VEC cho biết nhu cầu vốn vay, vốn đối ứng tại dự án Bến Lức - Long Thành phải được đáp ứng trong tháng 3 để dự án kịp hoàn thành trước ngày 31/12/2023 như yêu cầu của Thủ tướng.
Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) cho biết các nhà thầu A5 và A7 của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đã thi công trở lại từ đầu tháng 3, đánh dấu thời điểm dự án được tái khởi động sau khi ADB chấp thuận gia hạn khoản vay 3391-VIE đến ngày 31/12/2023.
Trước mắt, VEC đang thực hiện đàm phán để nhà thầu A6 thi công trở lại.
Quan trọng hơn, doanh nghiệp đang phải tháo gỡ khó khăn để khơi thông dòng vốn cho dự án.
Thi công nhỏ giọt
Tại quốc lộ 51 đi qua xã Phước Thái (huyện Long Thành, Đồng Nai), người dân đã quen với một dải đất đấu thẳng vào quốc lộ. Cỏ mọc xanh rì bên những khối bê tông nằm im lìm đã nhiều năm. Đó là nền đất để xây dựng nút giao giữa cao tốc Bến Lức - Long Thành và quốc lộ 51.
Nhìn tổng thể công trường, những hạng mục được thi công trở lại chỉ chiếm một phần nhỏ so với rất nhiều gói thầu vẫn đang bất động vì thiếu vốn.
Cụ thể, các gói thầu A1, A2, A3, A4 thuộc đoạn 1 mới đạt 87,2% sản lượng. Các nhà thầu đang dừng thi công do chưa bố trí xong vốn. Đây là các gói thầu sử dụng vốn vay ADB, Hiệp định vay lần 01 số 2730-VIE đã hết hạn từ ngày 30/6/2019.
Đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành đấu nối vào quốc lộ 51 vẫn ngổn ngang nền đất. Ảnh: Ngọc Tân. |
Các gói thầu J1, J2, J3 thuộc đoạn 2 (bao gồm cầu Phước Khánh vừa bị tàu hàng đâm sập cần cẩu) mới đạt 84,6% sản lượng thi công. Đây là đoạn sử dụng vốn vay JICA. Nhà thầu J1, J3 đang dừng thi công do chưa bố trí xong vốn.
Hiện, đoạn 3 dài 25,3 km (gói thầu A5, A6, A7) sử dụng vốn vay ADB là đoạn có sản lượng thi công thấp nhất (43,6%) nhưng lại là đoạn duy nhất đang được tiếp tục thi công sau khi ADB đồng ý gia hạn hiệp định vay.
Không chỉ các khoản vốn vay bị nghẽn vì hiệp định vay hết thời hạn, vốn đối ứng của Nhà nước để giải phóng mặt bằng cũng không được rót về vì những vướng mắc sau khi VEC chuyển cơ quan chủ quản từ Bộ GTVT sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Trong lúc chờ vốn từ các tổ chức tín dụng, lãnh đạo VEC bày tỏ mong muốn Nhà nước sớm cung cấp 130 tỷ đồng vốn đối ứng để chi trả cho công tác giải phóng mặt bằng (63 tỷ đồng tại tỉnh Đồng Nai, 66 tỷ đồng tại TP.HCM và 1 tỷ đồng tại tỉnh Long An).
Câu chuyện một doanh nghiệp đang thu phí 4 tuyến cao tốc đông đúc nhất cả nước nhưng bất lực vì thiếu 160 tỷ đồng khiến nhiều người đặt câu hỏi. Tính riêng doanh thu của tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình mỗi năm đã khoảng 800 tỷ đồng. Chỉ cần gom tiền thu phí của tuyến này trong 3 tháng là đủ để giải quyết vốn đối ứng tại dự án Bến Lức - Long Thành.
Tuy nhiên, quy trình sử dụng dòng tiền không đơn giản như vậy. VEC cho biết doanh nghiệp phải báo cáo Bộ Tư pháp và Kiểm toán Nhà nước để tháo gỡ vướng mắc về vốn đối ứng cho dự án. Đến nay, Bộ Tư pháp đã có ý kiến. Chủ đầu tư tiếp tục làm việc với Kiểm toán Nhà nước để tháo gỡ vướng mắc.
Nguy cơ vỡ tiến độ
Đại diện VEC khẳng định việc xử lý vốn cho dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành là rất cấp bách. Để hoàn thành dự án trước ngày 31/12/2023 như yêu cầu của Thủ tướng, nguồn vốn JICA, vốn ADB và vốn đối ứng phải được bố trí chậm nhất trong tháng 3.
Cầu Bà Lào bắc qua sông Cần Giuộc (thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành) đã xây xong từ năm 2017. Trong khi đó, nhiều đoạn tuyến khác của dự án mới chỉ có nền đất. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đầu năm 2020, VEC đã đề nghị UBND TP.HCM, Đồng Nai, Long An xem xét, ứng trước nguồn kinh phí địa phương để chi trả cho công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư. VEC sẽ hoàn trả khoản tiền này khi cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn cho dự án.
Đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai đã tạm ứng ngân sách tỉnh 11,921 tỷ đồng để chi trả cho các hộ dân làm cơ sở thực hiện cưỡng chế thu hồi đất. UBND tỉnh Long An cũng bố trí vốn để chi trả dứt điểm công tác GPMB và tái định cư dự án đoạn qua địa phận tỉnh Long An.
Về phía TP.HCM, UBND TP đề nghị chủ đầu tư báo cáo Thủ tướng, Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính xem xét, chấp thuận tạm ứng ngân sách trung ương để thực hiện dự án.
Đầu năm 2021, do chưa được giao vốn nên VEC có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục tạm sử dụng nguồn kinh phí địa phương để ứng vốn, chi trả cho công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư (khoảng 10,5 tỷ đồng). Đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai đang xem xét.
Trong thời gian chờ các cấp có thẩm quyền, đại diện VEC cho biết sẽ tiếp tục báo cáo, kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước chấp thuận cho VEC tạm sử dụng nguồn thu phí từ các dự án cao tốc và các khoản tiền nhàn rỗi, chưa đến hạn trả nợ để tiếp tục giải ngân, thanh toán khối lượng thi công tại dự án Bến Lức - Long Thành.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành thuộc trục cao tốc Bắc - Nam phía đông, dài 57,8 km, đi qua Đồng Nai, TP.HCM và Long An. Một đầu nối với cao tốc TP.HCM - Trung Lương và đầu còn lại nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Dự án có chức năng kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ mà không cần đi qua nội đô TP.HCM.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 31.320 tỷ đồng (nay được cập nhật còn 27.510 tỷ đồng). Công trình khởi công từ tháng 7/2014, dự kiến hoàn thành trong năm 2018 nhưng bị chậm tiến độ.
Do không có mặt bằng và vốn để thi công đồng loạt, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành giống như một bức tranh vá víu. Một số hợp phần như cầu Bà Lào bắc qua sông Cần Giuộc đã xây xong, sơn kẻ đường và lắp hệ thống chiếu sáng từ năm 2017, trong khi nhiều đoạn đi qua TP.HCM đến nay vẫn đang là nền đất.
Theo Ngọc Tân/Zing.vn
Link gốc: https://zingnews.vn/vec-lo-vo-tien-do-vi-thieu-130-ty-o-cao-toc-ben-luc-long-thanh-post1189889.html