Thứ tư 24/04/2024 05:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Việt Nam có tiềm năng phát triển hệ thống năng lượng có mức phát thải ròng bằng 0 với chi phí tăng chỉ 10%

22:54 | 02/06/2022

(Xây dựng) - Đó là phát hiện từ Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2021. Kết quả Báo cáo được công bố bởi Bộ Công Thương và Đại sứ quán Đan Mạch tại Lễ công bố sáng 2/6/2022.

viet nam co tiem nang phat trien he thong nang luong co muc phat thai rong bang 0 voi chi phi tang chi 10
Toàn cảnh Lễ ra mắt Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2021.

Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức Lễ ra mắt Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2021. Thứ trưởng Bộ Công Thương ông Đặng Hoàng An và Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam ông Kim Højlund Christensen đồng chủ trì sự kiện.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, trong ba thập kỷ qua đã chứng kiến sự phát triển kinh tế Việt Nam với tốc độ tăng trưởng cao, từ 6-7%/năm. Ngay cả trong giai đoạn kinh tế thế giới suy thoái, hay dịch bệnh toàn cầu ảnh hưởng, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của Chính phủ, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương ở mức khá.

Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định thông điệp của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 cho thấy quyết tâm của Việt Nam vào việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu.

Minh chứng cho điều này, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết tính chung cả năm 2021, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020. Năm tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 8,3% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 15,6%. “Những kết quả trên đã chứng tỏ sức dẻo dai của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp và con người Việt Nam”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định…

“Báo cáo đưa ra các kịch bản triển vọng năng lượng với các số liệu đầu vào và các giả định khác nhau nhằm nghiên cứu các khả năng đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi hệ thống năng lượng xanh và bền vững, đạt được các cam kết của Việt Nam với quốc tế trong lĩnh vực năng lượng và chống biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định.

Thông qua sự kiện này, Thứ trưởng Bộ Công Thương hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự đóng góp nhằm xây dựng và hoàn thiện các báo cáo trong tương lai ngày càng hoàn thiện hơn.

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam ông Højlund Christensen cho biết, Báo cáo là nguồn cung cấp thông tin hữu ích về phát triển hệ thống năng lượng phù hợp với định hướng của Việt Nam về phát triển năng lượng carbon thấp, giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó biến đổi khí hậu.

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam ông Kim Højlund Christensen cho biết: “Việt Nam là đối tác quan trọng của Đan Mạch trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Đan Mạch rất vui được chia sẻ với Việt Nam các giải pháp, bí quyết và thực tiễn tốt nhất có được trong suốt 30 năm qua, để hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa tiềm năng chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 một cách hiệu quả và công bằng”.

Ông Kim Højlund Christensen cũng chia sẻ báo cáo được xây dựng với nguồn số liệu có chất lượng tốt, sử dụng các mô hình cấp cao để tính toán các kịch bản phát triển điện nói riêng và năng lượng nói chung. “Báo cáo là nguồn cung cấp thông tin hữu ích về phát triển hệ thống điện và năng lượng trong ngắn và dài hạn, phù hợp với định hướng của Chính phủ Việt Nam về phát triển năng lượng carbon thấp, giảm phát thải khí nhà kính và hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu”, Đại sứ Đan Mạch khẳng định.

Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021 (EOR 21) được biên soạn với sự hợp tác chặt chẽ giữa Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) và Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA). Đây là lần thứ ba công bố báo cáo trong chuỗi các ấn phẩm Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam thuộc khuôn khổ Chương trình Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch (DEPP) xây dựng. Bên cạnh Báo cáo chính, các báo cáo nền cung cấp các số liệu phân tích chi tiết về các khía cạnh kỹ thuật, triển vọng thị trường cũng được giới thiệu tại sự kiện.

EOR 21 đã đưa ra một thông điệp rất rõ ràng: Việt Nam có nhiều tiềm năng chuyển đổi xanh để trở thành một nền kinh tế có mứuc phát thải carbon ròng bằng không vào năm 2050. Báo cáo đưa ra các góc nhìn trung và dài hạn về các kịch bản phát triển ngành năng lượng đến 2050, cung cấp thông tin cho các hoạt động hoạch định chính sách và gợi mở các thảo luận về quá trình chuyển đổi xanh.

Đặc biệt, Báo cáo xem xét các kịch bản để Việt Nam đạt mục tiêu net-zero vào giữa thế kỷ, nghiên cứu chuyên sâu về chuyển đổi năng lượng trong lĩnh vực giao thông. Theo đó, việc điện khí hóa ngành giao thông chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu điện phân và tăng cường vận tải đường sắt điện khí hóa sẽ giúp giảm đáng kể lượng khí thải carbon và ô nhiễm không khí. Bên cạnh đó, việc mở rộng công nghệ năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi và kiên trì thực hiện các mục tiêu về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả sẽ đóng góp đáng kể cho mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Mộc Miên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load