Thứ năm 25/04/2024 12:53 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Việt Nam phân bổ nhiều nguồn lực ứng phó biến đổi khí hậu

16:42 | 12/03/2022

(Xây dựng) - Ngày 11/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp cùng với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả Báo cáo Rà soát Đầu tư và Chi tiêu công cho biến đổi khí hậu (CPEIR).

viet nam phan bo nhieu nguon luc ung pho bien doi khi hau
Hội thảo chia sẻ kết quả Báo cáo Rà soát Đầu tư và Chi tiêu công cho biến đổi khí hậu (Ảnh: UNDP Vietnam).

Báo cáo Rà soát Đầu tư và Chi tiêu công cho biến đổi khí hậu (CPEIR) do 6 bộ ngành cùng tham gia thực hiện, gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ. Ngoài ra, còn có 28 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc Trung ương là Cần Thơ.

Báo cáo ghi nhận hơn 70% ngân sách cho biến đổi khí hậu của các bộ và hơn 90% ngân sách khí hậu ở các tỉnh là dành cho chi tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với các ưu tiên chính sách của Chính phủ về chi tiêu công trong giai đoạn 2016 - 2020. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải chiếm 80% tổng ngân sách cho biến đổi khí hậu với các khoản chi tập trung vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn như thủy lợi và giao thông.

Báo cáo bao gồm các nội dung liên quan tới chi đầu tư và chi thường xuyên ngân sách Nhà nước, trong đó có hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), giai đoạn 2016-2020 và chi ngân sách nhà nước của giai đoạn 2011-2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng cùng 3 tỉnh là An Giang, Bắc Ninh và Quảng Nam.

Bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng, biến đổi khí hậu đã và đang xảy ra trên toàn cầu, nhiệt độ tăng lên, bão và hạn hán trở nên thường xuyên hơn. Tại Việt Nam, cũng liên tiếp chứng kiến các trận bão, lũ lụt…

Báo cáo CPEIR chỉ ra rằng Việt Nam đang phân bổ ngày càng nhiều nguồn lực tài chính cho biến đổi khí hậu. Ngân sách chi cho biến đổi khí hậu cũng chiếm tỷ trọng tương đối ổn định. Tuy nhiên, ngân sách cho biến đổi khí hậu vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về rủi ro khí hậu cho Việt Nam. Đặc biệt, không phải tất cả các khoản chi cho biến đổi khí hậu được liên kết với các chính sách quan trọng.

“Chúng tôi đánh giá cao Chính phủ Việt Nam và người dân đã và đang tăng cường phân bổ nguồn lực và chi tiêu ngày càng tăng cho thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy việc điều này mới chỉ đáp ứng được một phần và cần có sự hỗ trợ của quốc tế và khối tư nhân. Do nguồn lực hạn hẹp nên việc lập kế hoạch và sử dụng sẽ phải gắn chặt với những ưu tiên đã được xác định để đảm bảo đạt được các kết quả tốt nhất trong ứng phó với biến đổi khí hậu”, bà Caitlin chia sẻ.

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan đầu mối tham mưu cho Chính phủ về các nguồn tài chính cho khí hậu, nhận thức sâu sắc rằng việc xây dựng và lập kế hoạch ngân sách nhằm triển khai, hiện thực hóa các chiến lược, chương trình, mục tiêu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu là vô cùng quan trọng.

“Phân bổ hợp lý tài chính công cho các nhiệm vụ về biến đổi khí hậu sẽ góp phần vào việc thực hiện thành công các cam kết quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam cũng như xác định nhu cầu về đầu tư cho biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả, thiết lập cơ sở để huy động và đa dạng hóa các nguồn lực trong nước và quốc tế cho biến đổi khí hậu”, bà Ngọc nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các chuyên gia đưa ra một số khuyến nghị chính bao gồm các chiến lược và kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh cần được phản ánh trong các mục tiêu và chỉ tiêu của các chính sách ngành cũng như kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội. Cùng với đó, cần xây dựng một hệ thống giám sát và báo cáo toàn diện để cải thiện việc lập ngân sách, giám sát, báo cáo và thông tin về chính sách và kế hoạch về biến đổi khí hậu.

Nhật Minh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load