Thứ hai 06/05/2024 03:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Việt Nam cần chủ động đối phó với áp lực từ thuế carbon

09:21 | 04/02/2024

(Xây dựng) - Biện pháp đánh thuế carbon với hàng hóa nhập khẩu đang ngày càng được quan tâm tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Theo Thạc sĩ Phan Minh Hòa - giảng viên Kinh tế Đại học RMIT, bên cạnh những thách thức trong ngắn hạn thì thuế carbon sẽ tạo thêm động lực đổi mới để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Việt Nam cần chủ động đối phó với áp lực từ thuế carbon
Thạc sĩ Phan Minh Hòa - Giảng viên Kinh tế, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam.

Đánh thuế carbon với hàng hóa nhập khẩu là một công cụ chính sách mới mà Liên minh châu Âu (EU) là nơi đầu tiên thực hiện. Theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), EU sẽ đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước xuất khẩu. CBAM đã được áp dụng từ ngày 1/10/2023 với giai đoạn chuyển tiếp và từ tháng 1/2026 sẽ được thực hiện đầy đủ.

Bên cạnh EU, chính phủ Anh cũng đã tuyên bố sẽ áp dụng cơ chế CBAM của riêng mình từ năm 2027. Hoa Kỳ đã và đang cân nhắc việc đánh thuế carbon hàng nhập khẩu trong suốt một thập kỉ qua và các thảo luận gần đây trước những diễn biến từ EU lại nóng lại. Nhật Bản cũng có kế hoạch áp dụng thuế carbon với các nhà nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch như các công ty năng lượng, lọc dầu, sản xuất thép bắt đầu từ năm tài khóa 2028-2029.

Nhìn chung, công cụ thuế carbon sẽ ngày càng thu hút được nhiều sự ủng hộ ở các nước phát triển - nơi có tiêu chuẩn về môi trường khắt khe hơn, để cạnh tranh với các nhà xuất khẩu từ những nước đang phát triển - nơi các tiêu chuẩn môi trường lỏng lẻo hơn. Đối với thương mại quốc tế, loại thuế này sẽ khiến giá hàng hóa nhập khẩu tăng và tác động lên chuỗi cung ứng.

Doanh nghiệp Việt ứng phó với thuế carbon

Các doanh nghiệp xuất khẩu cần nâng cao nhận thức về những yêu cầu và tác động của cơ chế đánh thuế carbon đối với lĩnh vực hoạt động của mình, đồng thời cân nhắc những chi phí để tuân thủ.

Với Việt Nam, tác động trước mắt sẽ là đối với những mặt hàng xuất khẩu sang EU. Hiện tại, đối tượng điều chỉnh ban đầu của CBAM ở EU là sáu mặt hàng gồm sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro, trong đó bốn mặt hàng đầu Việt Nam có khả năng xuất khẩu. Những doanh nghiệp chưa thuộc diện điều chỉnh của CBAM nhưng có nguy cơ cao vẫn cần theo dõi cập nhật chính sách này của EU cũng như của các quốc gia khác.

Doanh nghiệp cần lên kế hoạch ứng phó sớm, rà soát chuỗi cung ứng sản phẩm, chuyển đổi sản xuất xanh (như sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió mà Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng). Doanh nghiệp cũng cần kiểm soát chặt chẽ và xây dựng báo cáo phát thải, chuẩn bị đầy đủ dữ liệu, chia sẻ thông tin với chính phủ để phát triển hệ thống dữ liệu phát thải quốc gia của Việt Nam, sẵn sàng cho các yêu cầu về báo cáo kiểm kê khí nhà kính.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần hợp tác với các nhà nhập khẩu, nhà cung ứng và chính phủ. Việc chuyển đổi sản xuất không phải là câu chuyện của từng doanh nghiệp riêng lẻ. Khi có mạng lưới doanh nghiệp cùng nỗ lực giảm phát thải, trung hòa carbon gắn kết với nhau, các doanh nghiệp sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh và cơ hội mới.

Doanh nghiệp cũng nên tích cực tham vấn với chính phủ trong việc xây dựng các chính sách như định giá carbon và thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, và tham gia vào các chương trình đào tạo nâng cao năng lực.

Việt Nam cần chủ động đối phó với áp lực từ thuế carbon
Sắt thép là một trong những ngành chịu tác động trực tiếp từ cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới của EU (CBAM).

