiệp Cái Lân (khu công nghiệp đầu tiên của Quảng Ninh) được chia làm 2 giai đoạn đầu tư với tổng diện tích gần 260ha, hiện nhiều doanh nghiệp đang hoạt động tại đây có quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, giá trị kinh tế thấp.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu thành phố Hạ Long và Ban Quản lý khu kinh tế phối hợp với các cơ quan chức năng đánh giá lại toàn diện quỹ đất, các dự án đầu tư có sử dụng đất trong khu công nghiệp Cái Lân về hiệu quả kinh tế - xã hội, đặc biệt là vấn đề gây ô nhiễm môi trường, không mở rộng các dự án nằm trong giai đoạn 2 để có những đề xuất phù hợp với định hướng phát triển.

Thành phố Hạ Long rà soát lại quy hoạch và sử dụng đất, tăng cường quản lý toàn diện đất đai ở khu vực vịnh Cửa Lục. Trước mắt, dừng toàn bộ giao dịch, chuyển mục đích sử dụng đất lưu vực bờ vịnh Cửa Lục, không để xảy ra tình trạng cò đất, trục lợi, thổi giá, gây khó khăn cho quản lý Nhà nước, tình trạng xây dựng trái phép lấn chiếm đất đai, nhất là khu vực Bắc Cửa Lục thuộc phường Hoành Bồ, xã Lê Lợi và Thống Nhất.

vinh cua luc ban tay xoe tren dau chan nguoi khong lo
Ngôi đền cổ thờ chúa bà Bạch Thạch ở chân núi Mằn Sơn.

Bắc Cửa Lục được đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông theo quy hoạch, khai thác hợp lý các tiềm năng, lợi thế đất đai trong khu vực, phát triển và mở rộng không gian đô thị nhằm thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các dự án phát triển đô thị trên địa bàn thành phố. Bắc Cửa Lục sở hữu cả không gian mặt đất mặt nước, thảm thực vật, rừng ngập mặn ven biển tươi tốt, tạo điểm nhấn không gian, kiến trúc đô thị dịch vụ hiện đại, đồng bộ và các khu công nghiệp thu hút các ngành nghề sử dụng công nghệ sạch. Cơ quan hành chính của thành phố Hạ Long phát triển về Bắc Cửa Lục, địa lý trung tâm, quỹ đất dồi dào, lại phong thủy.

Huyện Hoành Bồ sáp nhập vào thành phố Hạ Long, theo quy hoạch vịnh Cửa Lục là trung tâm kết nối phát triển hành lang đô thị ven biển. Kết cấu giao thông phát triển với 5 đại lộ rút ngắn khoảng cách Hoành Bồ với Hạ Long trên vịnh Cửa Lục, thì sự ngẫu nhiên thú vị giữa thực tế với truyền thuyết, con đường mới như “bàn tay xòe đặt trên dấu chân người khổng lồ” tích xưa.

Vũ Phong Cầm

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load