Thứ sáu 03/01/2025 01:57 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Vì sao toàn tuyến đường sắt đô thị ga Hà Nội-Hoàng Mai phải đi ngầm?

14:33 | 05/04/2022

Tuyến đường sắt đô thị ga Hà Nội-Hoàng Mai đi ngầm gần như toàn tuyến sẽ giúp giảm thiểu diện tích giải phóng mặt bằng, tăng khả năng kết nối với các tòa nhà và công trình ngầm xung quanh các nhà ga.

vi sao toan tuyen duong sat do thi ga ha noi hoang mai phai di ngam
Vận hành chạy thử đoàn tàu đường sắt đô thị đoạn Nhổn-ga Hà Nội. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Tuyến đường sắt đô thị ga Hà Nội-Hoàng Mai gần như đi ngầm toàn bộ sẽ là phương án tối ưu để giải quyết các vấn đề giao thông nan giải của Thủ đô.

Thông tin với phóng viên VietnamPlus, lãnh đạo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho hay tuyến đường sắt này có tổng chiều dài tuyến 8,7 km. Trong đó, tuyến đi ngầm toàn bộ theo hành lang Trần Hưng Đạo-Trần Thánh Tông-Kim Ngưu-Nguyễn Tam Trinh với 7 ga ngầm đã giảm được tối đa diện tích giải phóng mặt bằng.

Hơn nữa, phương án hướng tuyến và vị trí nhà ga đã được thành phố Hà Nội phê duyệt sớm đồng thời Chính phủ cũng đã có quy định rõ về hành lang an toàn cho đường sắt đô thị nên công tác quản lý quy hoạch dọc tuyến tốt hơn, đảm bảo giữ được quỹ đất cho phát triển đường sắt đô thị.

Lý giải vì sao tuyến đường sắt đô thị ga Hà Nội-Hoàng Mai hầu hết đi ngầm 8,13km, phía MRB phân tích quỹ đất của thành phố Hà Nội dành cho giao thông rất hạn hẹp. Vì vậy, các tuyến đường sắt đô thị đi ngầm là phương án tối ưu để giải quyết các vấn đề giao thông nan giải của Thủ đô. Tuy nhiên, việc đi ngầm toàn bộ tuyến cũng có những ưu và nhược điểm đi kèm.

Cụ thể, toàn tuyến đi ngầm giúp giảm thiểu diện tích giải phóng mặt bằng, tiết kiệm đất xây dựng; giảm xung đột với các công trình dân dụng, giao thông trên mặt đất; tăng khả năng kết nối với các tòa nhà và công trình ngầm xung quanh các nhà ga.

Mặt khác, việc đi ngầm sẽ không phá vỡ cảnh quan đô thị dọc theo tuyến, cũng như tạo điều kiện phát triển không gian phía trên mặt đất với các công trình đô thị, giao thông, cầu vượt và các loại hình giao thông công cộng khác; hạn chế chiếm dụng đất và cản trở giao thông trong quá trình thi công xây dựng; giảm thiểu ô nhiễm môi trường, kinh tế-xã hội đối với khu dân cư dọc theo tuyến.

“Tuy nhiên, nhược điểm đi ngầm toàn tuyến sẽ khiến chi phí đầu tư xây dựng cao; quá trình thi công công trình ngầm phức tạp, đòi hỏi công nghệ thi công xây dựng tiến tiến,” lãnh đạo MRB thừa nhận.

Liên quan đến ý kiến cho rằng địa chất Hà Nội yếu, khó triển khai các công trình ngầm, lãnh đạo MRB cho biết cấu trúc địa chất khu vực Hà Nội không thuận lợi cho các công trình ngầm do nền đất không đồng nhất, có các lớp đất yếu, nước ngầm và nước mặt.

Để giải quyết vấn đề này, MRB cùng đơn vị Tư vấn đã lựa chọn công nghệ thi công ngầm bằng TBM (Tunnel Boring Machine), đây là công nghệ thi công hầm tiên tiến bậc nhất trên thế giới. TBM có thể thi công trên mọi loại địa chất từ đá cứng đến đất yếu, đất sét, đất bồi hay đất cát dưới mực nước ngầm, đi xuyên núi hay dưới lòng biển; có độ an toàn cao, thân thiện môi trường và không làm rung động, chấn động; thích hợp áp dụng cho đường hầm đô thị.

Nhằm hạn chế những khó khăn vướng mắc khi triển khai dự án, MRB đã làm việc với các nhà tài trợ và Chính phủ để xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù nhằm rút ngắn các quy trình, thủ tục; lựa chọn những nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm tốt tham gia triển khai thi công xây dựng; lựa chọn tư vấn pháp lý nhằm giải quyết các tranh chấp với các nhà thầu.

Để đẩy nhanh tiến độ, Ban sẽ tiến hành công tác giải phóng mặt bằng ngay khi quy hoạch chi tiết được phê duyệt hoặc tách giải phóng mặt bằng thành một dự án riêng để thực hiện nhằm đảm bảo có 100% mặt bằng sách giao cho nhà thầu thi công xây dựng ngay khi ký hợp đồng.

MRB cũng sẽ tăng cường công tác phối hợp giữa chủ đầu tư, các Sở ngành, các quận, huyện để thực hiện tốt công tác lấy ý kiến nhân dân, công khai phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và yêu cầu chính đáng của nhân dân./.

Đường sắt đô thị đoạn ga Hà Nội-Hoàng Mai có đoạn tuyến chính của dự án dài 8,7km, trong đó chiều dài đi ngầm là 8,13km, đoạn hầm hở dẫn dài 0,57km, đoạn đi trên mặt đất dài 0,08km. Diện tích đất xây dựng công trình tổng cộng 34,2ha, diện tích cần giải phóng mặt bằng là 11,3ha.

Sơ bộ tổng mức đầu tư ước tính là 1.752,78 triệu USD, tương đương 40.577 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi của nhà tài trợ…

Dự kiến lựa chọn nhà thầu và thi công lắp đặt thiết bị trong giai đoạn 2022-2027; kiếm tra vận hành chạy thử vào cuối năm 2027 và vận hành từ tháng 1/2028.

Đến năm 2030, lưu lượng hành khách của tuyến ga Hà Nội-Hoàng Mai sẽ vận chuyển được 124.000 hành khách/ngày, sau năm 2040 phục vụ khoảng 295.000 hànhkhách/ngày.

Theo Việt Hùng (Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load