(Xây dựng) - Tháng 9/2021 đánh dấu tháng cán cân thương mại hàng hóa Việt Nam xuất siêu trở lại sau chuỗi nhập siêu kéo dài từ tháng 4 đến tháng 8. Trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27 tỷ USD, nhập khẩu đạt 26,5 tỷ USD. Như vậy, cán cân thương mại đã quay trở lại xuất siêu với giá trị 500 triệu USD.
Việt Nam xuất siêu trong tháng 9 là tín hiệu tốt cho thấy sự phục hồi của doanh nghiệp sau thời gian dài bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. |
“Đây là điểm sáng trong bức tranh kinh tế tháng 9 và là tín hiệu tốt cho thấy sự phục hồi của doanh nghiệp sau thời gian dài bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19”, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê.
Cụ thể, Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2021 ước tính đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,87 tỷ USD, giảm 3,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 20,13 tỷ USD, tăng 0,2%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9 giảm 0,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 7,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 1,9%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2021 ước tính đạt 26,5 tỷ USD, giảm 3,1% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 8,35 tỷ USD, giảm 6,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,15 tỷ USD, giảm 1,5%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9 tăng 9,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 3,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,7%.
Theo Tổng cục Thống kê, kết quả xuất, nhập khẩu trong tháng 9 đã kết thúc chuỗi nhập siêu liên tiếp trong những tháng qua nhưng tính chung 9 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 2,13 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm 2020 xuất siêu 16,66 tỷ USD.
Dù nhập siêu trong 9 tháng nhưng nhìn vào kết quả xuất khẩu của nhiều nhóm hàng, có thể thấy, sự gia tăng cả về lượng và giá xuất khẩu đã góp phần giảm giá trị nhập siêu. Trong 9 tháng năm 2021 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,2%).
Một số mặt hàng nông sản như sắn tăng 50,2% về sản lượng và tăng tới 67,6% về trị giá, cao su tăng hơn 17% về lượng và tăng tới 52,7% về trị giá xuất khẩu; hạt tiêu mặc dù lượng giảm 3,3% nhưng trị giá tăng gần 47%.
Còn với nhóm nhiên liệu, khoáng sản và công nghiệp chế biến, một số mặt hàng đã ghi nhận sự tăng mạnh cả về lượng và trị giá như than đá tăng lần lượt 147,4% và 126,5%; sắt thép các loại tăng 125,4% và 39,3%.
Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao như: Điện thoại và linh kiện đạt 41,3 tỷ USD, tăng 12,4%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 36,4 tỷ USD, tăng 13,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 26,3 tỷ USD, tăng 44,5%; dệt may đạt 23,5 tỷ USD, tăng 23,5%.
Trong chu kỳ sản xuất, doanh nghiệp thường tập trung ký kết hợp đồng vào cuối năm trước hoặc đầu năm mới, đến quý I, quý II là thời gian tăng nhập nguyên liệu và đến quý III, quý IV tập trung cho sản xuất. Trên thực tế doanh nghiệp đã tăng nhập khẩu trong các tháng vừa qua là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhập siêu. Đến giai đoạn này, doanh nghiệp đã giảm nhập khẩu tư liệu sản xuất và tập trung sản xuất để hoàn thành các đơn hàng nên việc xuất siêu trong tháng 9 một phần cũng do quy luật kinh doanh này.
Tổng cục Thống kê đánh giá, tốc độ tăng trưởng, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2021 ở mức cao, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi năm 2019 tăng 8,4%; năm 2020 tăng 4,1%. Nếu như ba tháng cuối năm Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp phía Nam phục hồi, lấy lại được đà tăng trưởng, giúp cho cán cân thương mại năm 2021 nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức cân bằng.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có nhiều thuận lợi khi doanh nghiệp tiếp tục khai thác hiệu quả các Hiệp định FTA, cùng với nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm.
“Một tín hiệu đáng mừng nữa là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh có tỷ trọng xuất khẩu lớn ở khu vực phía Nam đang từng bước nới lỏng giãn cách, giúp doanh nghiệp dần phục hồi sản xuất kinh doanh, theo đó xuất khẩu hàng hóa những tháng cuối năm 2021 tăng trưởng hơn góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế”, Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.
Đoàn Huyền
Theo