(Xây dựng) – Sau gần 6 tháng xem xét kỹ lưỡng và làm việc với các bên liên quan, Việt Nam đã cho phép Ngân hàng Nhà nước tiến hành các thủ tục pháp lý nhận khoản tài trợ đợt đầu từ Quỹ Môi trường Quốc tế để thực hiện các dự án môi trường tại Việt Nam.
Dự án sẽ đền bù cho các hộ dân đang sống cạnh bờ sông bằng những ngôi nhà sử dụng vật liệu bê tông nhẹ, sạch sẽ, khang trang. |
Các cơ quan thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp sử dụng số tiền này để triển khai các dự án môi trường tại Việt Nam. Các dự án này đã được các nhà khoa học môi trường của Việt Nam ấp ủ, đầu tư nghiên cứu trong nhiều năm.
Dự án Khôi phục lộ trình từ Thăng Long trở về Hoa Lư do KTS Trần Thanh Vân đề xướng có thể sử dụng tới nguồn vốn 5 tỷ EURO, là dự án đầu tiên được sử dụng một phần nguồn kinh phí này để triển khai thực hiện. Trong đó, lực lượng chủ yếu sử dụng nguồn vốn này sẽ là cơ quan thuộc Bộ Xây dựng hợp tác với các cơ quan chính quyền địa phương của thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Trước đó, ngày 5/8/2019, Công ty Cổ phần Kiến trúc và Môi trường OIKOS JSC do KTS Trần Thanh Vân sáng lập, đã gửi Tờ trình đến Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Ban Bí thư xin cho phép hợp đồng chuyển giao nguồn tiền từ Công ty Alfa CHLB Đức đến Công ty Hải An Việt Nam trở thành hiện thực để thực hiện các dự án môi trường tại Việt Nam.
Mới đây, ngày 15/1/2020, một Ban quản lý dự án độc lập đã được thành lập để triển khai dự án Phục hồi Hành trình từ thăng Long trở về Hoa Lư, thành phần gồm các chuyên gia đã đồng hành với KTS Trần Thanh Vân trong nhiều năm, dưới hình thức một đơn vị kinh tế là Công ty TNHH Kiến trúc và Môi trường xanh - OIKOS GREEN.
Các cơ quan phối hợp triển khai dự án gồm: Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam, các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học hàng đầu trong Hội đồng tư vấn. Cơ quan thực hiện là Viện Quy hoạch phát triển Đô thị và Nông Thôn Quốc gia (VIUP), trong đó, Viện Quy hoạch xây dựng phát triển nông thôn - cơ quan thuộc VIUP, sẽ đảm nhiệm các phần việc chính. Hội Kiến trúc sư Việt Nam đảm nhiệm tổ chức các cuộc thi Quốc tế sáng tác kiến trúc để tìm ra giải pháp tốt nhất cho thực hiện dự án và giám sát thi công.
Theo KTS Trần Thanh Vân, để khôi phục lộ trình từ Thăng Long trở về Hoa Lư thì sông Tô Lịch sẽ là con sông đầu tiên được quan tâm và khôi phục. Bước một, đầu nguồn vào sông phải có nước sông Hồng chảy qua sông Thiên Phù trên cao rồi đổ xuống sông Tô Lịch đoạn đầu đường Hoàng Quốc Việt. Và, phía nam sông Tô Lịch sẽ phải nối với sông Nhuệ, sông Đáy (như nó vốn có). Như vậy, sông Tô Lịch không thể kết thúc tại hồ Yên Sở như hiện nay.
“Đây là một việc rất khó, không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà còn có các yếu tố văn hóa, lịch sử và thẩm mỹ”, KTS Trần Thanh Vân cho biết.
Cách đây hơn 30 năm, dự án VIE 86-020 của Trung tâm Phát triển Nông thôn (tiền thân của Viện Quy hoạch xây dựng phát triển nông thôn ngày nay) do Chương trình phát triển liên hợp quốc (UNDP) tài trợ đã làm nhiều việc ý nghĩa tại xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Hôm nay, với việc triển khai một phần các dự án môi trường, phục hồi đoạn nối sông Tô Lịch với sông Nhuệ, dài trên 5km ở phía Tây xã Tả Thanh Oai - kế bên xã Đại Áng, sẽ có những biến động lớn liên quan đến đào đắp phục hồi dòng sông và đền bù cho tất cả các hộ dân đang sống cạnh bờ sông bằng một khu tái định cư gồm những ngôi nhà, những mảnh vườn và chuồng trại chăn nuôi, mang lại lợi ích kinh tế lớn... Dự án không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được sống yên ổn, mà còn là một mô hình dân cư văn minh, tiên tiến và bền vững.
Hiệu quả môi trường mà OIKOS GREEN nhắm tới không chỉ là một môi trường vật chất có dòng sông không rác thải, không ô nhiễm, mà quan trọng hơn là một môi trường xã hội mà người dân tìm thấy ở đó sự ấm no và hạnh phúc./.
Thanh Nga
Theo