Hỗ trợ cần thiết từ chính sách

Về phía chính sách, có hai cách tiếp cận đối với thuế nhập khẩu carbon. Cách thứ nhất, đó là phản đối và cùng các nước khác (nhất là các nước đang phát triển), gây sức ép đàm phán với EU để tìm kiếm những giải pháp có lợi hơn cho chúng ta. Thực tế, nhiều đối tác lớn của EU, như Trung Quốc, Nga, Nam Phi, Ấn Độ, Brazil và một số nước đang phát triển đã bày tỏ lo ngại các chính sách môi trường có thể trở thành rào cản bảo hộ, trái với các nguyên tắc của WTO. Tuy nhiên đây là một quá trình phức tạp, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cũng như ảnh hưởng đến triển vọng quan hệ thương mại.

Cách tiếp cận thứ hai, tốt hơn cho dài hạn, là chấp nhận và tìm cách giảm thiểu những tác động tiêu cực. Về đối ngoại, Việt Nam nên tích cực tham gia đối thoại với các đối tác như EU để đàm phán, tìm kiếm những miễn trừ, ưu đãi có thể với các nước đang phát triển, tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật từ các nước phát triển để thích ứng với những luật lệ mới. Việt Nam cũng cần tăng cường hợp tác với các nước xuất khẩu khác để tăng cường vị thế trong đàm phán.

Về mặt khung chính sách trong nước, Việt Nam đã có thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường và các loại phí môi trường đối với khai thác khoáng sản từ năm 2011. Chúng ta cần cập nhật những chính sách này, xây dựng và ban hành thuế carbon, và phát triển thị trường tín chỉ carbon trong nước để doanh nghiệp có thể mua bán, từ đó tạo nguồn thu khuyến khích doanh nghiệp sản xuất xanh.

Chính phủ cần có ưu đãi cho đầu tư mới của doanh nghiệp vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới thân thiện với môi trường, khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo và tiết kiệm nhiên liệu. Nguồn thu từ thuế carbon cần được phân bổ đúng vào mục tiêu tài trợ doanh nghiệp và xã hội bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nhận thức, Chính phủ có thể xây dựng một đầu mối phối hợp giữa các Bộ ngành, cung cấp thông tin cụ thể hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ những quy định mới, đào tạo nâng cao năng lực của doanh nghiệp và nhận thức của xã hội về vấn đề này.

Bên cạnh những thách thức trong ngắn hạn, thuế carbon với hàng nhập khẩu sẽ tạo thêm động lực đổi mới cho các doanh nghiệp Việt Nam và các nhà hoạch định chính sách, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Khánh Diệp (Tổng hợp nguồn RMIT)

Theo

Cùng chuyên mục
  • Trà Vinh: Công ty TNHH Công Minh Cây Xanh trúng nhiều gói thầu “khủng”

    (Xây dựng) – Chỉ tính 07 gói thầu do Công ty TNHH Tư vấn đấu thầu Cửu Long Trà Vinh mời thầu, Công ty TNHH Công Minh Cây Xanh đều trúng.

  • Các tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu

    (Xây dựng) - Hồ sơ mời thầu phải quy định về tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu bao gồm tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm; tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật; xác định giá thấp nhất (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất); tiêu chuẩn xác định giá đánh giá (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá đánh giá).

  • Bài 1: Hà Nội - Vĩnh Phúc - Bắc Ninh sẽ gắn với phát triển vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ

    (Xây dựng) – Ngày 4/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 368/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch). Trong đó, 3 cụm động lực phát triển kinh tế là Hà Nội - Vĩnh Phúc - Bắc Ninh sẽ gắn với phát triển vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ.

  • Phê duyệt Quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng

    (Xây dựng) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội của vùng thành 02 tiểu vùng: Phía Bắc sông Hồng và phía Nam sông Hồng.

  • Thái Bình: Cần đẩy nhanh triển khai xây dựng dự án Nhà máy nhiệt điện LNG

    (Xây dựng) - Dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình nằm trong Quy hoạch Trung tâm Điện - Khí LNG xây dựng tại xã Thái Đô, huyện Thái Thụy. Dự án do Tập đoàn Tokyo gas, Công ty Điện lực Kyuden của Nhật Bản và Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam là nhà đầu tư, với quy mô công suất 1.500MW. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD, sử dụng công nghệ sản xuất điện bằng tuabin khí, chu trình hỗn hợp hiện đại và có hiệu suất cao, nhiên liệu sử dụng chính là khí thiên nhiên hóa lỏng nhập khẩu.

  • Lào Cai: Xem xét xử lý trách nhiệm các chủ đầu tư không đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

    (Xây dựng) - Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Thông báo số 108/TB-VPUBND về tiến độ giải ngân xây dựng cơ bản (kể cả chương trình mục tiêu quốc gia), công tác chuẩn bị đầu tư năm 2024 và giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load