(Xây dựng) - Với mức tăng trưởng lợi nhuận 57% so với năm trước, kết quả kinh doanh 2022 của Tổng Công ty cổ phần Vinaconex được đánh giá là tích cực trong bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn và biến động khó lường. Làn sóng đầu tư công mạnh mẽ trong hai năm 2022, 2023 đã và đang mang đến nhiều cơ hội cho Vinaconex.
Dự án Green Diamond 93 Láng Hạ ra mắt thị trường cuối năm 2022. |
Lợi nhuận tăng mạnh
Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HOSE: VCG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022.
Trong quý IV, VCG ghi nhận doanh thu 1.929 tỷ đồng, giảm 10% so với mức doanh thu 2.133 tỷ đồng của quý IV/2021. Tuy vậy, do kết quả tích cực hơn của các quý trước, lũy kế cả năm 2022, “ông lớn” ngành xây lắp đạt mức doanh thu 8.629 tỷ đồng, cao gấp 1,5 lần so với con số 5.750 tỷ đồng của năm 2021.
Năm 2022, lợi nhuận trước thuế và sau thuế ghi nhận lần lượt là 1.132 và 1.049 tỷ đồng; tăng 57% và 102% so với năm 2021.
So với kế hoạch cả năm 2022 được thông qua tại Đại hội cổ đông 2022 của Vinaconex ngày 22/3/2022 là tổng doanh thu hợp nhất (bao gồm cả doanh thu tài chính) là 15.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 1.400 tỷ đồng, VCG đã kết thúc năm với kết quả hoàn thành 63% kế hoạch doanh thu và 75% kế hoạch lợi nhuận. Đây là kết quả khả quan trong bối cảnh kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp như: dịch bệnh Covid 19, giá nguyên vật liệu tăng cao, tín dụng bất động sản bị thắt chặt, lãi suất tăng cao, thị trường tài chính diễn biến khó lường... khiến cho thời điểm năm 2022 chưa thể là điểm rơi lợi nhuận các dự án bất động sản lớn của VCG như kế hoạch.
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của Vinaconex đạt 32.285 tỷ đồng, cao hơn thời điểm đầu năm 1.315 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu cũng tăng từ 7.627 tỷ đồng lên 10.026 tỷ đồng. Lượng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn vẫn khá dồi dào, đạt hơn 3.100 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 1.824 đồng, so với năm ngoái là 950 đồng.
Khởi công cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025. |
Triển vọng từ đầu tư công
Vinaconex là doanh nghiệp hoạt động chính trong mảng xây lắp, năm 2022 hoạt động xây lắp mang về tới 70% cơ cấu doanh thu (gần 6.000 tỷ đồng), tiếp đó là sản xuất công nghiệp (đạt 949 tỷ đồng), kinh doanh bất động sản (609 tỷ đồng), giáo dục (212 tỷ đồng)…
Năm 2022, các doanh nghiệp xây dựng, xây lắp và kinh doanh bất động sản tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do lạm phát, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng…
VCG có được kết quả khả quan là do kết quả triển khai thi công xây dựng một số gói thầu tại các dự án trọng điểm trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, xây dựng dân dụng, xây dựng công nghiệp có nguồn vốn từ ngân sách, vốn FDI, có thể kể đến như: Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1; Dự án cảng hàng không quốc tế Phú Bài, Dự án Cung thiếu nhi Hà Nội ; Dự án Khu công nghiệp sạch Hưng Yên, Dự án Nhiệt điện Vũng Áng... Vinaconex đã hoàn tất gói thầu vượt tiến độ tại dự án lọc hóa dầu Long Sơn, Bà Rịa – Vũng Tàu, đồng thời cũng đang phấn đấu đưa dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 về đích vào năm 2023.
Cuối năm 2022, đầu năm 2023, Vinaconex tiếp tục đảm nhiệm một số gói thầu lớn tại Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, bao gồm Gói thầu 11-XL đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi (Hà Tĩnh), gói thầu XL02 đoạn Vân Phong - Nha Trang (Khánh Hòa).
Năm 2022, VCG cũng tiếp tục đẩy mạnh triển khai các Dự án Cát Bà Amatina (ITC); Dự án Km3,4 phường Hải Yên (Móng Cái); Dự án Khu đô thị đại lộ Hòa Bình (Móng Cái, Quảng Ninh) kéo dài; Khu đô thị mới Thiên Ân (Vinaconex 25), Dự án Tòa nhà văn phòng cho thuê tại Kim Văn Kim Lũ,…
Đặc biệt, VCG đã hoàn thành và cung cấp ra thị trường dự án tổ hợp văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp Green Diamond 93 Láng Hạ (Hà Nội). Tháng 12 vừa qua, dự án thủy điện Đăk Ba, Quảng Ngãi (công suất 30MW) đã hoàn thành giai đoạn đầu tư và chạy thử 2 tổ máy, dự kiến phát điện thương mại vào tháng 1/2023 vượt tiến độ đề ra. Dự án đạt kỷ lục thi công khi chỉ mất 2 năm, trong khi ở các dự án thủy điện thông thường là từ 3-5 năm.
Từ khi tái cấu trúc vào năm 2018, VCG đã quyết liệt thực hiện chiến lược tái cấu trúc tập trung vào ba lĩnh vực cốt lõi là xây dựng, đầu tư bất động sản và đầu tư tài chính, cùng hoạt động M&A hiệu quả. Nhờ đó đã đảm bảo ổn định dòng tiền, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao tỷ lệ sở hữu tại các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực mang lại tỷ suất lợi nhuận cao.
Bước sang nửa cuối năm 2022, giới chuyên gia nhận định thị trường BĐS sẽ bước vào giai đoạn tái cân bằng, tiếp tục phát triển bền vững khi Nhà nước điều tiết tốt những chính sách, công cụ nhằm điều tiết cung cầu, đặt kỳ vọng vào việc tháo gỡ những vướng mắc pháp lý và khơi thông nguồn vốn cho các dự án bất động sản, cũng sẽ là một trong những động lực để VCG có thể đạt được điểm rơi lợi nhuận các dự án bất động sản vào năm nay.
Ánh Dương
Theo