(Xây dựng) - Tọa đàm khoa học với chủ đề “Thực trạng nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông Việt Nam thời kỳ đổi mới” vừa diễn ra ngày 24/7, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh). Sự kiện do Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh tổ chức.
PGS.TS Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu khai mạc Tọa đàm. |
Phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn tọa đàm khoa học, PGS.TS Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: Trải qua gần 100 năm hình thành, phát triển, tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng vẫn luôn là điểm tựa vững chắc nhất cho nền báo chí - truyền thông nước nhà. Báo chí - truyền thông có đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới.
Tuy nhiên, báo chí - truyền thông đã và đang gặp phải những thách thức lớn trước tốc độ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, cũng như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các công nghệ nền tảng, như: Trí tuệ nhân tạo AI, công nghệ truyền thông thế hệ mới…
Cùng với đó, vẫn còn nhiều thách thức từ những vấn đề nội tại của nền báo chí - truyền thông trong nước, như: Công tác quản lý báo chí - truyền thông ở một số nơi còn lỏng lẻo. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn bị nguồn lực còn nhiều khó khăn. Một bộ phận những người làm báo chí - truyền thông cũng như một số cơ quan báo chí - truyền thông có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích hoạt động, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật…
Đồng thời, tình hình thế giới và khu vực đang đặt ra nhiều thách thức mới cho nền báo chí - truyền thông của Việt Nam hiện nay. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra yêu cầu phải "xây dựng nền báo chí - truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại". Những giá trị cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng cần được phổ biến, vận dụng, phát huy trong bối cảnh phát triển mới. Đây là những vấn đề rất khó, phức tạp và đòi hỏi có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và đánh giá thực trạng vận dụng và phát triển sáng tạo trong công cuộc đổi mới hiện nay một cách khách quan, toàn diện, hệ thống.
Quang cảnh Tọa đàm. |
Xuất phát từ thực tế này, tọa đàm với chủ đề: “Thực trạng nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí – truyền thông Việt Nam thời kỳ đổi mới” là dịp để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lãnh đạo, quản lý các Ban, Bộ, ngành, các cơ quan báo chí - truyền thông ở Trung ương và địa phương trao đổi, thảo luận nhằm đánh giá những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân của những thành tựu, hạn chế, từ đó làm rõ những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông Việt Nam thời kỳ mới.
Bên cạnh tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến tham luận giá trị và tâm huyết về vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí – truyền thông Việt Nam thời kỳ đổi mới của những nhà báo làm công tác quản lý báo chí - truyền thông tỉnh Quảng Ninh, những người làm báo tại Quảng Ninh và những người làm các công tác khác có liên quan đến báo chí – truyền thông.
Phát biểu tham luận tại Tọa đàm, TS. Nguyễn Thế Lãm, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cho biết: Tại Quảng Ninh, trong suốt chiều dài lịch sử đã chứng kiến nhiều dấu ấn đổi mới của báo chí vùng mỏ nhằm tìm tòi những hướng đi, những giải pháp để báo chí thực hiện tốt sứ mệnh, để lại nhiều bài học trong sự vận dụng quan điểm và tư tưởng của Bác về báo chí cách mạng. Trong suốt các giai đoạn cách mạng, báo chí ở Quảng Ninh luôn được đảng bộ tỉnh chăm lo, để báo chí phát huy tốt nhất vai trò của mình trong sự nghiệp cách mạng. Và vì thế, báo chí Quảng Ninh cũng thường xuyên có những bước đi đổi mới, thể hiện sự tìm tòi, những cách làm mới nhằm thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình, phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân.
Từ thực tiễn cùng với những trăn trở đổi mới, Tỉnh ủy Quảng Ninh quyết định thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, hoạt động từ 1/1/2019, trên cơ sở hợp nhất các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh gồm: Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Quảng Ninh, Cổng Thông tin điện tử tổng hợp tỉnh Quảng Ninh, Báo Hạ Long (thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh).
Đây là một quyết sách chính trị mang tính đột phá của Tỉnh ủy Quảng Ninh, cho ra đời mô hình cơ quan báo chí hợp nhất cấp tỉnh đầu tiên của cả nước, thực hiện hiệu quả mô hình “toà soạn hội tụ”, khai thác được sức mạnh của các loại hình báo chí; tiếp tục khẳng định tư duy đổi mới, sáng tạo, hành động quyết liệt, tiên phong của tỉnh Quảng Ninh; đồng thời thể hiện rõ việc vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của báo chí tại địa phương. Trong giai đoạn hiện nay, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh luôn đặc biệt coi trọng vai trò của báo chí trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh.
Các đại biểu ấn tượng với phần trình bày tham luận “Học tập tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng để ứng dụng sáng tạo các sản phẩm truyền thông số tuyên truyền về tư tưởng Hồ Chí Minh đối với thanh niên” của Nguyễn Bá Khải - cán bộ cơ quan Thành đoàn Hạ Long. |
Theo nhà báo Bùi Tiến Cường, Trưởng phòng Phóng viên Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam, khu vực Đông Bắc: Bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển với nhiều phương tiện truyền thông xã hội, mạng xã hội đặt ra yêu câu thực tiễn các cơ quan báo chí – truyền thông, những người làm công tác báo chí phải thay đổi để bắt nhịp với xu thế mới, phải nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí từ nội dung, hình thức cho tới công nghệ tiếp cận khán, thính, độc giả.
Cùng với đó người làm báo phải có bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng, không bị sa đà vào phê bình, tìm kiếm những cái sai, mà còn phải tăng cường tuyến tin bài biểu dương… Vấn đề đặt ra lúc này là làm thế nào để người dân có thể tiếp cận được nhiều thông tin, trong đó lan tỏa được những điều tốt đẹp, phản ánh được “hơi thở cuộc sống” là nhiệm vụ của người cầm bút.
Tại Tọa đàm, các đại biểu cũng thống nhất với những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu, vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông ở Việt Nam thời kỳ đổi mới. Trong đó, nêu cao tính Đảng, tính chiến đấu của báo chí là nguyên tắc hàng đầu, quan trọng của báo chí cách mạng. Vấn đề Đảng lãnh đạo báo chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra như vấn đề cốt tử và hiện nay cũng là vấn đề quan trọng nhất của sự nghiệp đổi mới báo chí. Đồng thời, quan tâm tới việc xây dựng đội ngũ người làm báo có lập trường chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngày càng được nâng cao và có đạo đức nghề nghiệp.
Tựu trung lại, tham luận của các đại biểu, nhà khoa học tại Tọa đàm “Thực trạng nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí – truyền thông Việt Nam thời kỳ đổi mới” đều thống nhất ý kiến: Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng luôn là những giá trị trường tồn cho các cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo nghiên cứu và vận dụng. Trong bối cảnh hiện nay, giá trị cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng tiếp tục là “kim chỉ nam” cho sự phát triển của báo chí truyền thông nước nhà. Tuy nhiên, những vấn đề đặt ra trong thực tiễn cần phải có cách làm sáng tạo, phù hợp để báo chí thực sự ngày càng đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, xây dựng đất nước giàu mạnh, nhân dân hạnh phúc.
Hoàng My
Theo