(Xây dựng) – Đây là một trong những nội dung tham luận tại Tọa đàm “Tín chỉ carbon và nguồn lực chi thị trường tín chỉ carbon” do Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam và Công ty TNHH Hệ sinh thái VOS Holdings tổ chức sáng 16/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Quang cảnh Tọa đàm. |
Theo các chuyên gia, thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam đang có tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhờ vào các dự án giảm phát thải và bảo vệ môi trường. Tại các diễn đàn quốc tế, Chính phủ đã thể hiện cam kết thông qua lộ trình triển khai thị trường carbon và kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh.
Việt Nam chỉ tham gia thị trường carbon tự nguyện
TS. Trần Đại Nghĩa, Trưởng ban Kinh tế tài chính và Tài nguyên môi trường (Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn - IPSARD) cho biết, để bán được tín chỉ carbon theo hình thức tự nguyện, mỗi quốc gia phải tạo ra lượng carbon dôi dư vượt mức NDC (cam kết tự nguyện của mỗi quốc gia).
Theo ông Nghĩa, vấn đề quan trọng trong việc tham gia thị trường tín chỉ carbon là phải định giá được carbon. Quốc tế có 3 hệ thống đánh giá, nhưng tại Việt Nam chỉ có thể sử dụng 2, đó là hệ thống trao đổi hạn ngạch và cơ chế tín chỉ carbon.
Việt Nam chủ yếu tham gia thị trường carbon tự nguyện. Dạng này dễ tham gia nhất, nhưng sẽ có thời gian định mức đánh giá. Nếu quá hạn thì hệ thống sẽ tự động đưa tín chỉ carbon về 0.
Thị trường bắt buộc không phải điều chỉnh hạn ngạch, trong khi thị trường tự nguyện lại điều chỉnh theo từng năm. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã từng bước nâng mức hạn ngạch này như một cách thể hiện trách nhiệm trong NDC.
Theo ông Nghĩa, Việt Nam chưa thể tham gia thị trường bắt buộc do thiếu các ký kết song phương. Ông Nghĩa cho rằng, năm 2023, Việt Nam bán hơn 10 triệu tín chỉ, với giá 5 USD/tín chỉ. “Nhiều người cho là thấp, khi so với thị trường giao dịch hạn ngạch. Nhưng Việt Nam chưa thể tham gia thị trường này khi thiếu các ký kết song phương”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Nghĩa kết luận, Việt Nam chỉ có thể bán tín chỉ nếu tạo ra lượng carbon dôi dư vượt qua mức NDC đã cam kết.
Cùng quan điểm, ông Đặng Thanh Long, Trưởng phòng Đào tạo và Phát triển bền vững Intertek Việt Nam (chuyên gia năng suất xanh của Tổ chức Năng suất châu Á - APO) cho biết, hiện nay trên các thị trường carbon đã phát triển mạnh tại các quốc gia khác, có hai thị trường chính là: Thị trường bắt buộc và thị trường tự nguyện. Về giao dịch, chủ yếu giao dịch theo cơ chế đấu giá. Giá giao dịch cho 1 tín chỉ carbon trên thị trường giao dịch rất cao và có xu hướng tăng theo thời gian.
Ông Long ví dụ, giá của 1 tín chỉ carbon trong 1 tấn thép hiện giao dịch khoảng 80-100 Euro. Nhưng tới năm 2030, mức này có thể lên tới 300 Euro, gấp 3 lần.
Theo ông Long, khi Việt Nam có thị trường tín chỉ carbon, các doanh nghiệp đã trả phí carbon tại Việt Nam nếu xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu sẽ được khấu trừ. Như vậy, nếu thị trường carbon vận hành muộn, các doanh nghiệp sẽ bị thiệt. Do đó, các nhà sản xuất ở nước thứ 3 cần tính toán lượng phát thải “nhúng” trong lượng hàng hóa xuất khẩu gồm phát thải trực tiếp và gián tiếp.
Thành phố Hồ Chí Minh tìm giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu
Ông Cao Tùng Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Theo đó, Thành phố đề ra các nhiệm vụ thích ứng và giảm phát thải nhằm hướng đến Thành phố phát thải carbon thấp với các giải pháp công trình và phi công trình.
Đối với giải pháp phi công trình, Thành phố sẽ xây dựng chính sách, chiến lược và quy hoạch tích hợp yếu tố biến đổi khí hậu, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về ứng phó với biến đổi khí hậu, nghiên cứu công nghệ giải pháp kỹ thuật như con giống, mùa vụ, vật liệu xây dựng… để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đối với giải pháp công trình, Thành phố tập trung xây đê, đập ngăn triều cường, hồ chứa, hồ điều tiết, cải tạo hệ thống thoát nước, gia cố hệ thống cơ sở hạ tầng, nhà cửa để tăng khả năng chống lại thời tiết bất thường, tăng cường diện tích thấm tự nhiên, tích trữ nước mưa để tái sử dụng.
Ngoài ra, để quản lý phát thải khí nhà kính, Thành phố còn thực hiện công tác kiểm kê khí nhà kính, tuyên truyền cho doanh nghiệp về việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở.
Hiện Chính phủ đã đưa ra nhiều Nghị định, Thông tư về việc kiểm kê phát thải khí nhà kính đối với 2.000 doanh nghiệp trên toàn quốc. Trong số này, Thành phố Hồ Chí Minh có 140 doanh nghiệp bị áp hạn ngạch, chiếm tỷ lệ tương đối cao so với mức bình quân.
Là một thành phố công nghiệp, hầu hết doanh nghiệp tại Thành phố sẽ chịu tuân thủ hạn ngạch phát thải carbon, nhằm hướng tới việc trung hòa carbon trên cả nước vào năm 2050. Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đang dự thảo một đề án chuyên ngành về vấn đề này, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Nói về cam kết của Việt Nam đối với biến đổi khí hậu, GS.TS. Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh (Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, những cam kết của Chính phủ về vấn đề giảm phát thải nhà kính như: Cam kết mạnh mẽ về biến đổi khí hậu toàn cầu tại COP26; Việt Nam đã tham gia vào Hợp tác Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC); tham gia Liên minh Hành động Khí hậu châu Á (APCAA)…
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg và Nghị định 06/2022/NĐ-CP nhằm mục tiêu phát triển tăng trưởng xanh, giảm nhẹ phát thảo khí nhà kính.
Theo ông Vinh đánh giá, việc xây dựng, triển khai thị trường carbon mang lại nhiều lợi ích và nguồn thu cho Việt Nam. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp nước ta lại lợi thế lớn tham gia vào thị trường carbon trong và ngoài nước. Trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp đi đầu trong bán tín chỉ carbon.
Năm 2023 là một bước tiến quan trọng khi Việt Nam lần đầu tiên bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng)…
Vì vậy, ông Vinh hy vọng Việt Nam sẽ tích cực tham gia vào thị trường toàn cầu hơn nữa, đặt mục tiêu trong năm nay và năm sau bán thêm 5 triệu tín chỉ, nâng tổng số lượng carbon bán ra lên 25 triệu tín chỉ. Dự kiến, dịch vụ hấp thu và lưu giữ carbon rừng sẽ là một trong những lợi thế của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Cao Cường
Theo